Giải thưởng Văn nghệ dân gian 2024: Nghiên cứu di sản văn hóa người Ca Dong được trao giải Nhất
Sau nhiều mùa giải, Giải thưởng Văn nghệ dân gian mới có công trình đạt giải Nhất, đó là tác phẩm Dấu xưa lưng chừng núi - một vùng bản sắc Ca Dong của nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Vũ.
Tăng công trình đăng ký dự giải
Ngày 28.12, tại Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải thưởng Văn nghệ dân gian năm 2024. Theo GS. TS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cũng như nhiều năm trước, năm 2024 các hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, vất vả tham gia điều tra, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam.
Năm nay, Trung ương Hội đã nhận được 85 công trình thuộc 5 chuyên ngành văn hóa, văn nghệ dân gian. Trong số đó, có hội viên gửi 2 - 3 công trình, cá biệt có hội viên gửi 6 tập công trình dự giải. Đối chiếu với Quy chế Giải thưởng, Hội đồng Sơ khảo đã lựa chọn được 72 công trình đủ điều kiện trình Hội đồng chuyên ngành.
Trong số 72 công trình đủ điều kiện dự giải có: 19 công trình thuộc chuyên ngành Ngữ văn và lý luận văn hóa dân gian (năm 2023 có 20 công trình); 35 công trình thuộc chuyên ngành Phong tục tập quán, lễ hội, địa chỉ văn hóa dân gian (năm 2023 có 25 công trình); 5 công trình thuộc chuyên ngành Nghệ thuật biểu diễn dân gian (năm 2023 có 3 công trình); 2 công trình thuộc chuyên ngành Nghệ thuật tạo hình và kiến trúc dân gian (năm 2023 có 2 công trình); 11 công trình thuộc chuyên ngành Văn hóa ẩm thực, nghề cổ truyền và tri thức dân gian (năm 2023 có 10 công trình).
So với mùa giải năm 2023, năm nay số công trình đưa vào xét giải tăng nhiều ở chuyên ngành Phong tục tập quán, lễ hội, địa chí văn hóa dân gian, trên cả 2 lĩnh vực: điều tra, sưu tầm và nghiên cứu, giới thiệu. Việc tăng mạnh ở những chuyên ngành này cho thấy, các nhà nghiên cứu đã có mặt nhiều nơi, gặp gỡ các nghệ nhân, cùng tham gia vào sinh hoạt văn hóa và đời sống tâm linh của đồng bào... để thu thập tư liệu, thực hiện công trình.
Các công trình sưu tầm, nghiên cứu phong phú, bao quát các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ dân gian; dày dặn về dung lượng, có công trình gần 2.000 trang in sách khổ 19x27cm. Nhiều công trình đã được xuất bản. Các công trình về văn học dân gian các dân tộc thiểu số năm nay đa phần được thể hiện dưới dạng song ngữ. Đây là việc làm rất quan trọng đối với công tác sưu tầm, nghiên cứu những di sản văn hóa các tộc người thiểu số trong nền văn hóa đa dân tộc của Việt Nam.
Năm nay, số lượng công trình gửi đăng ký tham dự giải tăng hơn so với năm trước, trong đó có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu. Tuy nhiên, GS.TS. Lê Hồng Lý cho rằng, số lượng công trình đạt giải thấp và không đạt giải cũng nhiều hơn những mùa giải trước, bởi nội dung chủ yếu thuộc các chuyên ngành khác, phần văn hóa, văn nghệ dân gian không nhiều; một số công trình tác giả chỉ tập hợp bài viết tản mạn, sưu tập từ tài liệu đã công bố; vẫn có công trình sưu tầm văn học dân gian dân tộc thiểu số nhưng không có bản tiếng dân tộc mà chỉ có bản tiếng Việt…
Phác thảo về di sản văn hóa của người Ca Dong
Sau nhiều mùa giải, Giải thưởng Văn nghệ dân gian 2024 mới có công trình đạt giải Nhất, được trao cho công trình Dấu xưa lưng chừng núi - một vùng bản sắc Ca Dong của nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Vũ. Đây là một công trình lớn, kết hợp điền dã, khảo sát, nghiên cứu... được thực hiện công phu, khoa học.
Với nguồn tư liệu phong phú, chủ yếu được sưu tầm từ thực địa, trải dài trong nhiều năm, tác giả cung cấp cho người đọc bức tranh khá đầy đủ về văn hóa người Ca Dong ở Quảng Ngãi từ những tri thức vòng đời, tri thức canh nông đến những phong tục tập quán, những quan niệm tâm linh thẳm sâu trong cuộc sống con người. Công trình được tác giả thực hiện bằng những thao tác phân tích, biện giải khoa học và bằng cả tấm lòng say mê, trân quý bản sắc văn hóa một tộc người.
Tác giả Nguyễn Đăng Vũ cho biết: “Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã âm thầm vượt qua bao dốc đèo để cùng người Ca Dong mặc sức viễn du về miền quá khứ ở những mái nhà sàn, ở những ngôi làng ẩn mình nơi lưng chừng núi, theo bước chân trần của họ lên nương rẫy, đưa tiễn đôi người Ca Dong về nơi tổ tiên của họ để họ hóa thành sương thành gió, thành rừng, thành những sắc cầu vồng".
Công trình là một phác thảo về di sản văn hóa của người Ca Dong ở huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi, nơi hiện nay có hơn 80% dân số là người Ca Dong cư trú, "là nơi mà họ luôn tự gọi mình là Kayong, tức người sống ở lưng chừng núi”.
Bên cạnh đó, giải Nhì B được trao cho công trình sưu tầm giới thiệu Sử thi Bahnar: Bia Phu đeo đá (Bia Phu teo tomo), song ngữ Việt - Bahnar do nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Dũng sưu tầm, biên soạn, nghệ nhân A Lưu diễn xướng, A Jar phiên âm và dịch nghĩa sang tiếng Việt. Đây là tác phẩm sử thi khá dày dặn trong bộ Sử thi liên hoàn của người Bahnar ở Kon Tum. Công trình đã góp phần bổ sung vào bộ Sử thi liên hoàn của người Bahnar nói riêng và kho tàng Sử thi Tây Nguyên nói chung. Ban tổ chức cũng trao giải 3A cho 5 công trình, giải 3B cho 14 công trình, và 24 công trình đạt giải Khuyến khích.
Trong khuôn khổ chương trình, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức Lễ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, Lễ khen thưởng năm 2024 và Lễ mừng thọ hội viên cao tuổi.