Giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp về bảo hiểm

Theo đề nghị của Bộ Tài chính, các địa phương cần phối hợp với Bảo hiểm xã hội khu vực để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phức tạp, kéo dài trên địa bàn...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đây là một trong những nội dung được nêu trong văn bản của Bộ Tài chính đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại địa phương, nhằm kịp thời triển khai nhiệm vụ theo cơ cấu tổ chức mới ngay sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là những nội dung mới được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024, Luật Bảo hiểm y tế 2024 để mọi người dân hiểu rõ sự cần thiết, vai trò, lợi ích của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Qua đó, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong tổ chức thực hiện, thúc đẩy việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội lâu dài, bên vững.

Căn cứ các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ hàng năm, đưa chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, giai đoạn của từng cấp.

Các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ban hành đầy đủ các chính sách hỗ trợ nhân dân, người lao động, nhằm khuyến khích tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Cùng với đó, chỉ đạo thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cấp tỉnh, cấp xã; nâng cao chất lượng hoạt động các cơ quan chức năng và cơ quan Bảo hiểm xã hội trong việc triển khai các giải pháp phát triển người tham gia, giảm số tiền chậm đóng và đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người lao động, người dân tham gia, với thủ tục đơn giản, cải cách, thời gian nhanh nhất.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, gắn với phòng, chống lạm dụng, trục lợi nhằm tối ưu hóa các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương quan tâm, chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với Bảo hiểm xã hội khu vực tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phức tạp, kéo dài trên địa bàn, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trước, trong và sau Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIV của Đảng.

Phối hợp với Bảo hiểm xã hội khu vực và cơ quan có liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm y tế và dự toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được giao.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; có giải pháp để ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế; thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không điều chỉnh các chi phí khám chữa bệnh tăng cao bất hợp lý theo kiến nghị, cảnh báo của cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế phục vụ người bệnh, không để họ phải tự mua.

Đặc biệt, yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện công tác khám chữa bệnh, chỉ định điều trị theo đúng phác đồ, hướng dẫn điều trị, quy trình chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động khám chữa bệnh, khai thác các ứng dụng VssID (Bảo hiểm xã hộ số), VNeID (định danh điện tử) khi thực hiện thủ tục khám chữa bệnh.

Các cơ sở cũng cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin về khám chữa bệnh và chuyển dữ liệu cho cơ quan Bảo hiểm xã hội, để phục vụ công tác quản lý khám chữa bệnh, tạo lập cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử và công tác giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế kịp thời.

Từ ngày 1/3/2025, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị đặc thù thuộc Bộ Tài chính, được tổ chức lại từ 63 Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành 35 Bảo hiểm xã hội khu vực; từ 640 Bảo hiểm xã hội cấp huyện thành 350 Bảo hiểm xã hội cấp huyện.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến cuối năm 2024, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp lần lượt đạt khoảng 42,71%; 34,18% lực lượng lao động trong độ tuổi; tăng lần lượt 9,91% và 7,15% so với thời điểm cuối năm 2020. Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 94,29% dân số, tăng 3,32% so với 31/12/2020.

Các Nghị quyết của Trung ương đặt mục tiêu trong năm 2025 có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Phúc Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/giai-quyet-dut-diem-cac-vu-viec-khieu-nai-to-cao-phuc-tap-ve-bao-hiem.htm
Zalo