Giải pháp thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu
Bình Thuận nằm trong số các tỉnh, thành ven biển thuộc khu vực nhạy cảm về biến đổi khí hậu (BĐKH), có tính dễ tổn thương cao bởi tác động của nước biển dâng, mưa lớn, bão, áp thấp nhiệt đới; gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở, xâm nhập mặn khu vực ven biển. Buổi tập huấn tuyên truyền, phổ biến các hoạt động giám sát BĐKH do Sở Tài nguyên & Môi trường phối hợp Trường Đại học Tài nguyên & Môi trường TP. Hồ Chí Minh tổ chức nhằm giảm nhẹ tác động BĐKH, đưa ra các giải pháp thích ứng.
Triều cường và hạn hán
Theo các chuyên gia Trường Đại học Tài nguyên & Môi trường TP. Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, hai dạng thiên tai chính thường xảy ra trên địa bàn Bình Thuận là nạn biển lở và hạn hán, sa mạc hóa gây thiệt hại nặng nề đối với nhiều địa phương trong tỉnh. Tình trạng biển lở xảy ra trên diện rộng do gió mùa Đông Bắc kết hợp với triều cường ngày càng mạnh, diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề các địa phương khu vực ven biển. Cụ thể như xã Vĩnh Tân, hai thị trấn Liên Hương, Phan Rí Cửa huyện Tuy Phong; các xã, phường: Đức Long, Tiến Thành, Hàm Tiến, Mũi Né, khu Đồi Dương - Thương Chánh phường Hưng Long (TP. Phan Thiết); xã Tân Thuận, Hàm Thuận Nam; phường Phước Lộc, xã Tân Phước, TX. La Gi; xã Long Hải (Phú Quý)... Nước biển dâng, xâm nhập mặn xảy ra các vùng cửa sông, ven biển, ảnh hưởng tới vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn, như nuôi cá mú lồng bè, tôm thẻ chân trắng; vùng tập trung nuôi trồng thủy sản nước ngọt các địa phương ven biển. Cùng với đó, dưới tác động của hiện tượng El Nino gây nắng nóng gay gắt, nhất là vào mùa khô, nhiều ngày nắng nóng lên tới 37- 38 độ C, xảy ra tình trạng hạn hán kéo dài, làm thiếu nước nghiêm trọng trong sản xuất, sinh hoạt, thiệt hại nặng về mặt dân sinh, kinh tế cho nhiều địa phương trong tỉnh. Như giữa năm nay, nắng nóng cục bộ kéo dài khiến nhiều diện tích hoa màu 3 xã ven biển huyện Hàm Tân khô héo, thất thu nặng nề…
Giải pháp thích ứng
Trong khuôn khổ ứng phó BĐKH, ở lĩnh vực tài nguyên nước, ông Huỳnh Duy Khôi, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường cho rằng: “Quy hoạch hợp lý các hồ chứa nước, nâng cấp công trình kênh mương điều tiết nước; phối kết hợp thông tin dự báo, chế độ thủy văn, dòng chảy trên các sông, đảm bảo vận hành an toàn hồ chứa nước”. Ở vùng ven biển thường bị “tổn thương” nhiều, các chuyên gia kiến nghị Bình Thuận triển khai giải pháp “bảo vệ đầy đủ”, bao gồm tôn cao hoàn toàn tất cả các tuyến đê, tăng cường công tác bảo vệ bờ biển, ngăn chặn xâm nhập mặn; bơm hút nước, nâng nền móng công trình giao thông, công nghiệp, khu dân cư. “Né tránh” khỏi những tác động của nước biển dâng, di dời dân cư, cơ sở sản xuất, dịch vụ đến những khu vực an toàn.
Trong khi đó, PGS. TS. Nguyễn Đinh Tuấn đã đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến thiên tai Bình Thuận trong nhiều năm qua, gây thiệt hại nặng nề đối với các địa phương ven biển như Tuy Phong, TP. Phan Thiết, TX. La Gi, huyện đảo Phú Quý. Tác động của biến đổi khí hậu đến các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, năng lượng, dịch vụ- du lịch, y tế. Qua đó, PGS. TS. Nguyễn Đinh Tuấn đưa ra các nhóm giải pháp trọng tâm ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh cho các ngành. Như ngành tài nguyên và môi trường cần hoàn thiện hệ thống pháp lý nhằm thúc đẩy hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu; tăng cường giám sát và đánh giá hiệu quả các hoạt động thích ứng; tuyên truyền nâng cao nhận thức và hợp tác quốc tế. Ngành nông nghiệp đẩy mạnh trồng rừng, tái tạo rừng để giữ nước ngầm; bảo vệ và trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, phát triển rừng sản xuất, hạn chế tác hại lũ lụt. Đồng thời, ngành chú trọng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất; đầu tư xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, các ngành giao thông vận tải, công thương, xây dựng, văn hóa thể thao, du lịch đều cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng; tăng cường quản lý nhà nước về ứng phó BĐKH, ứng dụng khoa học công nghệ trong ứng phó BĐKH; nhân rộng các mô hình, điển hình về ứng phó BĐKH.
“Đồng thời UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung trong quá trình xây dựng, thực hiện và giám sát các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với BĐKH phức tạp hiện nay. Tỉnh cũng cần huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, tài trợ trong và ngoài nước phát triển kinh tế biển, hợp tác thực hiện các dự án thích ứng, phòng ngừa tác động của BĐKH cho tỉnh, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội bền vững”, PGS. TS. Nguyễn Đinh Tuấn chia sẻ.