Giảm cấp trung gian phải đi kèm với đẩy mạnh phân cấp phân quyền
Từ thực tiễn các mô hình trên thế giới, cho thấy quá trình sáp nhập và tinh gọn không đơn thuần là giảm số lượng đầu mối hành chính mà quan trọng hơn là xây dựng mô hình quản trị địa phương hiện đại, minh bạch, năng động và thích ứng nhanh với những biến đổi xã hội. Đặc biệt phải phân cấp phân quyền mạnh mẽ.
Chiều 28/3, Học viện Cán bộ TPHCM và Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam tổ chức Hội thảo Khoa học cấp bộ “Nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện) và sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư: Từ thực tiễn TPHCM”.
Then chốt là hoàn thiện về phân cấp phân quyền
Tại hội thảo, PGS.TS Huỳnh Văn Thới, nguyên Quyền Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TPHCM cho rằng, bỏ cấp trung gian, sáp nhập các đơn vị hành chính là xu hướng phát triển hiện đại nhằm tinh gọn bộ máy quản trị quốc gia, nâng cao hiệu quả hành chính công để phụng sự đắc lực người dân.
Đây là xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Mỗi nước tuy cách làm khác nhau nhưng mục đích đều giống nhau là “tinh giản” và “phục vụ tốt hơn”.

PGS – TS Huỳnh Văn Thới, nguyên Quyền Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TPHCM
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Thới, cần hoàn thiện pháp luật về phân quyền phân cấp gắn với nhận thức về phân quyền phân cấp; tránh xu hướng rụt rè cho rằng địa phương không làm được hoặc không dám phân cấp… Phải hoàn thiện việc phân cấp, lấy nhân dân làm chủ thể, phù hợp với đặc thù của đơn vị hành chính lãnh thổ, tương xứng với nhiệm vụ quyền hạn, trách nhiệm, nguồn lực để thực hiện.
Đặc biệt, cần tính đến sự khác biệt giữa các vùng miền, các tỉnh thành trong cả nước, trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ… Việc bỏ cấp trung gian đòi hỏi đầu tiên là phải minh định về thẩm quyền và điều chỉnh chức năng giữa các cấp chính quyền.
"Tức là phải trả lời một cách căn cơ, khoa học và chắc chắn nhà nước làm gì cho mối quan hệ nhà nước, thị trường và xã hội. Trong nhà nước thì Trung ương làm gì, địa phương làm gì? Địa phương thì tỉnh làm gì, huyện làm gì, cơ sở làm gì? Tôi cho rằng không thể đạt được kết quả mong đợi nếu như không tiến hành đồng thời với đẩy mạnh phân quyền, phân công mà then chốt là thể chế, tức là hoàn thiện khung pháp lý về pháp quyền, phân cấp", PGS - TS Huỳnh Văn Thới nói.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM
Đồng quan điểm, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng, cần phải đẩy mạnh phân cấp phân quyền, không phải cái gì cũng phải xin. Đây là cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy chưa từng có, rất nhanh, khẩn trương nên chắc chắn là có khó khăn như đội ngũ cán bộ giảm lớn, có thể sẽ có sự đứt gãy về thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân…
Mô hình chính quyền không trung gian
Giới thiệu về một số mô hình chính quyền đô thị không có cấp trung gian trên thế giới như tại Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Singapore, TS. Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Văn hóa- Xã hội, HĐND TPHCM cho biết, các mô hình đều có ưu điểm cũng như hạn chế.

TS Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TPHCM
Do đó, Việt Nam có thể tận dụng một số ưu điểm của các mô hình như: Phân quyền mạnh hơn cho chính quyền đô thị; đổi mới cơ chế tài chính đô thị, cho phép tự chủ ngân sách; tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản lý và xây dựng cơ chế giám sát minh bạch.
Còn PGS.TS Vương Đức Hoàng Quân, Phó Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động cho rằng, việc sắp xếp, tinh gọn là yêu cầu cấp bách đối với Việt Nam hiện nay.
Từ thực tiễn các mô hình trên thế giới, cho thấy quá trình sáp nhập và tinh gọn không đơn thuần là giảm số lượng đầu mối hành chính mà quan trọng hơn là xây dựng mô hình quản trị địa phương hiện đại, minh bạch, năng động và thích ứng nhanh với những biến đổi xã hội.

PGS.TS Vương Đức Hoàng Quân, Phó Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động
Đặc biệt, cần kết hợp giữa tinh gọn với chuyển đổi số, hiện đại hóa phương thức quản trị và phát triển đội ngũ lãnh đạo có năng lực.
"Tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội, bảo đảm mọi hoạt động của chính quyền địa phương để minh bạch và chịu sự giám sát của nhân dân. Và sau cùng là đưa đổi mới sáng tạo và văn hóa, chuyển đổi số thành nền tảng hoạt động của bộ máy chính quyền, coi đó là động lực để thích ứng những biến động của thời đại", PGS.TS Vương Đức Hoàng Quân cho biết.

PGS. TS Nguyễn Tấn Phát- Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM
Kết luận Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Tấn Phát- Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM khẳng định, các ý kiến, tham luận của Hội thảo đã khẳng định tính đúng đắn, cấp bách cũng như sự cần thiết của việc sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện) và sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh nói riêng; sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị nói chung để hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đây là tiền đề quan trọng, quyết định tiến trình phát triển đất nước ta trong kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Từ đó, đặt ra yêu cầu phải đảm bảo sự thống nhất, quyết tâm chính trị cao nhất của toàn hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận, chia sẻ, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và cả những hy sinh, tinh thần trách nhiệm, cống hiến của các cán bộ, công chức, viên chức.