Giám đốc điều hành Stellantis bất ngờ từ chức
CEO của tập đoàn Stellantis Carlos Tavares đã đệ đơn từ chức sau doanh số bết bát của các thương hiệu như Maserati, Alfa Romeo...
Theo thông cáo báo chí của Stellantis, Giám đốc Điều hành Carlos Tavares đã chính thức nộp đơn từ chức kể từ ngày 1/12. Trước đó 2 tháng, tập đoàn này từng đưa ra thông cáo sẽ kết thúc hợp đồng 5 năm của vị CEO này vào năm 2026. Động thái bất ngờ này có thể gây nên nhiều xáo động trong ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt khi Stellantis đang sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng.
Quá trình bổ nhiệm Giám đốc Điều hành thường trực mới đang được tiến hành, vốn do một Ủy ban đặc biệt của Hội đồng Quản trị chịu trách nhiệm và sẽ kết thúc vào nửa đầu năm 2025. Cho đến lúc đó, một Ủy ban điều hành lâm thời mới do ông John Elkann làm chủ tịch sẽ được thành lập.
Trong những tháng cuối cùng còn gắn bó với Stellantis, ông Carlos Tavares đã thẳng thắn chỉ ra một số thách thức nội bộ của tập đoàn này. Ông đổ lỗi cho việc tiếp thị kém cỏi khiến doanh số Maserati chậm chạp và nêu ra các vấn đề về chất lượng tại nhà máy Sterling Heights, nơi sản xuất nhiều mẫu xe thuộc thương hiệu Ram cần phải sửa chữa khi chỉ mới rời khỏi dây chuyền lắp ráp. Bên cạnh đó, vấn đề tồn kho cũng là một thách thức lớn của tập đoàn có quy mô xếp thứ 4 thế giới.
Do nhu cầu thị trường thấp, nhiều mẫu xe quen thuộc đã phải dừng sản xuất, từ mẫu xe đô thị thuần điện Fiat 500e cho đến mẫu SUV cỡ lớn Dodge Durango, các mẫu xe thể thao Maserati GranTurismo và GranCabrio, Jeep Grand Cherokee và Fiat Panda.
Cụ thể, doanh số của Jeep tại Mỹ đã giảm 8% trong ba quý đầu năm. Ram và Dodge phải đối mặt với mức giảm 24%, trong khi Chrysler giảm mạnh tới 21%. Mặc dù Alfa Romeo đã ra mắt mẫu SUV cỡ nhỏ Tonale, tình hình vẫn không khá hơn khi thương hiệu này có mức giảm 10%.
Vào tháng 9, Hội đồng đại lý quốc gia Stellantis tại Mỹ đã gửi một bức thư ngỏ tới Tavares, cáo buộc ông về "sự xuống cấp nhanh chóng" của Jeep, Ram, Dodge và Chrysler. Trong đó, hội đồng này nêu rõ: "Thị phần của các thương hiệu thuộc tập đoàn đã giảm gần một nửa, giá cổ phiếu Stellantis đang lao dốc, nhà máy đóng cửa, tình trạng sa thải nhân viên diễn ra tràn lan, và các giám đốc điều hành chủ chốt lần lượt rời công ty. Các vụ kiện từ nhà đầu tư, nhà cung cấp, cùng các cuộc đình công ngày càng gia tăng. Mạng lưới phân phối cũng đang rơi vào tình trạng suy yếu và kiệt quệ."
Chỉ vài tuần trước khi từ nhiệm, vị CEO 66 tuổi này cho biết các thương hiệu đang gặp khó khăn sẽ có vài năm để tự cứu mình khỏi nguy cơ bị xóa sổ hoặc bán đi. Cả 14 thương hiệu dưới sự quản lý của Stellantis đều sẽ được hỗ trợ tài chính đầy đủ đến năm 2026.
Đây không phải là thay đổi đáng chú ý duy nhất tại Stellantis trong những tháng gần đây. Hai tháng trước, ông Santo Ficili đã được bổ nhiệm làm CEO của Maserati và Alfa Romeo, thay thế ông Davide Grasso và ông Jean-Philippe Imparato. Ông Imparato sau đó được bổ nhiệm làm Giám đốc Vận hành khu vực Châu Âu Mở rộng và là CEO của Pro One, bộ phận thương mại của Stellantis.
Stellantis N.V. là một trong những tập đoàn công nghiệp ô tô có quy mô tầm cỡ thế giới, vốn sở hữu nhiều thương hiệu con như Abarth, Alfa Romeo, Chrysler, Citroën, Dodge, DS Automobiles, FIAT, Jeep, Lancia, Maserati, Opel, Peugeot, Ram, Vauxhall, Free2move và Leasys. Theo chiến lược Dare Forward 2030, Stellantis đang hướng tới mục tiêu trung hòa carbon kể từ năm 2038. Tuy nhiên, điều này gây nên một số tranh cãi trong chiến lược của thương hiệu, đơn cử như việc loại bỏ các mẫu xe biểu tượng như Dodge Viper, Dodge Challenger hay từ bỏ động cơ V8 vốn làm nên tên tuổi của thương hiệu này.