Giải quyết gốc rễ vấn đề
Dự Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi đã quy định cơ chế để quỹ BHYT thanh toán cho các trường hợp bệnh viện thiếu thuốc, thiết bị y tế điều trị cho người bệnh.
Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến vào dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Điều đó cho thấy, đây là vấn đề cấp thiết, cần được giải quyết từ gốc rễ để bảo đảm điều kiện khám chữa bệnh cho người dân.
Theo đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định tăng mức phân bổ từ nguồn thu BHYT để chi cho hoạt động khám chữa bệnh lên 92%, giảm số tiền dành cho quỹ dự phòng, tổ chức hoạt động quỹ BHYT xuống 8%. Trong đó, dành tối thiểu 4% số tiền đóng BHYT cho quỹ dự phòng và quy định rõ thời hạn thông báo kết quả giám định chi phí khám chữa bệnh để khắc phục vướng mắc về kéo dài thời gian thanh, quyết toán. Đồng thời quy định việc mua, thanh toán thuốc, thiết bị y tế, chuyển dịch vụ cận lâm sàng trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh thiếu thuốc, thiết bị y tế để điều trị cho người bệnh và quy định cơ chế để quỹ BHYT thanh toán cho các trường hợp này.
Mặc dù trước khi trình Quốc hội dự thảo Luật, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 22/2024/TT-BYT quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Đây được xem là một trong những giải pháp bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT khi bệnh viện thiếu thuốc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Thông tư vẫn không giải quyết triệt để được tình trạng thiếu thuốc hiện nay, bởi để thanh toán BHYT, người mua cần xuất trình với cơ quan BHXH đơn thuốc, thiết bị y tế hợp lệ do bác sĩ chỉ định. Liệu điều này có "làm khó" người dân?
Phải nói rằng, việc người bệnh mua thuốc xong phải tự đến BHXH làm thủ tục nhận tiền không phải là chính sách ưu tiên trong tiếp cận thuốc và thiết bị y tế; chưa kể, người bệnh còn không biết mua thuốc ở đâu khi bệnh viện đấu thầu nửa năm mới có thuốc. Bệnh nhân lại còn phải tạm ứng tiền, tìm nguồn có đủ hồ sơ, hóa đơn...
Trong trường hợp không được chi trả, người bệnh rơi vào tình trạng "vừa mất công, vừa mất của", mà chất lượng thuốc cũng không bảo đảm. Rõ ràng, đây là một giải pháp tình thế trong lúc thiếu thuốc. Thực tế thời gian qua, việc thiếu thuốc do nguồn cung chỉ diễn ra với một số ít loại thuốc, thiết bị y tế, chủ yếu do bệnh viện dự trù đủ hoặc tổ chức đấu thầu chưa hợp lý. Có những bệnh viện đáng lẽ phải dự thầu từ tháng 6, nhưng tháng 8 mới thực hiện dẫn đến gián đoạn nguồn cung.
Để bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, Luật BHYT sửa đổi đề xuất thêm giải pháp thanh toán trực tiếp cho cơ sở khám chữa bệnh. Với quy định này, người bệnh không phải tự nộp hồ sơ cho BHXH mà chỉ cần gửi hồ sơ mua thuốc và vật tư về bệnh viện; bệnh viện sẽ chi trả chi phí mà bệnh nhân phải tự mua trước đó. Nếu luật được thông qua, Bộ Y tế sẽ tiếp tục sửa đổi thông tư hướng dẫn.
Điều không thể phủ nhận, bệnh viện luôn cần có đủ thuốc, vật tư y tế để điều trị bệnh, do đó nên để bệnh viện trực tiếp hoàn trả tiền thuốc, vật tư cho người bệnh BHYT, có thể thông qua chuyển nhượng thuốc giữa các bệnh viện. Vấn đề còn lại là BHYT và bệnh viện phải giải quyết khâu đấu thầu, mua đủ thuốc và vật tư y tế theo đúng Luật Khám chữa bệnh. Đây chính là gốc rễ của vấn đề mà ngành y tế cần sớm thực hiện.