Giảm bất bình đẳng để phát triển bền vững
Bất bình đẳng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Báo cáo Chỉ số cam kết giảm bất bình đẳng toàn cầu (CRII-5) mà Oxfam vừa công bố đã đặt ra những lo lắng liên quan tới một số nhóm chính sách làm gia tăng bất bình đẳng kinh tế mỗi một quốc gia.
Báo cáo chỉ số cam kết giảm bất bình đẳng toàn cầu lần thứ 5 (CRII-5) năm 2024 là những đánh giá của Oxfam và Tổ chức Tài chính phát triển quốc tế (DFI), dựa theo những cam kết của 164 quốc gia và vùng lãnh thổ với mục đích làm giảm bất bình đẳng.
Các tác giả của báo cáo tập trung phân tích thông qua ba nhóm chính sách về dịch vụ công, thuế và lao động ở các quốc gia này tác động tới sự bất bình đẳng. Nhìn chung, ngoại trừ mảng lao động, Việt Nam đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong việc giảm bất bình đẳng khi xây dựng, triển khai một số chính sách về giáo dục, thuế…
Chỉ số cam kết giảm bất bình đẳng toàn cầu lần thứ 5 (CRII-5) năm 2024 là chỉ số đo lường sự cam kết và hiệu quả của các quốc gia trong việc giảm thiểu bất bình đẳng toàn cầu. Chỉ số này được sử dụng để đánh giá và so sánh các biện pháp và chính sách mà các quốc gia đã triển khai để giảm thiểu sự chênh lệch về phát triển kinh tế - xã hội và môi trường giữa các quốc gia và khu vực khác nhau trên thế giới.
BẤT BÌNH ĐẲNG TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC
Các chuyên gia kinh tế cho rằng bất bình đẳng có tác động sâu rộng và tiêu cực đến sự phát triển bền vững, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh kinh tế - xã hội và môi trường.
Bất bình đẳng kìm hãm tăng trưởng kinh tế bởi sự tham gia đóng góp của một bộ phận lớn dân cư vào các hoạt động kinh tế nếu họ thiếu bình đẳng. Điều này có thể nhìn thấy khi người nghèo, người yếu thế không có điều kiện tiếp cận giáo dục và thiếu điều kiện việc làm tốt, tiềm năng kinh tế của họ sẽ không được phát huy, làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế tổng thể.
Bất bình đẳng còn làm tăng các chi phí xã hội như tăng dịch vụ y tế, an sinh xã hội. Đặc biệt, bất bình đẳng còn tạo nên áp lực cho việc bảo vệ môi trường vì nhóm dân cư nghèo phải dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên để sinh tồn, dẫn đến sự suy giảm tài nguyên và phá hủy môi trường. Ngoài ra, bất bình đẳng có thể dẫn đến sự thiếu tin tưởng vào các thể chế chính trị và làm suy yếu sự đoàn kết quốc gia, tạo nên mâu thuẫn lớn giữa lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm với lợi ích chung, cản trở việc thực hiện các chính sách phát triển bền vững.
Có thể nói, bất bình đẳng là một trở ngại lớn đối với sự phát triển bền vững. Điều này còn được củng cố và lý giải thêm tác động của bất bình đẳng với sự giàu nghèo của mỗi quốc gia qua các công trình nghiên cứu của ba nhà kinh tế học Daron Acemoglu, James Robinson, và Simon Johnson vừa nhận giải Nobel Kinh tế 2024.
Các nghiên cứu của ba nhà kinh tế học này đã chỉ ra rằng một số quốc gia giàu có và thịnh vượng hơn những quốc gia khác là do các thể chế chính trị và kinh tế của họ chứ không phải do khí hậu, địa lý hoặc văn hóa của quốc gia đó. Chính thể chế - bao gồm cả thể chế chính trị và kinh tế - sẽ định hình nên số phận của mình chứ không phải là định mệnh. Các tác giả cho rằng thể chế tốt (là thể chế “bao trùm” hay “dung hợp”) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, tạo ra sự phát triển và thịnh vượng. Trong khi đó, các thể chế xấu (thể chế “khai thác” hay “tước đoạt”) sẽ khiến các quốc gia trở nên kém hấp dẫn, bất ổn, ngày càng nghèo đói.
Các thể chế tốt thúc đẩy sự tham gia rộng rãi của người dân và toàn xã hội vào đời sống kinh tế và chính trị, bảo vệ quyền kinh doanh, quyền tài sản và khuyến khích đổi mới và sáng tạo. Ngược lại, thể chế xấu làm hạn chế sự tham gia của người dân và kìm hãm sự đổi mới, sự phát triển. Loại thể chế này, được thiết kế để khai thác tài nguyên, tìm kiếm đặc quyền đặc lợi, vì lợi ích của một số ít người, dẫn đến chu kỳ đói nghèo, bất bình đẳng và tụt hậu.
Việc giảm bất bình đẳng toàn cầu là rất quan trọng đối với chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người và sự phát triển bền vững. Báo cáo của Oxfam và Tổ chức Tài chính phát triển quốc tế (DFI) về Chỉ số cam kết giảm bất bình đẳng toàn cầu lần thứ 5 (CRII-5) năm 2024 chủ yếu đánh giá những chính sách trọng tâm liên quan đến dịch vụ công, thuế và quyền của người lao động nhằm giảm bất bình đẳng.
VÌ SAO KHÓ GIẢM BẤT BÌNH ĐẲNG
Báo cáo cho biết 94% các quốc gia (94 trong số 100 quốc gia) đang nhận khoản vay từ Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cắt giảm các khoản đầu tư quan trọng vào giáo dục công, y tế và an sinh xã hội trong hai năm qua. Số liệu báo cáo cũng chỉ rõ xu hướng chỉ số này thụt lùi trong đa số các quốc gia được xếp hạng khi so sánh với năm 2022.
Nhiều quốc gia đã cắt giảm tỷ lệ ngân sách dành cho giáo dục, y tế, hoặc bảo trợ xã hội và có những bước đi thụt lùi về các chính sách thuế, về bảo vệ quyền lao động và mức lương tối thiểu.
Bà Kate Donald, Trưởng đại diện Oxfam Quốc tế tại Washington DC, cho biết: “Những biện pháp cắt giảm này không chỉ gây thất vọng mà còn nguy hiểm, về cơ bản là đi ngược lại những nỗ lực phát triển”. Lần đầu tiên kể từ khi Chỉ số CRI được công bố năm 2017, phần lớn các quốc gia đang tụt hậu trong cả ba lĩnh vực quan trọng này.
Cụ thể, có tới 84% các quốc gia đã cắt giảm đầu tư vào giáo dục, y tế và an sinh xã hội; 81% quốc gia đã làm suy yếu khả năng hệ thống thuế có thể giảm bất bình đẳng; tại 90% quốc gia, các quyền lao động và mức lương tối thiểu đã trở nên tồi tệ hơn. Trên thực tế, việc này còn làm tăng đáng kể khoảng cách phát triển giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển trong khi giá lương thực tăng và nạn đói đang hoành hoành.
Do đó, nếu các quốc gia không có các hành động thì bất bình đẳng chắc chắn sẽ tiếp tục gia tăng ở hầu hết các quốc gia. Điểm sáng đáng chú ý là các quốc gia khối OECD có thu nhập cao như Na Uy, Canada và Australia vẫn dẫn đầu bảng xếp hạng nhờ chi tiêu công xã hội mạnh mẽ và thực thi các chính sách lao động tiến bộ…
Mặt khác, báo cáo cũng chỉ rõ, các nỗ lực giảm bất bình đẳng giữa các quốc gia trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương đáng lo ngại hơn so với tiêu chuẩn toàn cầu. Trong số 32 quốc gia thuộc khu vực này, chỉ có 5 quốc gia tăng hạng trong bảng xếp hạng toàn cầu, và hai quốc gia giữ nguyên vị trí.
Có tới 25 quốc gia đã chứng kiến sự tụt hạng trong xếp hạng chung toàn cầu. Trong bảng xếp hạng khu vực, một số quốc gia Đông Á, đặc biệt là những quốc gia thuộc nhóm OECD, có các kết quả khả quan hơn. Ngược lại, phần lớn các quốc gia Đông Á-Thái Bình Dương và Nam Á phải đối mặt với nhiều thách thức hơn.
Báo cáo cũng nêu ra một số các khuyến nghị để các chính phủ thực hiện nhằm giảm bất bình đẳng, không để mức độ cực đoan của bất bình đẳng gây suy yếu tăng trưởng.
VIỆT NAM CẦN THÚC ĐẨY MỘT SỐ CHÍNH SÁCH
Hiện Việt Nam đang xếp ở vị trí thứ 94/164 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá trong xếp hạng toàn cầu của báo cáo CRII-5 (năm 2024), so với vị trí 92 trong CRII-4 (năm 2022) với 161 quốc gia và vùng lãnh thổ. Về chính sách thuế, Việt Nam được xếp thứ 38 toàn cầu trong báo cáo CRII-5, nhờ chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ, chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…
Tất cả những chính sách đó đều có tác động tích cực làm giảm bất bình đẳng. Còn về chi tiêu ngân sách cho giáo dục những năm qua đều chứng kiến sự tăng trưởng vững chắc khi 47% chi tiêu hộ gia đình ở các thành phố lớn là dành cho giáo dục. Trong giai đoạn 2017-2022, chi tiêu cho giáo dục của các hộ gia đình Việt Nam tăng khoảng 7%.
Dân số trong độ tuổi học trung học của Việt Nam hiện là 24,5 triệu người và dự báo tăng 0,6% cho đến năm 2030. Việt Nam vẫn đang tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo, theo Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2013 phải bảo đảm ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước.
Đồng thời, Chính phủ luôn kịp thời điều chỉnh tăng mức chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo phù hợp với tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, xếp hạng của Việt Nam trong mảng lao động đã giảm từ vị trí thứ 104 trong CRII-4 (2022) xuống vị trí thứ 120 trong CRII-5 (2024). Do đó, Việt Nam vẫn cần thêm các nỗ lực để nâng cao tính tiến bộ của các chính sách lao động, báo cáo nêu rõ.
Để cải thiện lĩnh vực lao động, Việt Nam đang chú ý tới chất lượng giáo dục và đào tạo sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường lao động hiện tại và tương lai. Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học. Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất và quản lý lao động để nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc.
Đảm bảo rằng mọi người lao động đều nhận được các quyền và lợi ích hợp pháp, bao gồm bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ngơi và điều kiện làm việc an toàn. Phát triển các dịch vụ hỗ trợ lao động như tư vấn việc làm, đào tạo kỹ năng và hỗ trợ tài chính để giúp người lao động phát triển sự nghiệp của mình.
Với cách tiếp cận cân bằng của Việt Nam đối với nhóm các dịch vụ công và nhóm chính sách thuế tiến bộ đã góp phần cải thiện thứ hạng của Việt Nam. Với sự kiên trì thực hiện các chính sách nâng cao tính tiến bộ của các chính sách lao động sẽ tiếp tục cải thiện Chỉ số cam kết giảm bất bình đẳng toàn cầu trong năm tới.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 45-2024 phát hành ngày 04/11/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam