Giám đốc Công ty CP Văn hóa Đông A Trần Đại Thắng: Sách đẹp giúp công chúng trân quý sách hơn
Từ ngày 4 đến ngày 7-2, ông Trần Đại Thắng, Giám đốc Công ty CP Văn hóa Đông A (viết tắt là Công ty Đông A), sẽ sang Mỹ tham dự Hội chợ Nghệ thuật Sách quốc tế CODEX lần thứ 9. Hội sách được xem là điểm giao lưu gặp gỡ của những nghệ sĩ chế tác sách và những người yêu sách đẹp. Đông A là 1 trong 3 đơn vị của châu Á góp mặt tại hội sách. Nhân dịp này, PV báo SGGP đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Đại Thắng.
PHÓNG VIÊN: Hội chợ Nghệ thuật Sách quốc tế CODEX có thâm niên gần 20 năm, được tổ chức định kỳ 2 năm/lần. Lý do Công ty Đông A chọn tham gia hội sách lần này là gì và ông có kỳ vọng gì?
Ông TRẦN ĐẠI THẮNG: Ở châu Á, ngoài Công ty Đông A có thêm 2 đơn vị của Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia hội sách. Tham gia vào lĩnh vực làm sách thủ công, sách giới hạn, đòi hỏi chúng tôi không ngừng học hỏi, tìm hiểu từ các nước trên thế giới, xem thử người ta đã trải qua những gì, những bước phát triển như thế nào. Đặc thù của dòng sách thủ công là số lượng giới hạn, vậy nên, khác với những hội chợ sách như Frankfurt hay Guadalajara, hội sách CODEX thường chỉ những nhà sưu tập, những người yêu thích về nghệ thuật mới tham gia.
Trước mắt, tôi sẽ mang những ấn bản của mình sang trưng bày và giao lưu với những người tham quan hội sách. Thực tình, tôi cũng không đặt nhiều kỳ vọng, mà chủ yếu là phải bước ra với thế giới để biết mình đang ở đâu, và mình đang làm gì, có phù hợp với xu thế của thế giới hay không. Với sự xuất hiện của mình tại hội sách CODEX, tôi cũng muốn phát đi một tín hiệu, để người ta biết là Việt Nam cũng có đơn vị làm sách thủ công. Ngoài ra, nếu có cơ hội, tôi nghĩ mình cũng có thể hợp tác sản xuất, gia công rồi phát hành.
Thâm niên của Công ty Đông A với dòng sách giới hạn cũng tương đương thời gian ra đời của hội sách CODEX. Phải chăng đến lúc này ông mới cảm thấy tự tin để tham gia hội sách?
Công ty Đông A được thành lập vào năm 2004, đến nay cũng vừa tròn 20 năm. Tôi nghĩ rằng, cái gì cũng phải có quá trình. Những năm đầu, chúng tôi chủ yếu làm và phát hành trong nước, tham gia những hội sách phổ thông, giao lưu bản quyền với các nhà xuất bản tên tuổi trên thế giới cũng chủ yếu là về sách phổ thông. Còn với dòng sách thủ công, Công ty Đông A mới bước chân vào từ năm 2018, trước đó, chúng tôi có thực hiện các ấn bản S100 (sách được sản xuất đặc biệt) nhưng chủ yếu vẫn làm bằng máy, chưa phải thủ công. Sau 5 năm, tôi nghĩ mình ít nhiều đã có một số thành tựu nhất định. Dù vậy, để có những ấn bản hoàn hảo nhất, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của bạn đọc, chúng tôi vẫn phải học hỏi kinh nghiệm từ những đơn vị tham gia hội sách CODEX, để tiếp tục nâng cao kỹ thuật và mỹ thuật của mình lên.
Trong những năm gần đây, các ấn phẩm sách giới hạn của Công ty Đông A đã được công chúng đón nhận, tạo nên phong trào chơi và sưu tầm sách đặc biệt, sách đẹp ở Việt Nam. Với thế giới, dòng sách này đã có từ lâu, còn ở Việt Nam, liệu đã hình thành thị trường sách đẹp chưa, khi mà nhắc đến giá sách, không ít người vẫn còn “rụt cổ”…
Rất khó để đánh giá về thị trường chung ở Việt Nam, nhưng nói riêng thị trường của Công ty Đông A thì 5 năm qua, các nhà sưu tập, những người yêu thích sách nghệ thuật vẫn đặt sách đều đặn, người quan tâm và sưu tập dòng sách này càng ngày càng nhiều lên. Để hình thành một thị trường đại chúng, tôi nghĩ là không thể, kể cả thế giới cũng vậy thôi. Nhưng nó sẽ có tác dụng giúp công chúng cảm thấy trân quý sách hơn.
Đối với dòng sách thủ công, giá sách không thể thấp được, bởi vì toàn bộ chi phí về nguyên vật liệu, kỹ thuật rồi tâm huyết rất lớn. Chưa kể, số lượng chỉ giới hạn 100 bản. Thực ra, giá sách giới hạn ở Việt Nam so với nước ngoài vẫn đang rất thấp. Tất nhiên, vấn đề thu nhập là một lẽ, nhưng nguyên vật liệu phải nhập từ nước ngoài, từ miếng da đến giấy, hay các nguyên liệu khác đều phải nhập từ châu Âu. Ngoài chi phí, thời gian để hoàn thành cuốn sách ấy kéo dài cả năm trời nên không thể làm và bán sách giới hạn với giá thấp được.
Có người nói rằng, Công ty Đông A chỉ cần bán một cuốn sách giới hạn là đã lãi bằng người khác bán 1.000 cuốn sách phổ thông. Thực hư ra sao, thưa ông?
Về kinh tế, nói đúng ra 5 năm vừa rồi không bằng những năm làm sách phổ thông của Công ty Đông A. Ở đây, chúng tôi cam kết chỉ in 100 cuốn và có đánh số. Với sách phổ thông, người ta không biết lợi nhuận, doanh số là bao nhiêu, nhưng với sách thủ công là biết ngay. Bởi nguyên vật liệu chúng tôi đều có các thông số, in bằng loại giấy gì, định lượng bao nhiêu, loại da gì... Mọi người chỉ cần tìm kiếm trên Google là có thể ra chi phí cụ thể cho một cuốn sách giới hạn.
Vậy mà lúc nào cũng thấy ông hào hứng, thậm chí là mời cả chuyên gia của nước ngoài đến đào tạo, hướng dẫn cho không chỉ nhân viên mà cả những người có quan tâm đến dòng sách thủ công…
Gọi là đam mê nghe có vẻ hơi sáo, nhưng nếu không làm, tôi cũng chẳng biết làm cái gì. Bởi cuộc đời tôi chỉ sống nhờ sách, với niềm đam mê đặc biệt dành cho dòng sách thủ công. Thực ra, đối với dòng sách này, nếu dễ ăn thì đã thành phong trào, có nhiều đơn vị cùng tham gia rồi. Nhưng nếu nói phải bù lỗ thì cũng không phải, vì nếu vậy chắc tôi không có đủ động lực để làm tiếp nữa. Nói chung, đến thời điểm hiện tại, tôi thấy mọi thứ đều ổn, dù không có một khoản tiền thật lớn nhưng tôi thấy thoải mái và vui với công việc mà mình đang theo đuổi.
Cùng mục đích giới thiệu rộng rãi sách thủ công tới công chúng, từ 7 đến 14-2 (tức từ 28 tháng Chạp đến hết mùng 5 tết), Công ty Đông A sẽ có khu vực trưng bày và triển lãm một số ấn bản đặc biệt, giới thiệu một số công đoạn đóng sách thủ công tại Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn 2024 (đường Lê Lợi, quận 1, TPHCM).