Giảm áp lực, tăng an toàn cho điều dưỡng

Điều dưỡng được công nhận là người hành nghề có tính độc lập cao, giữ vai trò then chốt trong chăm sóc sức khỏe và củng cố hệ thống y tế.

Bộ Y tế cho biết với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam cần khoảng 260.000 điều dưỡng, nhưng hiện tại mới chỉ có 150.000, dẫn đến thiếu hụt nhân lực trong ngành.

Theo Bộ Y tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi năm 2023 lần đầu quy định điều dưỡng là người hành nghề có tính độc lập cao, khẳng định vai trò trung tâm trong chăm sóc bệnh nhân, thúc đẩy mô hình chăm sóc toàn diện, đa ngành.

Điều dưỡng Bệnh viện K chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: Thế Mạnh

Điều dưỡng Bệnh viện K chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: Thế Mạnh

Nghị định 96/2023 mở rộng phạm vi hành nghề ra cộng đồng, chuẩn hóa chức danh điều dưỡng chuyên khoa, tạo cơ sở đào tạo chuyên sâu theo chuẩn quốc tế. Trước đó, Bộ Y tế đã trao quyền chủ động cho điều dưỡng đánh giá, chẩn đoán, can thiệp trong phạm vi chuyên môn; nâng tầm vai trò trong hệ thống bệnh viện hiện đại, hướng tới chăm sóc nhân văn và chuyên nghiệp.

Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết năm 2025, Hội đồng điều dưỡng quốc tế nhấn mạnh vai trò then chốt của điều dưỡng trong nâng cao chất lượng y tế, chăm sóc cộng đồng và đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Ngày 12-5 hàng năm được chọn là Ngày điều dưỡng quốc tế nhằm tôn vinh những đóng góp không thể thay thế của đội ngũ này.

Tại lễ kỷ niệm Ngày quốc tế điều dưỡng, do Bệnh viện K tổ chức, tiến sĩ-bác sĩ Đỗ Anh Tú, Phó giám đốc bệnh viện, khẳng định đây là dịp đặc biệt để tri ân những đóng góp thầm lặng của đội ngũ điều dưỡng - những "chiến sĩ" trên tuyến đầu trong chăm sóc sức khỏe người bệnh.

"Bệnh viện K là nơi cuộc chiến giành sự sống diễn ra mỗi ngày, đội ngũ điều dưỡng không chỉ thực hiện y lệnh mà còn đồng hành cùng bệnh nhân ung thư. Với chủ đề "Điều dưỡng của chúng ta. Tương lai của chúng ta. Hãy quan tâm đến điều dưỡng để đẩy mạnh nền kinh tế", một lần nữa khẳng định vai trò cốt lõi của họ trong hệ thống y tế. Chúng tôi cảm ơn và cam kết tạo điều kiện để các điều dưỡng phát triển, lan tỏa giá trị của nghề" - bác sĩ Tú nhấn mạnh.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân sau ca phẫu thuật

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân sau ca phẫu thuật

Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới khẳng định điều dưỡng là bộ phận sống còn của hệ thống y tế. Tại Việt Nam, điều dưỡng chiếm 60-70% nhân lực tại các cơ sở y tế và là lực lượng gắn bó thường xuyên nhất với người bệnh suốt quá trình điều trị.

30 năm qua, Việt Nam đã nâng cấp đào tạo điều dưỡng lên bốn cấp: cao đẳng, đại học, thạc sĩ/chuyên khoa I, và từ năm 2019 đã đào tạo tiến sĩ điều dưỡng trong nước.

Trong công văn mới nhất, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế, thủ trưởng y tế ngành, giám đốc các bệnh viện, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn; cải tiến quy trình chăm sóc người bệnh; bảo đảm môi trường làm việc an toàn, thận thiện, hạn chế rủi ro, giảm áp lực cho điều dưỡng.

N.Dung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giam-ap-luc-tang-an-toan-cho-dieu-duong-196250509184646627.htm
Zalo