Giảm áp lực tinh giản khi bố trí công chức cấp huyện về xã
Nhiều giải pháp được các chuyên gia đề xuất nhằm bố trí vị trí công việc phù hợp cho cán bộ cấp huyện khi thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Theo định hướng của Trung ương, cả nước sẽ thực hiện bỏ cấp trung gian (cấp huyện), sắp xếp lại cấp xã trước ngày 30-6.
Mới đây, Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp đã có văn bản nêu rõ chuyển 100% biên chế cấp huyện hiện có để bố trí biên chế cấp xã.
PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hòa, Trưởng bộ môn Quản lý công Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng việc sắp xếp một khối lượng lớn cán bộ, công chức cấp huyện không thể làm một cách vội vàng, mà cần có lộ trình cụ thể, linh hoạt và nhân văn.

PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hòa, Trưởng bộ môn Quản lý công Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM.
Bốn bước sắp xếp cán bộ cấp huyện
. Phóng viên: Sau khi bỏ đơn vị hành chính cấp huyện thì đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (gọi chung là cán bộ) cấp huyện nên được bố trí thế nào, thưa bà?
+ PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hòa: Khi bỏ đơn vị hành chính cấp huyện, việc bố trí lại đội ngũ cán bộ cấp huyện được thực hiện theo nguyên tắc sắp xếp lại tổ chức bộ máy đi kèm tinh giản biên chế và đảm bảo quyền lợi cho người lao động, với bốn bước cụ thể.
Đầu tiên, các địa phương nên tổng rà soát đội ngũ hiện có, căn cứ vào vị trí việc làm, chức danh và khối lượng công việc sau khi sáp nhập, chỉ giữ lại những vị trí thực sự cần thiết.
Cán bộ thuộc phòng ban chuyên môn có thể bố trí lên cấp tỉnh hoặc điều động xuống cấp xã, nếu phù hợp với trình độ và nhu cầu. Một số cán bộ có thể được bố trí sang các đơn vị sự nghiệp công lập hoặc các cơ quan khác trong hệ thống chính trị. Riêng những người không còn phù hợp với vị trí việc làm mới, hoặc không có nhu cầu bố trí lại sẽ được giải quyết chế độ nghỉ hưu sớm nếu đủ điều kiện.
Cuối cùng, thực hiện các chế độ hỗ trợ tài chính, bảo hiểm, đào tạo lại, hoặc chuyển đổi nghề nghiệp… nếu có nhu cầu và khả năng. Tuy nhiên, việc này cần phải được nghiên cứu kỹ, không để người lao động bị thiệt thòi về quyền lợi chính đáng.

Theo các chuyên gia, việc sắp xếp một khối lượng lớn cán bộ cấp huyện không thể làm một cách vội vàng mà cần có một lộ trình cụ thể, linh hoạt và nhân văn. Ảnh: THUẬN VĂN
‘Giải rối’ cho giai đoạn đầu sắp xếp cấp xã
. Chắc chắn khi sắp xếp một số lượng cán bộ lớn sẽ cần lộ trình bài bản?
+ Tất nhiên rồi. Việc sắp xếp một số lượng lớn cán bộ cấp huyện không thể làm một cách vội vàng mà cần có một lộ trình cụ thể, linh hoạt và nhân văn.
Có thể đưa ra giải pháp tạm thời là chưa tinh giản ngay mà bố trí tạm về cấp xã để “giải rối” cho giai đoạn đầu thực hiện bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp xã là một hướng rất đáng cân nhắc và đã được nhiều địa phương, chuyên gia đề xuất khi triển khai sáp nhập.
Gần đây nhất, báo cáo của Chính phủ về xử lý vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước đã thông tin phương án là giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức của cấp huyện và cán bộ, công chức của cấp xã hiện có trước sắp xếp để bố trí cho các đơn vị cấp xã mới (sau sắp xếp). Trong đó, đội ngũ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay được bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị cấp xã mới.
Tôi cho rằng đây là cách giảm áp lực tinh giản ngay lập tức, đồng thời tận dụng được đội ngũ đã có kinh nghiệm quản lý ở cấp huyện. Trong quá trình này, địa phương có thể đánh giá hiệu quả công việc, từ đó lựa chọn ai giữ lại, ai điều chuyển, ai tinh giản.
. Vậy trong quá trình đó, vận động những đối tượng nào có thể tinh giản theo hướng nghỉ hưu sớm, nghỉ thôi việc?
+ Sau giai đoạn giảm áp lực tinh giản ban đầu, cần tiến tới tinh giản có lộ trình. Hiện có bốn nhóm đối tượng có thể vận động tinh giản theo hướng nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc.
Một là những người đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi theo Luật Bảo hiểm xã hội (ví dụ: nữ từ 50 tuổi, nam từ 55 tuổi, có đủ 20 năm đóng Bảo hiểm xã hội trở lên, thuộc đối tượng tinh giản). Các đối tượng này nếu tự nguyện nghỉ hưu sớm sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ tinh giản biên chế theo các quy định pháp luật mới nhất về nghỉ hưu trước tuổi.
Hai là nhóm tự nguyện xin nghỉ việc và có thể nhận hỗ trợ một lần từ ngân sách nhà nước theo chính sách tinh giản. Nhóm này sẽ được hỗ trợ tài chính (tính theo số năm công tác) và hỗ trợ học nghề, chuyển đổi việc làm nếu có nhu cầu.
Ba là những người không đáp ứng yêu cầu chuyên môn hoặc vị trí việc làm mới về kỹ năng, công nghệ, chuyển đổi số; chưa đáp ứng yêu cầu về phẩm chất đạo đức công vụ (nếu bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ nhiều năm). Họ có thể được vận động nghỉ việc theo chính sách hỗ trợ, hoặc đào tạo lại nếu có tiềm năng phát triển.
Bốn là người đang giữ vị trí lãnh đạo, quản lý các phòng, ban “dôi dư” sau khi sáp nhập, có thể vận động nghỉ theo diện không còn bố trí được vị trí tương đương nếu họ không muốn hoặc không phù hợp với việc điều động xuống cấp xã.

Có thể tính toán đưa những người hoạt động không chuyên trách về công tác tại thôn, tổ dân phố, nhằm kết nối, giữ vai trò nòng cốt trong các hội đoàn thể cơ sở. Ảnh: NGUYỆT NHI
Đưa người không chuyên trách về khu phố, ấp
. Tại Quyết định 759/2025 của Thủ tướng nêu rõ: Kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, giao địa phương xem xét, có thể sắp xếp những người này về công tác tại thôn, tổ dân phố. Quan điểm của bà về việc này?
+ Việc đưa người hoạt động không chuyên trách cấp xã về công tác tại khu phố, ấp cũng là một giải pháp hợp tình, hợp lý. Đây là cách vừa giữ được nhân lực am hiểu địa bàn, vừa tránh lãng phí nguồn lực.
Hơn nữa, cấp xã, phường sau sáp nhập sẽ quản lý địa bàn rộng hơn, nên vai trò gắn kết, nắm tình hình từ cơ sở là rất quan trọng. Lực lượng này có thể hỗ trợ trực tiếp cho tổ dân phố, ban điều hành khu phố, ban công tác mặt trận, chi hội đoàn thể ở khu dân cư.
Tuy nhiên, không chỉ là “chuyển chỗ đứng” mà cần xác định lại rõ vai trò, nhiệm vụ, chế độ hỗ trợ và nhất là lồng ghép trong việc phát huy mô hình tự quản, dân biết – dân bàn – dân làm – dân giám sát. Đây là điểm mấu chốt để chính quyền không phải ôm việc mà vẫn quản lý tốt từ gốc.
. Phải chăng lúc này cần phát huy mạnh mẽ mô hình tự quản của cộng đồng dân cư – khu phố, ấp?
+ Để chính quyền cấp xã không phải ôm việc như tôi nói ở trên, cần định hướng khu phố, ấp hoạt động theo mô hình cộng đồng tự quản, có quy chế hoạt động rõ ràng, dân chủ, minh bạch. Giao cho tổ dân phố, ban điều hành khu phố thực hiện một số công việc hành chính đơn giản như thu gom ý kiến, xác nhận cư trú, phổ biến chủ trương chính sách… Có thể ứng dụng công nghệ (app, Zalo OA, cổng thông tin điện tử) để hỗ trợ liên lạc, báo cáo.
Đồng thời, xây dựng mạng lưới “liên kết cộng đồng” nhằm kết nối các hội đoàn thể cơ sở (cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên, mặt trận...), tạo chân rết quản lý xã hội mềm mại.
Tôi tin rằng những người không chuyên trách được phân công về đây sẽ giữ vai trò nòng cốt trong các phong trào, nhóm hoạt động.
. Xin cảm ơn bà.
Phát huy mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư
Bên cạnh sắp xếp đội ngũ cán bộ cấp huyện, tôi cho rằng những cá nhân giàu kinh nghiệm làm việc ở cấp cơ sở, có kỹ năng xử lý công việc nhạy bén và am hiểu sâu sắc tình hình địa bàn thực tế sẽ là nguồn nhân lực quý giá cho các khu phố, ấp mới.
Việc điều chuyển và bố trí này không chỉ giúp tận dụng tối đa năng lực của cán bộ dôi dư, mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Nâng cao hiệu quả hoạt động của ĐVHC cấp xã, tiết kiệm ngân sách địa phương, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, tăng cường sự gắn kết giữa chính quyền và người dân. Đây cũng là giải pháp mang tính khả thi cao, góp phần xây dựng bộ máy chính quyền địa phương vững mạnh và hiệu quả.
Khu phố mới, ấp mới là nơi gần dân nhất, là nơi thực hiện các công việc trực tiếp với người dân. Bố trí những người có kinh nghiệm làm việc ở xã xuống sẽ giúp công việc hiệu quả hơn; tận dụng được nguồn nhân lực có kinh nghiệm nhưng cũng giảm bớt gánh nặng nhân sự cho cấp xã. Tuy nhiên, thay đổi môi trường làm việc cũng có thể gây khó khăn cho một số người nên cần thời gian để người lao động thích nghi.
Với bối cảnh mới, vai trò của chính quyền cơ sở ngày càng được đề cao. Do đó, cần phát huy mạnh mẽ mô hình tự quản của cộng đồng dân cư - khu phố, ấp. Trong đó, đặc biệt cần xây dựng cơ chế hoạt động như phân công trách nhiệm rõ ràng của từng thành viên trong các tổ chức tự quản; công khai, minh bạch, đảm bảo quyền tham gia và quyết định của người dân.
TS NGUYỄN ĐỨC QUYỀN, chuyên gia Quản lý Công, Học viện Cán bộ TP.HCM