Giảm bớt khó khăn cho lao động tự do khi gặp rủi ro

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 143/2024/NĐ-CP (Nghị định 143) về bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ) theo hình thức tự nguyện, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Đây là quy định có lợi cho người lao động tự do, bởi lâu nay các đối tượng này thường gặp nhiều rủi ro trong công việc nhưng lại không có chính sách hỗ trợ thiết thực.

Chính sách bảo hiểm mới có hiệu lực từ đầu năm 2025 là tin vui đối với nhiều lao động làm nghề xây dựng -Ảnh: H.N

Chính sách bảo hiểm mới có hiệu lực từ đầu năm 2025 là tin vui đối với nhiều lao động làm nghề xây dựng -Ảnh: H.N

Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động chiếm đa số trong lực lượng lao động của nước ta, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH của đất nước. Tuy nhiên, trong những năm qua, nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra trong quá trình làm việc đối với người lao động tự do. 5 năm qua, bình quân mỗi năm cả nước có trên 2.000 người làm việc không theo hợp đồng lao động bị chết do TNLĐ, gấp gần 2 lần khu vực có quan hệ lao động.

Hiện sản phẩm bảo hiểm thương mại về TNLĐ ở Việt Nam đang được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp qua hình thức bảo hiểm sức khỏe. Tuy nhiên, do bảo hiểm thương mại đề cao mục tiêu lợi nhuận nên có những hạn chế trong việc thực hiện bảo đảm an sinh cho người bị nạn và thân nhân. Do đó, Nghị định 143 với những quy định cụ thể về điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện là tin vui đối với nhiều lao động tự do trên cả nước.

Theo đó, đối tượng áp dụng của nghị định này là người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, có tham gia bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện. Khi người lao động gặp tai nạn thì được hưởng các chế độ gồm: giám định mức suy giảm khả năng lao động và trợ cấp TNLĐ.

Người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện khi có đủ các điều kiện sau đây: Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do TNLĐ xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện (trừ một số trường hợp được nghị định quy định rõ). BHXH tự nguyện đối với TNLĐ ở Việt Nam được xây dựng trên cơ sở khắc phục các hạn chế của bảo hiểm thương mại, đồng thời kế thừa tính ưu việt của BHXH bắt buộc về TNLĐ trong việc bảo đảm an sinh xã hội. Để tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện, người lao động nộp tờ khai tham gia BHXH cho cơ quan BHXH.

Trong đó có các thông tin cụ thể về nghề, công việc, thời gian và nơi làm việc. Người lao động có thể đóng bảo hiểm TNLĐ tự nguyện bằng 2 phương thức: 6 tháng một lần (mức đóng 207 ngàn đồng) hoặc 12 tháng một lần (mức đóng 414 ngàn đồng).

Thợ xây dựng là một trong những nghề mà người lao động đối mặt với khá nhiều rủi ro trong quá trình làm việc. Nghề này tập hợp nhiều đối tượng, chiếm phần đông là những người lao động ở các miền quê, tranh thủ lúc nông nhàn đi làm để có thêm thu nhập. Theo nghề này đã lâu, đến nay chị Lê Thị Bé (sinh năm 1980) ở huyện Triệu Phong không còn cảm thấy công việc này quá nặng nhọc như những ngày đầu mới làm quen.

Mỗi khi có công trình, từ sáng sớm vợ chồng chị đã rời nhà và trở về nhà khi chiều muộn. Vất vả mấy chị Bé cũng chịu được nhưng điều khiến chị lo lắng nhất là chẳng may xảy ra TNLĐ, nhất là khi cả hai vợ chồng đều làm công việc này.

Trường hợp một thợ xây rơi từ trên nhà cao tầng xuống đất, bị thương nặng dẫn đến tử vong cách đây ít năm ở TP. Đông Hà vẫn còn ám ảnh chị. Chị Bé cho biết: “Hằng ngày, từ 5 rưỡi sáng mùa hè hay 6 giờ vào mùa đông, chúng tôi đã có mặt ở công trình. Nhiều hôm nắng to, đứng trên giàn giáo cao hoa mắt không cẩn thận có thể bị TNLĐ bất cứ lúc nào. Việc giẫm lên đinh, té ngã hay bị vật liệu rơi trúng người hầu như ai cũng gặp phải”.

Theo chị Bé, từ lâu những người lao động tự do như chị mong muốn có một chính sách phòng ngừa rủi ro trong quá trình làm việc. Nhưng khi được hỏi về việc có tham gia bảo hiểm TNLĐ hay không, chị khá do dự vì chưa biết đến nội dung của bảo hiểm này. “Trước đây, tôi thường được nhiều đối tượng tiếp cận để mời chào các gói bảo hiểm thân thể khác nhưng đều từ chối vì mức đóng quá cao”, chị Bé chia sẻ.

Một trong những chính sách được Nhà nước quan tâm về an toàn, vệ sinh lao động là phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện nhằm xây dựng cơ chế đóng, hưởng linh hoạt, giúp phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro cho người lao động.

Nếu có hợp đồng lao động, trong thời gian làm việc, người lao động gặp tai nạn sẽ được xem xét là TNLĐ; hưởng đầy đủ các quyền lợi như tiền bồi thường, chi phí khám chữa bệnh và trợ cấp theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, những lao động tự do như thợ xây, người bán hàng rong, tài xế xe ôm hay lao động mùa vụ trong nông nghiệp... thường không ký hợp đồng lao động và không thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm TNLĐ.

Do đó, khi xảy ra tai nạn, họ không chỉ phải gánh chịu chi phí điều trị mà còn đối mặt với sự giảm sút nghiêm trọng về thu nhập. Chính sách bảo hiểm TNLĐ tự nguyện có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 sẽ giúp giảm bớt phần nào khó khăn cho những lao động không được ký hợp đồng, mang lại sự hỗ trợ cần thiết trong các trường hợp rủi ro.

Tuy nhiên, vì đây là chính sách mới nên rất nhiều người lao động tự do chưa biết đến thông tin này. Vì vậy, thời gian tới, BHXH tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người dân trên địa bàn tỉnh biết đến chính sách ưu việt này, từ đó tích cực tham gia đóng bảo hiểm TNLĐ.

Hoài Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/giam-bot-kho-khan-cho-lao-dong-tu-do-khi-gap-rui-ro-190620.htm
Zalo