Giải quyết dứt điểm các dự án bất động sản 'đắp chiếu': cần chế tài mạnh

Thủ tướng thành lập Ban Chỉ đạo để rà soát các dự án 'đắp chiếu' đã nhiều năm với kỳ vọng khơi thông khối tài sản khoảng 59.000 tỷ đồng, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, triển khai như thế nào là vấn đề đáng bàn…

Hồi sinh khối tài sản 59.000 tỷ đồng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1250/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án. Quyết định nêu rõ, Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án.

Theo đó, Bộ KH&ĐT là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo, sử dụng bộ máy của mình để giúp việc cho Ban Chỉ đạo, bảo đảm không làm tăng đầu mối tổ chức và biên chế.

Liên quan đến Quyết định trên, sáng 26/10, phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội năm 2024, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Ban Chỉ đạo sẽ rà soát các dự án ách tắc, trên cơ sở đó phân loại xem đâu là lỗi của nhà đầu tư, đâu là lỗi của Nhà nước để tìm ra cách xử lý.

“Nếu làm được, sẽ khơi thông cho nền kinh tế. Hiện chúng tôi mới rà soát được 160 dự án với 59.000 tỷ đồng, thực tế chắc chắn còn nhiều hơn rất nhiều. Lần này, chúng ta sẽ tổng rà soát cả nước xem mỗi địa phương còn ách tắc bao nhiêu dự án, bao nhiêu tiền, đâu là những nhóm nguyên nhân chính để tìm ra giải pháp” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án “đắp chiếu” không chỉ hỗ trợ DN, mà còn giải phóng nguồn vốn lớn, giúp tăng thu ngân sách, đóng góp cho tăng trưởng GDP.

“Chính phủ đang quyết tâm, song cũng xác định đây là vấn đề khó. Nguyên nhân là nhiều dự án đắp chiếu quá lâu, nhiều trường hợp sai phạm phức tạp kéo dài, phạm vi rộng” - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết.

Nhiều dự án rơi vào cảnh chậm tiến độ “đắp chiếu” dở dang, nhiều biệt thự trong khu đô thị xây lên rồi bỏ hoang gây lãng phí rất lớn về đất đai, tiền của. Ảnh minh họa

Nhiều dự án rơi vào cảnh chậm tiến độ “đắp chiếu” dở dang, nhiều biệt thự trong khu đô thị xây lên rồi bỏ hoang gây lãng phí rất lớn về đất đai, tiền của. Ảnh minh họa

Động thái quyết liệt của Chính phủ ngay lập tức thu hút sự quan tâm từ phía dư luận. Phần lớn các ý kiến cho rằng, việc khôi phục các dự án bị đình trệ được coi là yếu tố then chốt để kích thích sự phát triển của thị trường bất động sản, thị trường xây dựng, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Tuy nhiên để giải quyết dứt điểm các dự án này vẫn là câu chuyện dài với nhiều khó khăn, thách thức, bởi còn những vấn đề về khung chính sách pháp luật, giá đền bù và cả chế tài chưa đủ mạnh.

Kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ

Ủng hộ việc Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các dự án “đắp chiếu” trong nhiều năm, ông Phạm Thanh Xuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Dù sống giữa trung tâm Thủ đô nhưng ngôi nhà của gia đình tôi ở hiện tại chẳng khác gì khu "ổ chuột", các công trình phụ, hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng không được phép sửa sang vì khu đất đang nằm trong quy hoạch treo. Vì vậy, điều tôi mong mỏi nhất là sự quyết liệt xử lý dứt điểm vấn nạn này từ Chính phủ”.

Tương tự, bà Phạm Thị Thời (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cũng cho biết, sống giữa TP Hồ Chí Minh nhưng mãi đến năm 2000 mới biết đèn điện. Những hộ dân trong hẻm trước nhà bà thì năm 2023 mới đưa được nước sạch đến nhà, tất cả cũng chỉ vì dự án treo.

“Khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt từ năm 1992, đến nay đã hơn 30 năm nhưng vẫn nằm im đó. Trên diện tích quy hoạch gần 430ha đang tồn tại là những cánh đồng cỏ mọc không hoa màu, những khu xóm nghèo xập xệ và không được đầu tư hạ tầng cơ sở…” - bà Phạm Thị Thời nói và nhấn mạnh, động thái kiên quyết xử lý các dự án treo của Chính phủ khiến người dân có hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn.

Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng, nguồn lực phát triển kinh tế của đất nước không chỉ được tính ở các dự án đã triển khai, vận hành, mà còn nằm ở các dự án chậm triển khai.

“Mạnh tay thu hồi các dự án chậm tiến độ là việc cấp bách để tránh lãng phí và lãng phí thêm nữa” - ông Trần Khánh Quang bày tỏ. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển nhận định, nhiều dự án chậm triển khai là do công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, hoặc do năng lực của một số chủ đầu tư còn yếu kém.

Thành lập Ban Chỉ đạo là quan trọng, nhưng áp dụng chế tài mạnh để gây áp lực cho các DN cũng quan trọng không kém. Đây sẽ là biện pháp cần thiết để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, đưa tài nguyên đất đai vào sử dụng hiệu quả. Ngoài ra quy định thời gian triển khai dự án sẽ tránh trường hợp DN không đủ năng lực đầu tư, mà chỉ đầu cơ đất, dự án treo chờ chuyển nhượng để kiếm lời.

Chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh

“Có những dự án “đắp chiếu” đến 20 năm, thậm chí 30 năm, đây là một lãng phí rất lớn. Lẽ ra nguồn quỹ đất đai đó phải đưa vào sử dụng tạo ra nhà ở, công xưởng mang lại lợi ích cho Nhà nước, cho xã hội, cho toàn dân. Thực tế dự án “treo” hàng chục năm đồng nghĩa hiệu suất sử dụng đất gần như bằng 0, tức là đất đai không đóng góp gì cho tăng trưởng kinh tế” - TS. Đinh Thế Hiển phân tích. Để giải quyết dứt điểm dự án chậm triển khai, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, với những dự án chậm triển khai do chủ đầu tư không đủ năng lực cần có biện pháp xử lý, dứt điểm thu hồi dự án.

Ở góc nhìn pháp lý, Luật sư Lê Thu Thảo - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, các dự án chậm tiến độ, dự án treo không chỉ gây lãng phí về tài chính của chính chủ đầu tư, thị trường, người tiêu dùng và ngân sách Nhà nước, mà còn làm méo mó hình ảnh môi trường đầu tư và niềm tin vào hệ thống pháp luật, khả năng thực thi pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

"Việc dự án chậm tiến độ phần nào phản ánh thực trạng lập pháp và hành pháp của nước ta. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, nhưng chưa phù hợp với thực tiễn, còn là lực kháng trở đối với nhu cầu tự nhiên của nền kinh tế thị trường và xã hội” - Luật sư Lê Thu Thảo thẳng thắn.

Từ nhận định này, ông Thảo kiến nghị, cùng với việc thành lập Ban Chỉ đạo, cần hoàn thiện lại hệ thống quy phạm pháp luật, bổ sung thêm các quy định cụ thể và rõ ràng hơn trong việc thu hồi dự án treo, dự án không triển khai. Trong đó làm rõ vấn đề xử lý quyền tài sản của chủ đầu tư trên đất và trách nhiệm của chủ đầu tư buộc phải thực hiện khi vi phạm nghĩa vụ về tiến độ triển khai dự án.

Bên cạnh đó, cũng cần có các quy định pháp luật nghiêm minh hơn, cụ thể hơn để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu ở các địa phương. Sự thiếu quyết liệt và thỏa hiệp của cán bộ quản lý địa phương là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng dự án treo.

Chậm đưa đất vào sử dụng đúng mục đích, để đất hoang hóa gây lãng phí tài nguyên... là câu chuyện gây bức xúc trong dư luận nhiều năm qua, song công tác giải quyết của cơ quan chức năng lại chưa được như mong đợi của người dân. Việc Thủ tướng thành lập Ban Chỉ đạo để rà soát các dự án “đắp chiếu” là bước đi quan trọng. Nếu được triển khai bài bản, đây sẽ phương thuốc ngăn ngừa tham nhũng đất đai và bảo đảm quản lý hiệu quả, phát huy tối đa nguồn lực đất đai trong thời gian tới.

Luật sư Trần Viết Hà - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh

Tiểu Thúy

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giai-quyet-dut-diem-cac-du-an-bat-dong-san-dap-chieu-can-che-tai-manh.html
Zalo