Giải trình về việc nâng cao hiệu quả sử dụng và quản lý các thiết chế văn hóa

Phiên giải trình về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013 – 2023 được tổ chức vào ngày 18/1/2024 tới đây góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn liên quan đến chính sách, pháp luật để tạo đột phá, động lực mới cho việc đổi mới hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội dự kiến sẽ tổ chức Phiên giải trình về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013 – 2023 vào ngày 18/1/2024 tới đây, sau khi kết thúc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, tại Hà Nội.

Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, thiết chế văn hóa có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của nhân dân, là cầu nối trực tiếp giữa Đảng, Nhà nước và quần chúng nhân dân, là công cụ của Đảng và Nhà nước để lãnh đạo quần chúng. Ảnh: quochoi.vn

Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, thiết chế văn hóa có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của nhân dân, là cầu nối trực tiếp giữa Đảng, Nhà nước và quần chúng nhân dân, là công cụ của Đảng và Nhà nước để lãnh đạo quần chúng. Ảnh: quochoi.vn

Tháo gỡ những điểm nghẽn trong sử dụng và quản lý các thiết chế văn hóa

Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, hiện trên cả nước có 67 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; Cấp huyện: 683 quận, huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao hoặc Nhà văn hóa, đạt tỷ lệ khoảng 91,3%; Cấp xã: 7.194 xã, phường, thị trấn có Trung tâm văn hóa - Thể thao đạt tỷ lệ khoảng 73,2%. Cấp thôn: 75.327 làng, thôn, ấp, bản... có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 74,4%.

Thời gian qua, việc sử dụng và quản lý các thiết chế hiện nay đã đạt được những thành tựu nhất định, tuy nhiên cũng tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Cơ sở vật chất, các trang thiết bị trong các thiết chế văn hóa, đặc biệt là thiết chế nhà văn hóa còn đơn giản, chủ yếu do nhân dân đóng góp, mua sắm nên chưa có sự đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động. Các hoạt động tại một số thiết chế văn hóa còn đơn điệu, chủ yếu dừng lại ở hoạt động hội họp, chưa thu hút được sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân. Công tác lãnh đạo, quản lý thiết chế văn hóa còn chậm đổi mới.

Ở một số địa phương, công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện còn chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ. Công tác tuyên truyền, vận động thường chỉ rầm rộ lúc đầu mà không duy trì được hiệu quả tuyên truyền trong toàn bộ quá trình quản lý. Bên cạnh đó, một số thiết chế văn hóa còn thiếu những cán bộ văn hóa có chuyên môn chuyên sâu và tâm huyết với nghề.

Cho thấy, việc nâng cao hiệu quả sử dụng và quản lý các thiết chế văn hóa hiện nay là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, giúp cho việc xây dựng, hoàn thiện thiết chế văn hóa ngày càng được kiện toàn, làm thỏa mãn tốt nhất nhu cầu văn hóa của nhân dân theo định hướng của Đảng.

Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, các thiết chế văn hóa, thể thao có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân. Tổ chức hoạt động và quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về văn hóa, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Nhờ có thiết chế văn hóa nên các nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, giải trí, luyện tập thể dục, thể thao… của các tầng lớp nhân dân được đáp ứng. Thiết chế văn hóa cũng là nơi tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người trong xã hội, hình thành môi trường giao tiếp cộng đồng thoải mái, vui vẻ, lành mạnh.

Cũng theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, thiết chế văn hóa cũng là nơi lưu giữ, phổ biến các giá trị văn hóa thông qua các hoạt động phù hợp với phong tục, tập quán và lối sống của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Nhiều giá trị văn hóa đã được bảo tồn, gìn giữ và phát huy ngay từ những trung tâm văn hóa , nhà văn hóa của xã, thôn, huyện đến các sân khấu, nhà hát như: hát xoan, hát bội … Có thể nói, thiết chế văn hóa có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của nhân dân, là cầu nối trực tiếp giữa Đảng, Nhà nước và quần chúng nhân dân, là công cụ của Đảng và Nhà nước để lãnh đạo quần chúng.

Sử dụng và quản lý các thiết chế văn hóa, vì thế cũng giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa, giúp các thiết chế văn hóa ngày càng được kiện toàn theo hướng thiết thực, hiệu quả, làm thỏa mãn tốt nhất nhu cầu văn hóa của nhân dân theo định hướng của Đảng.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, Phiên giải trình có quy mô lớn, với sự tham dự của hơn 100 đại biểu, đại diện đông đảo các bộ ngành có liên quan và đại diện lãnh đạo các địa phương.

Đây là sự kiện được kỳ vọng sẽ là cơ hội để ngành văn hóa và các bộ, ngành, các địa phương trình bày, đánh giá kỹ lưỡng, bài bản về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất các giải pháp cho việc xây dựng và vận hành thiết chế văn hóa, thể thao, qua đó góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn liên quan đến chính sách, pháp luật để tạo đột phá, động lực mới cho việc đổi mới hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao để hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao thực sự phát huy hiệu quả trong thời gian tới.

Trần Vũ

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/giai-trinh-ve-viec-nang-cao-hieu-qua-su-dung-va-quan-ly-cac-thiet-che-van-hoa-179240114154057608.htm
Zalo