Giải thưởng kiến trúc - du lịch châu Á 2025: Việt Nam ghi dấu ấn mạnh mẽ, chính thức đăng cai mùa giải 2026
Lần đầu tiên, 2 giải thưởng danh giá trong lĩnh vực kiến trúc và du lịch được tổ chức đồng thời tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Sự kiện do tổ chức Giải thưởng châu Á (Asia Awards Organization - AAO) thực hiện.

"Giải thưởng Kiến trúc châu Á" (Asia Architecture Design Awards - AADA) và. "Giải thưởng Du lịch - lữ hành châu Á" (Asia Hospitality Awards - AHA) vừa chính thức được trao tại The Shilla Seoul – biểu tượng của sự giao thoa giữa kiến trúc đương đại và nghệ thuật hiếu khách tại Hàn Quốc.
Với chủ đề “Vibrant Asia” (tạm dịch: "Rực rỡ châu Á"), sự kiện quy tụ hơn 200 kiến trúc sư, nhà thiết kế, chủ khách sạn, chủ nhà hàng và chuyên gia đầu ngành đến từ 10 quốc gia châu Á. Đặc biệt, sự kiện còn có sự hiện diện của đại diện Đại sứ quán các nước: Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines tại Hàn Quốc – minh chứng cho sự quan tâm mạnh mẽ và mối liên kết văn hóa – sáng tạo ngày càng sâu sắc giữa các quốc gia trong khu vực.

Mở đầu lễ trao giải, ông Tan Quee Peng - Tổng Giám đốc RSP Việt Nam, Trưởng Ban giám khảo của tổ chức "Giải thưởng châu Á - Asia Awards Organization 2025", kiêm Trưởng Ban giám khảo "Giải thưởng Kiến trúc châu Á - AADA 2025", đã khẳng định sứ mệnh lâu dài của tổ chức trong việc tôn vinh những đóng góp định hình cách mà châu Á được kiến tạo, trải nghiệm và ghi nhớ.
Ông cũng điểm lại hành trình đáng nhớ của AADA trong những năm qua và chính thức công bố sự ra mắt của "Giải thưởng Du lịch - lữ hành châu Á - AHA", nhấn mạnh mối liên hệ sâu sắc giữa kiến trúc và ngành dịch vụ du lịch - lưu trú vốn là 2 lĩnh vực nền tảng trong việc xây dựng bản sắc văn hóa và thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực.
“Kiến trúc và dịch vụ có mối liên hệ mật thiết. Chúng định hình trải nghiệm văn hóa, tạo nên ký ức và thể hiện bản sắc khu vực. Cả hai đều đòi hỏi tầm nhìn và đều có sức ảnh hưởng nhất định. Khi kết hợp cùng nhau, kiến trúc và dịch vụ có sự đóng góp vô cùng thiết thực vào sự phát triển văn hóa và kinh tế châu Á.” - ông Tan Quee Peng bày tỏ.
Trên quy mô châu lục, lễ trao giải đã vinh danh 63 công trình kiến trúc xuất sắc và 38 cá nhân, đơn vị tiêu biểu trong ngành khách sạn.

Với "Giải thưởng Kiến trúc châu Á - AADA 2025", các dự án được vinh danh năm nay cho thấy rõ xu hướng lấy con người làm trung tâm, sự liên kết văn hóa và tinh thần dám thử nghiệm ý tưởng mới. Những dự án như: "Missions Etrangeres De Paris" (MEP) (Thái Lan), "Savanna Villas"(Indonesia) tạo dấu ấn bởi tầm nhìn về cách sống tương lai, trong khi "Seoul Robot AI Museum" (Hàn Quốc) được nhận xét là đại diện cho bước tiến công nghệ và sáng tạo trong đô thị hiện đại.
Các dự án đáng chú ý khác đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Kazakhstan, Nga, Malaysia...cũng góp phần khắc họa nên một bức tranh đa sắc màu về các ý tưởng mới đang tái định hình môi trường kiến trúc châu Á và khẳng định vai trò của kiến trúc trong việc giữ gìn bản sắc giữa bối cảnh đô thị thay đổi nhanh chóng.
Trong đó, Việt Nam có một số dự án nổi bật như: The Rivus và The Centric của Masterise Group, bộ sưu tập nội thất Đòng Đòng của Landco Corporation, tổ hợp Dhawa Hanoi & The Lakeside Complex của Pacific Thăng Long (Việt Nam), The Luxury House của Cát Mộc Group... Những công trình này thể hiện sự đa dạng, sáng tạo và bản sắc văn hóa đặc trưng, phản ánh sự kết hợp hài hòa giữa di sản, bền vững và đổi mới góp phần nâng cao vị thế kiến trúc và thiết kế nội thất của Việt Nam trên bản đồ châu Á.

Giải thưởng AHA 2025 đã tôn vinh 33 cá nhân và dự án tiêu biểu đang định hình cách châu Á được cảm nhận và ghi nhớ qua trải nghiệm của du khách hiện đại.
Tại "Giải thưởng Du lịch - lữ hành châu Á" - AHA 2025", trong lần đầu tiên được tổ chức, giải thưởng này đã tôn vinh 33 cá nhân và dự án tiêu biểu đang định hình cách châu Á được cảm nhận và ghi nhớ qua trải nghiệm của du khách hiện đại.
Các dự án thắng giải AHA đầu tiên cho thấy sự đa dạng về văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực dịch vụ châu Á, cùng khả năng kết hợp bản sắc địa phương với tiêu chuẩn quốc tế. Trong nhóm khách sạn, khu nghỉ dưỡng và căn hộ dịch vụ, nổi bật có: Grand Copthorne Waterfront (Singapore), Nhà khách Quân đội (Việt Nam). Sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ phong cách sống cũng được phản ánh qua nhiều dự án tiêu biểu khác của các nước.
Việt Nam cũng ghi dấu ấn với những dự án và cá nhân xuất sắc, từ các khu nghỉ dưỡng sang trọng, nhà hàng đậm chất địa phương, đến những trải nghiệm du thuyền đẳng cấp. Nổi bật trong số đó, Selectum Noa Resort đã được vinh danh là "Ý tưởng Khu nghỉ dưỡng tốt nhất châu Á 2025", Ambassador Cruise với giải thưởng cho "Du thuyền ăn tốt nhất châu Á", Hang Ngọc Rồng là "Điểm đến văn hóa mới nổi bật"…
Ông Gianfranco Bianchi, Cố vấn và giám khảo của Tổ chức "Giải thưởng châu Á" (AAO) chia sẻ: “Tôi vô cùng tự hào khi chứng kiến các dự án Việt Nam tỏa sáng rực rỡ trên đấu trường khu vực. Điều này không chỉ khẳng định năng lực sáng tạo mà còn thể hiện rõ dấu ấn văn hóa đặc sắc của Việt Nam trong ngành khách sạn và dịch vụ”.

Hang Ngọc Rồng của Việt Nam sẽ là điểm đến của mùa giải năm 2026
Khép lại mùa giải năm nay, AAO chính thức công bố Việt Nam sẽ là điểm đến tiếp theo của hành trình vinh danh giải thưởng này với Hang Ngọc Rồng được chọn làm địa điểm tổ chức mùa giải 2026.
Với vẻ đẹp kỳ vĩ của di sản thiên nhiên và khả năng tạo dựng trải nghiệm thiết kế độc bản, Hang Ngọc Rồng (Dragon Pearl Cave) trở thành biểu tượng sống động cho một châu Á đang không ngừng tái định nghĩa bản thân qua từng công trình, từng dịch vụ. Nằm sâu trong lòng hang động có niên đại hơn 150 triệu năm, nơi đây sẽ trở thành sân khấu chưa từng có - một không gian vinh danh độc nhất vô nhị trên thế giới.
Việc đưa AADA và AHA 2026 đến với Hang Ngọc Rồng không chỉ là dấu mốc quan trọng, mà còn là cơ hội để Việt Nam thể hiện mạnh mẽ tinh thần đổi mới, sáng tạo và bản sắc văn hóa dân tộc, truyền cảm hứng đến cộng đồng kiến trúc sư, nhà thiết kế và doanh nghiệp khắp châu Á. Mùa giải 2026 hứa hẹn sẽ là cột mốc bứt phá, với những trải nghiệm chưa từng có và dấu ấn khó quên trong hành trình kiến tạo tương lai của ngành kiến trúc và khách sạn khu vực.