Giải thưởng Dế Mèn 2025 vinh danh những sáng tác của thiếu nhi và vì thiếu nhi
Giải thưởng năm nay được trao cho những sáng tác, trình diễn nghệ thuật xuất sắc 'của thiếu nhi' và 'vì thiếu nhi'.

Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang và Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Trần Đăng Khoa trao giải "Hiệp sĩ Dế Mèn" cho nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ảnh: Lê Đông - TTXVN
Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 6 năm 2025 của báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) đã khép lại với Lễ trao giải thưởng diễn ra chiều 28/5, tại trụ sở Trung tâm Thông tấn quốc gia (số 5 phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Giải thưởng năm nay được trao cho những sáng tác, trình diễn nghệ thuật xuất sắc “của thiếu nhi” và “vì thiếu nhi”.
* Hiệp sĩ Dế Mèn vinh danh nhạc sĩ Phạm Tuyên
Giải thưởng quan trọng nhất, phần thưởng cao quý nhất - Giải Hiệp sĩ Dế Mèn mùa giải năm 2025 được trao cho nhạc sĩ Phạm Tuyên, vì đã cống hiến cả đời và sự nghiệp cho thiếu nhi với những tác phẩm âm nhạc vượt thời gian, đồng thời có tác phẩm xuất sắc, lọt vào vòng chung khảo của năm xét giải, đó là cuốn “Về quê - Khúc đồng dao của bé” - tuyển tập nhạc đa phương tiện của Phạm Tuyên - Phạm Hồng Tuyến, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm ấn hành. Theo Ban tổ chức, đây là lần đầu tiên giải thưởng có Hiệp sĩ Dế Mèn là một nhạc sĩ. Các giải thưởng Hiệp sĩ Dế Mèn trước đây thuộc về các tác giả văn học.

Nhà báo Phạm Hồng Tuyến, con gái Nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ cảm xúc tại chương trình. Ảnh: Lê Đông - TTXVN
Nhạc sĩ Phạm Tuyên (sinh năm 1930) là một trong những tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ kéo dài hơn nửa thế kỷ, nhạc sĩ Phạm Tuyên có “gia tài” lên tới hơn 700 ca khúc, để lại dấu ấn sâu đậm trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Trong số đó, có tới hơn 200 ca khúc viết cho thiếu nhi.
Với phong cách âm nhạc trong sáng, dễ nhớ, gần gũi với đời sống và tâm hồn trẻ thơ, các ca khúc của ông như “Chiếc đèn ông sao”, “Cánh én tuổi thơ”, “Trường cháu là trường mầm non”, “Chú voi con ở Bản Đôn”, “Tiến lên đoàn viên”… đã trở thành những ca khúc thiếu nhi kinh điển của nền âm nhạc Việt Nam, sống mãi trong ký ức của biết bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam.
Thế nhưng, ít ai biết rằng, ông còn có một “kho báu” đặc biệt: 41 bài đồng dao cổ được ông phổ nhạc, ẩn chứa vẻ đẹp hồn hậu và gần gũi của cảnh sắc thiên nhiên, con người, văn hóa dân gian Việt Nam. Lần đầu tiên, sau bao năm nằm im trong cuốn sổ nhạc, “kho báu” ấy đã được giới thiệu qua dự án sách "Khúc đồng dao của bé" mà chính con gái ông - nhà báo Phạm Hồng Tuyến - là người kể chuyện.
Khúc đồng dao của bé là bộ sách gồm 5 tập, trong đó “Về quê - Khúc đồng dao của bé” là tập đầu tiên đã được xuất bản. Trong số 41 bài đồng dao được công bố theo dự án này chỉ có 5 bài: “Rềnh rềnh ràng ràng”, “Bà còng đi chợ”, “Gánh gánh gồng gồng”, “Bầu và Bí”, “Con chim chích chòe” đã từng có bản thu. 36 bài còn lại, trong đó có nhiều khúc đồng dao quen thuộc như “Mau mau tỉnh dậy”, “Thương con ba ba”, “Cái cò đi đón cơn mưa”, “Cái bống”... lần đầu tiên được thu âm.

Phó Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Thị Sự và nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung (Đại sứ truyền cảm hứng Dế Mèn) lên trao giải "Khát vọng Dế Mèn" thứ ba cho các tác giả. Ảnh: Lê Đông - TTXVN
Không dừng lại ở việc “giới thiệu bài hát”, tác phẩm “Về quê - Khúc đồng dao của bé” của Phạm Tuyên - Phạm Hồng Tuyến chọn hình thức sách đa phương tiện, kết hợp giữa kể chuyện, âm nhạc, minh họa và mã QR để nghe nhạc, nghe kể chuyện – tạo thành trải nghiệm liên hoàn cho trẻ nhỏ.
Mỗi tập sách trong bộ “Khúc đồng dao của bé” vì thế là một nỗ lực thầm lặng và kiên trì để giữ gìn hồn Việt Nam, qua những nét vẽ minh họa tươi sáng, những câu chuyện giản dị và những bài hát ngọt ngào. Mỗi bài hát đồng dao không chỉ là phần nhạc, là câu chuyện, mà còn là trò chơi, qua đó giúp bài hát trở nên sống động.
Bằng những cống hiến cả đời và sự nghiệp cho thiếu nhi với những tác phẩm âm nhạc vượt thời gian, cùng với những dấu ấn của dự án sách “Khúc đồng dao của bé”, nhạc sĩ Phạm Tuyên xứng đáng với danh hiệu “Hiệp sĩ Dế Mèn”.
* Ấn tượng với bộ tranh của “họa sĩ nhí”
Gần như đã thành truyền thống, mùa Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn nào cũng phát hiện được những gương mặt thiếu nhi thực sự xuất sắc để vinh danh. Năm nay, giải thưởng vinh danh bộ tranh của “họa sĩ nhí” Phạm Hải Nguyên (13 tuổi) đến từ Lạng Sơn. Theo Ban tổ chức, bộ tranh của Phạm Hải Nguyên đã để lại ấn tượng sâu sắc và mang lại cảm xúc đặc biệt cho Hội đồng giám khảo của Giải thưởng Dế Mèn 2025, bởi tinh thần sáng tác tự do, mới mẻ của cậu.
Tại Lễ trao Giải thưởng Dế Mèn 2025, Ban tổ chức đã mang 12 tranh của Phạm Hải Nguyên đến trưng bày. Ngắm những tác phẩm trong bộ tranh dự giải Dế Mèn năm 2025 của “họa sĩ nhí”, người xem có thể cảm nhận được những tư duy khá sâu sắc về con người và những sự việc diễn ra trong cuộc sống thường nhật. Tuy mới 13 tuổi, nhưng nhãn quan của Nguyên có phần trưởng thành khá sớm. Sự trưởng thành ấy đã được Nguyên khắc họa bằng acrylic qua các đề tài như: “Tham vọng”, “Cơn ác mộng”, “Tự do”, “Lao động”...
Tranh của Nguyên thể hiện sự quan sát tỉ mỉ mọi khía cạnh của cuộc sống mà em được tiếp cận, hình dung qua suy nghĩ và con mắt của trẻ thơ, đặc biệt là góc nhìn về những điểm nổi bật của con người - điều mà ít bạn bè đồng trang lứa với em ghi nhận được. Song, Nguyên cũng không đánh mất đi sự hồn nhiên, trong sáng của một cậu bé đang tuổi cắp sách tới trường. Ở tranh của họa sĩ nhí này, có thể nhìn thấy sự kết hợp của suy nghĩ già dặn và sự ngộ nghĩnh của trẻ thơ.
Họa sĩ Thành Chương bày tỏ sự ngạc nhiên khi xem tranh của Phạm Hải Nguyên. Ông đặc biệt ấn tượng khi tác giả 13 tuổi đã có thể vẽ nên những tác phẩm vừa giữ được nét hồn nhiên, vừa mang theo sự chín chắn trong tư duy, có chiều sâu, thậm chí là những triết lý rất trưởng thành. Ông cho rằng, đó là dấu hiệu tốt, thể hiện sự phát triển của thế hệ trẻ.
* Vinh danh nhiều tác giả trẻ
Theo Ban tổ chức, một trong những điểm nhấn của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 6, năm 2025 là vinh danh một loạt các tác giả trẻ, mới viết cho thiếu nhi. Theo thống kê, có tới 3/5 giải Khát vọng Dế Mèn đều là những tác giả trẻ, những cây bút mới viết cho thiếu nhi.

Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo (ngoài cùng bên phải) và nhà thơ Trần Đăng Khoa trao giải "Khát vọng Dế mèn" cho tác giả Dy Duyên. Ảnh: Hòa Nguyễn
Trước tiên phải kể đến tác giả Dy Duyên - người có đến 2 tác phẩm được vinh danh là “Từ những ruộng rau ở nông trại Cúc Cu” (Đốm Đốm vẽ) và “Những thứ bạn dùng để lấp đầy một cái hố” (Thanh Vũ vẽ) đều do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành.
Tác giả Dy Duyên sinh năm 1987, mới sáng tác cho thiếu nhi trong một vài năm trở lại đây. Năm 2019, cô ra mắt tác phẩm đầu tay “Cúc dại và tia nắng” - một câu chuyện mang âm hưởng đồng thoại. Hai tập truyện của Dy Duyên tại Giải thưởng Dế Mèn năm nay đã gây được ấn tượng và thiện cảm lớn đối với các thành viên giám khảo.
Nhận xét về hai tác phẩm của tác giả trẻ Dy Duyên, Phó giáo sư, Tiến sĩ, nhà phê bình Ngô Văn Giá cho rằng, tập truyện “Những thứ bạn dùng để lấp một cái hố” kết hợp được giữa cái hồn nhiên trẻ thơ và cái sâu xa nhân tính. Trong khi đó, tập truyện “Từ những ruộng rau ở nông trại Cúc Cu” lựa chọn lối viết đồng thoại, viết thế giới loài vật với khả năng tưởng tượng tốt. Thông qua những câu chuyện nhỏ trong tính liên hoàn (nhân vật, không gian, sự việc...), tập truyện mở ra một vẻ đẹp thiên nhiên, sinh thái nhất quán, trong trẻo. Nó góp phần vun bồi những hiểu biết, tình yêu cho trẻ thơ hướng về thiên nhiên, đồng ruộng, loài vật, không gian...
Một tác giả trẻ khác được vinh danh là Lý Thăng Long với bản thảo tập thơ “Có một Trái Đất phẳng trong mắt em”. Sinh năm 2000, Lý Thăng Long hiện đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Đồng Nai. Tập thơ đoạt giải của anh lần này gây ấn tượng với sự kết hợp giữa cái nhìn hồn nhiên và khả năng gợi nỗi suy tư sâu lắng.

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục báo chí (ngoài cùng bên trái) và nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh, thành viên Hội đồng giám khảo lên trao giải "Khát vọng Dế Mèn" cho tác giả Lý Thăng Long
Hội đồng Giám khảo đánh giá, “Có một Trái Đất phẳng trong mắt em” là một tập thơ thiếu nhi đặc biệt, giàu triết lý và suy tư, thể hiện tầm nhìn sâu sắc của người trẻ viết về thế giới của trẻ em. Với giọng thơ vừa dịu dàng, vừa bản lĩnh, tập thơ chạm đến những vấn đề lớn như chiến tranh, môi trường, công nghệ, tình thương và sự khác biệt, nhưng luôn giữ được sự tự nhiên và đầy tính biểu tượng trong cách diễn đạt. Giọng điệu thơ thấm đẫm sự tâm tình, thân mật. Tác giả chọn cách trò chuyện khẽ khàng với bạn đọc nhỏ tuổi, bằng những hình ảnh gần gũi và gợi cảm xúc, chính sự dịu dàng ấy khiến thơ trở nên dễ đón nhận hơn, dù đang nói về những điều tưởng chừng rất phức tạp.

Tổng biên tập Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) Nguyễn Thiện Thuật và Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Trần Đăng Khoa trao giải Top 10 Chung khảo giải Dế Mèn lần thứ 6 - năm 2025. Ảnh: Lê Đông - TTXVN
Cùng với đó, hạng mục Khát vọng Dế Mèn năm nay còn đánh dấu sự trở lại của tác giả Nguyễn Hoàng Diệu Thủy với tập truyện “Cuốn cổ thư của một mẫu thần”. Trước đó, vào năm 2022, tác giả này cũng từng đoạt giải Khát vọng Dế Mèn với tác phẩm “Đu đưa trên ngọn cây bàng”. Theo Hội đồng giám khảo, sự trở lại này của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy vẫn nhất quán với một lối hành văn đẹp, đúng chất trẻ thơ. Đáng chú ý, ở tập truyện được trao giải lần này, tác giả đã có sự phát triển nhất định khi chọn được một tình huống hay, có tính phiêu lưu, ly kỳ. Câu chuyện được triển khai trên nền cảnh quan sinh thái, địa lý, văn hóa đồng bào dân tộc miền Đông Bắc Tổ quốc cũng là một điểm nhấn của tác phẩm.
Theo Ban tổ chức, các tác phẩm được vinh danh tại Lễ trao giải lần này đều để lại những ấn tượng sâu sắc với Hội đồng giám khảo, bởi những cống hiến cho thiếu nhi và vì thiếu nhi.
Mùa Giải thưởng Dế Mèn năm 2025 đã khép lại với nhiều tác phẩm giá trị. Ban tổ chức giải thưởng mong rằng, mỗi tác phẩm được vinh danh hôm nay sẽ không chỉ dừng lại ở giải thưởng, mà sẽ là những người bạn đồng hành với các em thiếu nhi trong suốt chặng đường tuổi thơ đầy hồn nhiên và sáng tạo, góp phần xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam – chủ nhân của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - mạnh mẽ, tự tin và nhân văn./.