Giải quyết kịp thời chế độ ưu đãi, nâng cao đời sống đối với người có công
Nhờ thực hiện đồng bộ hệ thống các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc không còn đối tượng người có công thuộc diện hộ nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình chính sách được chăm lo chu đáo, ngày càng cải thiện theo hướng tốt hơn.
Quan tâm chăm lo bằng các chính sách ưu đãi cụ thể
Hiện tại, tỉnh Vĩnh Phúc đang quản lý 127.874 đối tượng người có công với các mạng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó số người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng là 17.263 người, gồm: 5.003 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 192 thương binh B; 14 bà mẹ Việt Nam anh hùng; 07 anh hùng lực lượng vũ trang; 13 cán bộ tiền khởi nghĩa; 03 người hoạt động cách mạng; 2.028 bệnh binh; 174 người phục vụ thương binh, bệnh binh; 4.401 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ; 4 người có công giúp đỡ cách mạng; 4.940 thân nhân người có công với cách mạng; 219 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày; 240 quân nhân xuất ngũ.
Từ khi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 có hiệu lực thi hành, 100% đối tượng là người có công có đủ điều kiện giấy tờ theo quy định tại Nghị định 131/2021/NĐ-CP đều được tiếp nhận, xem xét giải quyết chế độ chính sách liên quan. Tỉnh đã công nhận cho 187 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; công nhận mới 07 liệt sĩ; Giải quyết chế độ ưu đãi giáo dục cho 48 trường hợp; công nhận mới cho 06 đối tượng là người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; Giải quyết chế độ cho 04 thân nhân của người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8/1945; Trang cấp mới dụng cụ chỉnh hình cho 01 trường hợp; tiếp nhận 80 hồ sơ thương binh và 01 hồ sơ bệnh binh do Quân khu 2 di chuyển đến; Giải quyết 544 hồ sơ hưởng thêm chế độ trợ cấp ưu đãi đối với thương binh đồng thời là bệnh binh, thương binh đang hưởng trợ cấp mất sức lao động; Cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp ưu đãi cho 01 đối tượng; Đình chỉ và thu hồi 211 trường hợp hưởng trợ cấp ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến, con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học do không cung cấp được giấy tờ chứng minh vùng miền đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; giấy tờ chứng minh tình trạng dị dạng dị tật đối với con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học theo Kết luận của Thanh tra.
Ngoài việc giải quyết các chế độ trợ cấp, phụ cấp được hưởng theo quy định, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh cũng quan tâm chăm lo người có công bằng các chính sách ưu đãi cụ thể, như: 100% đối tượng người có công với cách mạng được cấp thẻ bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe ở các cơ sở y tế thuận lợi nhất; ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm; thực hiện chính sách về giáo dục, đào tạo; nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở phục vụ thương binh…
Tích cực huy động nguồn lực
Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm hỗ trợ nhà ở cho các gia đình người có công khó khăn về nhà ở. Từ năm 2013 đến nay tỉnh đã hỗ trợ xây mới cho 1.261 nhà với tổng số tiền là gần 50 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa 1.845 nhà ở cho người có công với số tiền trên 36 tỷ đồng. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết dạy nghề, Nghị quyết hỗ trợ điều dưỡng.
Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cũng tích cực huy động nguồn lực, chăm sóc, ưu đãi người có công, thường xuyên làm tốt công tác động viên, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách trong các dịp lễ, tết, ngày thương binh - liệt sĩ 27/7. Hàng năm, trích ngân sách tỉnh trên 40 tỷ đồng để tặng quà cho người có công và thân nhân người có công và tặng quà cho các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng các thương bệnh binh nặng trong và ngoài tỉnh.
Đối với công tác xã hội hóa nguồn lực chăm sóc người có công, từ năm 2022 đến nay, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tỉnh vận động được 5,96 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới 22 nhà tình nghĩa, trị giá 808,5 triệu đồng, sửa chữa 19 nhà tình nghĩa, trị giá.500 triệu đồng; tặng gần 200 sổ tiết kiệm với kinh phí 525,4 triệu đồng; tu bổ 25 Nghĩa trang liệt sĩ với số tiền là 1,12 tỷ đồng; thăm hỏi ốm đau, tặng quà nhân dịp Lễ, Tết với tổng số tiền là 4,67 tỷ đồng; có 14 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh, trong thời gian tới, phát huy mạnh mẽ truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", ngành sẽ quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện tốt hơn nữa chính sách, pháp luật đối với người có công kịp thời, hiệu quả, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn với tinh thần không để người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước ta.
Bên cạnh đó, tăng cường thu hút nguồn lực xã hội, thực hiện tốt các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" như: Xây dựng "Nhà tình nghĩa", Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", tặng "Sổ tiết kiệm tình nghĩa", phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng...; góp phần bù đắp những thiệt thòi của người có công và gia đình có công với cách mạng.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nhất là cho thế hệ trẻ về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc bằng nhiều hình thức phong phú, nội dung đa dạng, sâu sắc trên nhiều phương tiện với cách làm mới, sáng tạo theo phương châm "dễ nghe, dễ nhìn, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người và dễ làm theo, noi gương".
Mặt khác, các cấp chính quyền cơ sở cần tạo điều kiện thuận lợi, nghiên cứu ban hành các cơ chế, biện pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực, hiệu quả, phát huy vị trí, vai trò của người có công, thương binh, bệnh binh và gia đình, nhất là trong phát triển sản xuất kinh doanh, kinh tế hộ gia đình, đóng góp ngày càng nhiều cho cộng đồng và xã hội, đất nước.