Giảm diện tích sản xuất lúa

Diện tích gieo cấy lúa trên địa bàn tỉnh những năm qua có xu hướng thu hẹp. Sự thay đổi này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như biến đổi khí hậu, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiệu quả kinh tế thấp hơn một số cây trồng khác, quá trình đô thị hóa...

Điện Biên có thế mạnh sản xuất lúa gạo, cánh đồng Mường Thanh lớn nhất Tây Bắc với diện tích hơn 140km2. Tuy nhiên thời gian gần đây, diện tích sản xuất lúa nước trên địa bàn tỉnh đang giảm đi, nhất là tại khu vực vùng sâu, vùng xa, những nơi thiếu công trình thủy lợi, nước sản xuất.

Nhiều nguyên nhân khiến diện tích sản xuất lúa giảm. Trước hết, thời tiết diễn biến thất thường, thiên tai, hạn hán đã làm nhiều diện tích lúa nước không thể sản xuất, ảnh hưởng kế hoạch gieo trồng. Như vụ xuân 2025, diện tích gieo cấy toàn tỉnh 9.763,24ha, giảm gần 60ha so với vụ xuân năm 2024. Trong đó, huyện Điện Biên giảm gần 33ha tại các xã Mường Pồn, Thanh Xương, Núa Ngam do thiên tai, mưa lũ không thể khắc phục và một số diện tích thiếu nước sản xuất. Diện tích còn lại trên địa bàn các huyện Mường Chà, Tủa Chùa, Mường Nhé, Điện Biên Đông bỏ hoang do không có nước sản xuất và một số diện tích chuyển sang trồng rau màu.

Người dân xã Thanh An, huyện Điện Biên chuyển sản xuất lúa sang trồng khoai lang.

Người dân xã Thanh An, huyện Điện Biên chuyển sản xuất lúa sang trồng khoai lang.

Bên cạnh những nguyên nhân như thiếu nước sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, diện tích sản xuất lúa bị thu hẹp một phần do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phục vụ các công trình, dự án.

Điển hình, tại kỳ họp cuối năm 2024, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết thông qua các danh mục dụ án có thu hồi đất trồng lúa, đất rừng với diện tích 27,16ha, như: Dự án khu dân cư thương mại xã Thanh Hưng, Thanh Chăn, huyện Điện Biên thu hồi 24,20ha đất trồng lúa 2 vụ; dự án Siêu thị Hoa Ba Tuần Giáo dự kiến thu hồi 0,41ha đất trồng lúa 2 vụ... Một số dự án điều chỉnh thu hồi đất trồng lúa như: Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn các xã: Mường Mươn, Na Sang, Ma Thì Hồ, Sa Lông, Huổi Lèng, Mường Tùng, Sá Tổng, Hừa Ngài, Huổi Mí (huyện Mường Chà) đã được HĐND tỉnh chấp thuận thu hồi đất tại Nghị quyết số 127/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 với diện tích 38,30ha; bổ sung chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với diện tích 1,54ha.

Ngoài ra, có nguyên nhân do tình trạng lấn chiếm đất trồng lúa, tự ý chuyển đổi đất trồng lúa sang mục đích khác. Điển hình, ngày 24/3/2025, phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ phối hợp với lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai đối với ông Nguyễn Hữu Phục, ở tổ dân phố 9, phường Thanh Trường. Ông Phục được xác định có hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp khi không được cấp phép. Theo kết luận của đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Hữu Phục đã đổ đất với tổng diện tích 2.545m2, trong đó đã đổ nền bê tông diện tích 1.089m2. Thời điểm đổ đất vào năm 2021, thời điểm đổ nền bê tông và dựng lán vào ngày 20/3/2025.

Người dân huyện Điện Biên chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô cho năng suất cao hơn.

Người dân huyện Điện Biên chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô cho năng suất cao hơn.

Tính đến năm 2025, tổng diện tích cây lương thực có hạt (chủ yếu cây lúa) ước đạt 78.459,07ha, giảm 1.825,23ha so với năm 2020 do chuyển đổi thực hiện các công trình, dự án. Cũng trong giai đoạn này, toàn tỉnh giảm 5.203,76ha đất chuyên trồng lúa do chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó đất lúa 2 vụ 54,92ha; lúa 1 vụ 569,21ha; lúa nương 4.776,63ha.

Ngoài ra, một số hộ nông dân có điều kiện đã chuyển đổi toàn bộ diện tích sản xuất lúa sang cây trồng khác, còn lúa gạo mua từ thị trường. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa cũng tác động đến diện tích sản xuất lúa.

Xác định việc thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực của tỉnh là vấn đề cần được quan tâm, những năm qua tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường quản lý, bảo vệ. Đặc biệt, thực hiện Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng có hiệu quả đất trồng lúa; Nghị định 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 35/2015/NĐ-CP, từ năm 2021 - 2024 các địa phương trên địa bàn tỉnh đã được cấp 23,56 tỷ đồng từ nguồn thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; 205,048 tỷ đồng kinh phí trung ương hỗ trợ quản lý, sử dụng có hiệu quả đất trồng lúa.

Nông dân huyện Điện Biên chăm sóc lúa đông xuân.

Nông dân huyện Điện Biên chăm sóc lúa đông xuân.

Ngày 11/9/2024 Chính phủ ban hành Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về đất trồng lúa. Cuối năm 2024 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ và việc sử dụng kinh phí hỗ trợ sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, sử dụng tối thiểu 50% kinh phí hỗ trợ cho người sử dụng đất trồng lúa: Hỗ trợ cho người sử dụng đất trồng lúa, sử dụng giống lúa hợp pháp để sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất, tiến bộ kỹ thuật, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; sử dụng tối đa 30% kinh phí để hỗ trợ sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp. Kinh phí còn lại để cải tạo, nâng cao chất lượng đất trồng lúa; xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng vùng đất chuyên trồng lúa... Qua đó góp phần khôi phục và bảo vệ diện tích đất trồng lúa hiệu quả; quản lý tốt diện tích đất trồng lúa, tránh tình trạng người dân tự ý chuyển đổi mục đích.

Bài, ảnh: Thành Đạt

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/kinh-te/giam-dien-tich-san-xuat-lua
Zalo