Giải pháp then chốt hướng đến giao thông an toàn

Vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông (TNGT) và là vấn đề trọng tâm cần xử lý để đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT).

Cán bộ Trạm Cảnh sát giao thông Suối Tre (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh) kiểm tra nồng độ cồn người lái xe ô tô trên các tuyến đường nội thành Long Khánh. Ảnh: Đăng Tùng

Cán bộ Trạm Cảnh sát giao thông Suối Tre (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh) kiểm tra nồng độ cồn người lái xe ô tô trên các tuyến đường nội thành Long Khánh. Ảnh: Đăng Tùng

Để giải quyết triệt để vấn đề này, cần có sự chung tay của cả cộng đồng trong xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh. Theo đó, mỗi người đều có ý thức tự giác chấp hành pháp luật, bảo vệ tính mạng của mình và người khác.

Vi phạm giảm, nhưng vẫn còn

Những năm gần đây, hành vi uống rượu, bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang được lực lượng chức năng tuyên truyền, xử lý nghiêm để thay đổi hành vi của người dân khi tham gia giao thông. Qua đó, hạn chế các vụ TNGT nghiêm trọng do người lái xe sử dụng rượu, bia, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an, trong 3 tháng đầu năm 2025 (từ ngày 1-1 đến hết ngày 31-3), lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý hơn 149,9 ngàn trường hợp vi phạm nồng độ cồn (giảm hơn 130,3 ngàn trường hợp so với cùng kỳ năm 2024).

Riêng tại Đồng Nai, cũng trong thời gian trên, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã xử lý hơn 2,4 ngàn trường hợp vi phạm nồng độ cồn (giảm gần 5,5 ngàn trường hợp so với cùng kỳ năm 2024). Đáng nói, vào các dịp lễ, Tết, cuối tuần, tình trạng vi phạm nồng độ cồn vẫn còn xuất hiện.

Trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán năm 2025 (từ ngày 25-1 đến ngày 2-2), CSGT toàn tỉnh đã xử lý 357 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; hay dịp nghỉ Lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, CSGT toàn tỉnh xử lý 57 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Qua đó cho thấy, dù đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân nhưng tình trạng vi phạm về nồng độ cồn vẫn còn diễn ra khá phổ biến.

Ông Nguyễn Tiến Hồng (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) nhận định: “Việc xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến nồng độ cồn là giải pháp then chốt, bước đi kiên quyết nhằm xây dựng môi trường giao thông an toàn và bền vững. Đặc biệt, việc tăng mức xử phạt vi phạm liên quan đến nồng độ cồn cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Nhà nước trong việc ngăn ngừa các vi phạm này, hướng tới giao thông an toàn hơn”.

Để tập trung thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, ATGT phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp nghỉ Lễ 30-4, 1-5 và cao điểm du lịch hè 2025, UBND tỉnh đã lưu ý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, người làm việc trong lực lượng vũ trang phải là những người đi đầu trong việc thực hiện nghiêm các quy định về cấm uống rượu, bia trong giờ làm việc, gương mẫu thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không lái xe.

Quyết liệt và đồng bộ trong xử lý vi phạm

Trước thực trạng nêu trên, lực lượng CSGT đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt và đồng bộ để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến nồng độ cồn; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc tuân thủ quy định không điều khiển xe sau khi đã uống rượu, bia.

Phó giám đốc Công an tỉnh, đại tá Trần Anh Sơn đã yêu cầu lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, đặc biệt là vào các khung giờ cao điểm, các ngày cuối tuần, lễ, Tết. Trong đó, cán bộ, chiến sĩ phải xử lý vi phạm với tinh thần “không có ngoại lệ, không có vùng cấm”, mọi trường hợp vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh, bất kể là ai.

Đại tá Trần Anh Sơn nhấn mạnh, cần kiên trì xây dựng ý thức “Đã uống rượu bia, không lái xe”; tăng cường tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông vào các dịp lễ, Tết, khi nhu cầu sử dụng rượu, bia tăng cao để người dân chủ động phòng tránh.

Theo đó, cần đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, tập trung ngăn ngừa tâm lý chủ quan của người dân khi cho rằng vẫn có thể kiểm soát được phương tiện sau khi uống ít rượu, bia. Đặc biệt, trong tuyên truyền cần tập trung vào các quy định mới của Luật Trật tự, ATGT đường bộ năm 2024; Luật Đường bộ năm 2024; Nghị định số 168/NĐ-CP/2024 ngày 26-12-2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, ATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (gọi tắt là Nghị định số 168) có hiệu lực từ ngày 1-1-2025...

Cụ thể, Nghị định số 168 có nhiều quy định mới theo hướng tăng nặng mức phạt đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn, bao gồm cả phạt tiền, trừ điểm giấy phép lái xe… Điển hình như, vi phạm nồng độ cồn mức độ 2, tại Điều 6 và Điều 7 Nghị định số 168 nêu rõ, với nồng độ cồn vượt quá 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 miligam/lít khí thở, người điều khiển xe ô tô sẽ bị phạt từ 18-20 triệu đồng và trừ 10 điểm giấy phép lái xe; người điều khiển xe máy sẽ bị phạt từ 6-8 triệu đồng và trừ 4 điểm giấy phép lái xe. Các mức phạt tiền này đều tăng 2 triệu đồng và bị trừ điểm giấy phép lái xe, thay vì bị tước giấy phép lái xe từ 16-18 tháng so với quy định cũ.

Việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nồng độ cồn, đặc biệt là việc tăng cường mức xử phạt như được quy định trong Nghị định số 168, là nỗ lực đảm bảo ATGT và giảm thiểu TNGT của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, để thay đổi nhận thức về việc không lái xe sau khi uống rượu, bia còn cần sự chung tay của các cơ quan chức năng và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân khi tham gia giao thông, đặc biệt là ý thức về xây dựng được môi trường giao thông an toàn, văn minh.

Đăng Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202505/giai-phap-then-chot-huong-den-giao-thong-an-toan-b366b08/
Zalo