Giám đốc NASA kêu gọi điều tra thông tin Elon Musk thảo luận bí mật với Tổng thống Putin

Giám đốc NASA Bill Nelson đã kêu gọi điều tra một báo cáo của Wall Street Journal rằng Elon Musk và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã 'liên lạc thường xuyên' kể từ cuối năm 2022.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và tỷ phú công nghệ Mỹ Elon Musk (Ảnh: Getty)

Tổng thống Nga Vladimir Putin và tỷ phú công nghệ Mỹ Elon Musk (Ảnh: Getty)

Báo cáo cho biết người sáng lập SpaceX đã thảo luận về “các chủ đề cá nhân, căng thẳng kinh doanh và địa chính trị” với Tổng thống Nga Vladimir Putin, làm dấy lên mối lo ngại về an ninh quốc gia vì mối quan hệ của SpaceX với NASA và quân đội Mỹ có thể đã cấp cho Musk quyền truy cập vào thông tin nhạy cảm của chính phủ và tình báo Mỹ.

“Tôi không biết câu chuyện đó có thật hay không. Tôi nghĩ nó nên được điều tra”, ông Nelson nói với hãng tin Semafor. “Nếu câu chuyện là sự thật thì đã có nhiều cuộc trò chuyện giữa Elon Musk và Tổng thống Nga, tôi nghĩ điều đó đáng lo ngại, đặc biệt đối với NASA, Bộ Quốc phòng và một số cơ quan tình báo”.

Một quan chức Mỹ trong năm ngoái đã nêu mối lo ngại phản gián về những tương tác của Musk với các đối thủ của Mỹ như Nga, nhưng cộng đồng tình báo Mỹ tỏ ra cảnh giác khi xem xét những vấn đề vì Musk là công dân Mỹ, một quan chức quen thuộc với vấn đề này nói với CNN.

Một số quan chức Nhà Trắng nói với Wall Street Journal rằng họ không biết về mối liên hệ giữa Musk và ông Putin, và cho biết thông tin về các cuộc thảo luận “dường như là một bí mật được giữ chặt chẽ trong chính phủ”. Các cuộc thảo luận đã được xác nhận với bởi một số quan chức hiện tại và trước đây của Mỹ, châu Âu và Nga.

Trong một trường hợp, Wall Street Journal trích dẫn việc ông Putin yêu cầu Musk không kích hoạt dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của ông trên đảo Đài Loan (Trung Quốc).

Elon Musk hiện chưa đưa ra bình luận nào trước báo cáo của Wall Street Journal.

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby hôm 25/10 cho hay ông đã xem báo cáo nhưng Nhà Trắng “không có đủ tư cách để chứng thực” nó và chuyển các câu hỏi sang Musk. Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc nói với Wall Street Journal rằng Bộ Quốc phòng không bình luận về “quy trình kiểm tra, đánh giá hoặc trạng thái an ninh của bất kỳ cá nhân nào hoặc về các vấn đề chính sách an ninh nhân sự khi có báo cáo về hành động của một cá nhân”.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Musk và ông Putin chỉ có một cuộc điện đàm duy nhất trong đó họ thảo luận về “không gian cũng như các công nghệ hiện tại và tương lai”.

 Thiết bị đầu cuối của Starlink được một binh sĩ Ukraine lắp đặt (Ảnh: SpaceNews)

Thiết bị đầu cuối của Starlink được một binh sĩ Ukraine lắp đặt (Ảnh: SpaceNews)

Musk đóng vai trò quan trọng trong xung đột Ukraine

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào đầu năm 2022, sự ủng hộ của Musk dành cho Ukraine - được minh chứng bằng việc cung cấp dịch vụ Starlink của SpaceX - đã giảm dần khi những tuyên bố công khai của ông về cuộc xung đột ngày càng phù hợp hơn với những tuyên bố của ông Donald Trump – rằng ông sẽ đàm phán để chấm dứt chiến tranh một cách nhanh chóng.

Các thiết bị đầu cuối Internet vệ tinh do công ty của Musk cung cấp là nguồn liên lạc quan trọng cho quân đội Ukraine, cho phép họ chiến đấu và duy trì kết nối ngay cả khi mạng di động và Internet bị phá hủy.

Dmitri Alperovitch, một chuyên gia về Nga và an ninh mạng, nói với CNN rằng Starlink của Musk “đặc biệt cần thiết đối với Ukraine vì họ thực sự không thể tiếp tục cuộc chiến này nếu không có” các dịch vụ của nó.

Sau khi Musk tuyên bố ủng hộ Ukraine, SpaceX đột ngột yêu cầu Lầu Năm Góc trả hàng chục triệu USD mỗi tháng để tài trợ cho Starlink ở Ukraine và trút bỏ gánh nặng cho SpaceX. Musk sau đó đột ngột thông báo trên Twitter rằng ông đã rút lại yêu cầu tài trợ.

Cùng lúc đó, Musk đã sử dụng một cuộc thăm dò trên X để đề xuất một kế hoạch “Hòa bình Ukraine-Nga” bao gồm việc tiến hành lại các cuộc bầu cử “dưới sự giám sát của Liên hợp quốc” tại các khu vực gần đây đã bị Nga sáp nhập. Sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đặt câu hỏi về quan điểm của Musk trong cuộc chiến, doanh nhân công nghệ này đã trả lời rằng ông “vẫn rất ủng hộ Ukraine” nhưng lo ngại “sự leo thang trên diện rộng”.

SpaceX trước đây đã giới hạn tín hiệu Starlink của mình ở các khu vực do lực lượng Ukraine kiểm soát, cản trở những tiến bộ tiềm năng vốn dựa vào liên lạc Starlink. SpaceX sau đó đã mở rộng nó tới phần còn lại của nước này và đầu năm nay, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine tuyên bố họ đã xác nhận việc lực lượng Nga sử dụng liên lạc vệ tinh Starlink trong các khu vực bị chiếm đóng.

SpaceX cho biết họ không kinh doanh dưới bất kỳ hình thức nào với chính phủ hoặc quân đội Nga và dịch vụ của họ sẽ không hoạt động ở Nga.

Vào tháng 10/2022, Musk phủ nhận tuyên bố của nhà khoa học chính trị người Mỹ Ian Bremmer rằng ông đã nói chuyện với ông Putin về cuộc chiến và một “kế hoạch hòa bình” được đề xuất để chấm dứt xung đột.

Musk, đồng thời là CEO của Tesla và chủ sở hữu của X, đã nổi lên như một nhân vật tài chính quan trọng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay. Trong tháng 10, ông đã đầu tư gần 44 triệu USD vào một siêu ủy ban hành động chính trị (Super PAC) để giúp ông Trump vào Nhà Trắng - nâng tổng số tiền quyên góp của tỷ phú cho nhóm lên gần 119 triệu USD - và ông đã xuất hiện cùng ông Trump trên đường vận động tranh cử vào đầu tháng này ở Butler, Pennsylvania.

Musk cũng đã tổ chức các sự kiện của riêng mình vào tuần trước ở Pennsylvania, nơi ông kêu gọi cử tri ủng hộ ông Trump và quảng bá một số thuyết âm mưu đã bị vạch trần về cuộc bầu cử năm 2020. Ông Trump đã hứa hẹn sẽ trao cho Musk một vị trí trong chính quyền nếu ông tái đắc cử.

Theo Wall Street Journal, CNN

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/giam-doc-nasa-keu-goi-dieu-tra-thong-tin-elon-musk-thao-luan-bi-mat-voi-tong-thong-putin-post179510.html
Zalo