Giải quyết dứt điểm những vấn đề phát sinh từ việc xử lý các vụ án tham nhũng
Cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Báo cáo của Chính phủ cần phân tích, làm rõ hơn về công tác phòng, chống tiêu cực. Cụ thể, cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá với công tác này.
Đánh giá về phòng, chống tiêu cực còn mờ nhạt
Cơ bản đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ đã nêu được nhiều vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện các công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, Chính phủ, các cơ quan, các địa phương đã triển khai quyết liệt, hiệu quả, tạo ra sự tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nổi lên là các sai phạm lớn ở một số lĩnh vực như: quy hoạch, xây dựng, năng lượng, đấu thầu, quản lý tài sản công, quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản... Phương thức, thủ đoạn phổ biến là lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong việc triển khai thực hiện các dự án để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn... để trục lợi.
Trước những tồn tại, hạn chế nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần phân tích, làm rõ hơn về kết quả công tác phòng, chống tiêu cực. Đồng thời, cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả.
Quan tâm đến nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho biết, vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành một loạt các quy định liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong từng lĩnh vực cụ thể. Đây cũng là cơ sở chính trị hết sức quan trọng trong việc triển khai hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Báo cáo của Chính phủ cũng có nêu tình hình về công tác phòng, chống tham nhũng và tiêu cực, nhưng khi phân tích, đánh giá về từng mặt hoạt động cụ thể mới chỉ tập trung vào mảng công tác phòng, chống tham nhũng, còn phần tiêu cực, lợi ích nhóm chưa thấy đề cập.
“Mặc dù trong Kết luận tại Phiên họp tháng 9.2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có yêu cầu cần bổ sung phần đánh giá liên quan đến công tác phòng, chống tiêu cực, nhưng trong báo cáo năm nay nội dung này hết sức mờ nhạt và cũng chưa được phân tích, đánh giá làm rõ”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy nêu rõ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, đây chính là những mảng còn chưa có quy định cụ thể cũng như cách thức triển khai thực hiện còn chưa rõ, chưa thống nhất, do đó ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác phòng, chống tiêu cực.
Cùng quan điểm, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, hiện nay tất cả các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đã quán triệt tới các đơn vị, các cấp, các ngành đều nhấn mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Do đó, đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần đánh giá sâu sắc hơn về công tác phòng, chống tiêu cực.
“Ở đây tiêu cực chính là tham nhũng vặt, là những biểu hiện hiện hữu hàng ngày... Biểu hiện trước của tham nhũng là tiêu cực. Đối với những biểu hiện của tiêu cực, cần có sự đánh giá sâu sắc, kỹ lưỡng hơn”, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị.
Làm sâu sắc hơn công tác chuyển đổi số trong phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực
Cơ bản nhất trí với những giải pháp, biện pháp phòng, chống tham nhũng được nêu trong Báo cáo, tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị, ngoài những biện pháp liên quan đến hoàn thiện pháp luật, thể chế, cần rà soát, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp cần thiết để có cơ sở pháp lý giải quyết một cách dứt điểm và có hiệu quả các vấn đề phát sinh từ việc xử lý các hậu quả của các vụ án về tham nhũng.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy, vừa qua các vụ án tham nhũng đã xử lý xong nhưng hậu quả còn lại, quyền lợi của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan không phải là những cơ quan trực tiếp liên quan đến hành vi tham nhũng có bị ảnh hưởng, tác động. “Vậy bây giờ xử lý những việc đó như thế nào? Các cơ quan còn rất nhiều vướng mắc và đến nay cũng chưa thấy giải pháp để xử lý vấn đề này ra sao?”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu vấn đề.
Mặt khác, trong Báo cáo của Chính phủ hiện đã có một mục riêng về công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị, cần nghiên cứu, làm sâu sắc hơn công tác chuyển đổi số trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng và tiêu cực.
Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, hiện nay Ban Dân nguyện đã có phần mềm về quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và phần mềm quản lý kiến nghị của cử tri, kết nối tới các Đoàn đại biểu Quốc hội để các Đoàn đại biểu Quốc hội ở tỉnh, thành phố cập nhật vào đó. “Nhưng nếu tính tổng thể trên toàn quốc, thì đây chỉ là kênh bên khối dân cử, còn kênh bên khối thanh tra, thanh tra các tỉnh, thành phố để phối hợp và khai thác đến mức độ nào, cấp quyền khai thác đến đâu, đại biểu Quốc hội có thể được cấp quyền sử dụng phần mềm này thì chưa rõ”. Vì vậy, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ quan tâm thêm việc kiểm tra công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt đối với các cấp xã, phường.
“Báo cáo cũng nêu nhiều biện pháp, nhưng tôi đề nghị cần có những mô hình thí điểm hoặc có đánh giá, tổng kết đậm nét hơn về những kiến nghị trong vấn đề chuyển đổi số trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới đây như thế nào?” - Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị.
Phát biểu làm rõ một số vấn tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, hiện nay chưa có quy định cụ thể về tiêu chí đánh giá mang tính định lượng về tiêu cực, mà đánh giá tiêu cực hiện nay chỉ mang tính định tính và chủ yếu là suy thoái, biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Để khắc phục vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ, tới đây các cơ quan chức năng sẽ tham mưu cho Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực xác định và làm rõ hơn tiêu chí đánh giá.
Liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, ngay từ nhiệm kỳ trước, Thanh tra Chính phủ đã xây dựng xong Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo và đưa vào hoạt động khai thác. Thời gian qua tuy có một số trục trặc nhưng đã khắc phục được. “Cho đến nay, mới có 58 bộ, ngành, địa phương trong số hơn 90 bộ, ngành, địa phương kết nối được với Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo, do vậy vẫn chưa hoàn thiện. Thanh tra Chính phủ cũng đang đôn đốc thực hiện”, Tổng Thanh tra Chính phủ nói.