Giải pháp tái tạo nguồn lợi cá đồng

Theo các lão nông, với địa thế và thiên nhiên ưu đãi, vùng đất rừng U Minh Hạ xưa kia nổi danh nguồn lợi cá đồng. Tuy nhiên, hiện nay nguồn lợi này ngày càng suy giảm mạnh do tác động của con người. Ðể tái tạo nguồn lợi cá đồng, không còn cách nào khác là mở rộng diện tích nuôi, giảm khai thác tự nhiên.

Nằm trong lâm phần rừng tràm, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, là một trong những nơi có nguồn lợi cá đồng tự nhiên rất lớn với đa dạng giống loài. Vì thế, việc khai thác, đánh bắt trở thành sinh kế của nhiều hộ dân.

Chỉ tay ra hướng rừng tràm, sau hậu đất, ông Nguyễn Minh Ðương, Ấp 12, xã Khánh Thuận, nuối tiếc: “Nếu trước đây nguồn lợi cá đồng tự nhiên 10 phần thì nay chỉ còn 1-2 phần. Một trong những nguyên nhân chính làm cho nguồn lợi cá đồng giảm là do sự tác động của con người. Trước đây, bà con trồng rừng theo kiểu truyền thống, ít tác động đến môi trường tự nhiên nên con cá đồng còn nhiều đất sống, từ đó sinh sản, phát triển nhanh. Nhưng khoảng 15 năm trở lại đây, khi nhiều người dân chuyển đổi phương thức trồng tràm từ quảng canh truyền thống sang trồng thâm canh tăng vụ và đào mương kê liếp để trồng cây keo lai, đã tác động nhiều đến môi trường sống của con cá nên chúng không phát triển được. Thêm nữa, một số người xiệt cá bằng xung điện, làm nguồn cá giảm đi nhanh chóng”.

Ông Nguyễn Minh Ðương, Ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, ngày đêm chăm sóc các ao dèo cá để tránh hao hụt khi thả ra môi trường tự nhiên.

Ông Nguyễn Minh Ðương, Ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, ngày đêm chăm sóc các ao dèo cá để tránh hao hụt khi thả ra môi trường tự nhiên.

Ông Nguyễn Ðồng Khởi, cùng ấp, chia sẻ: “Vùng đất rừng U Minh Hạ ngày xưa, mỗi lần người dân chụp đìa phải dùng trâu thay sức người vận chuyển cá về nhà. Còn hiện nay, nguồn lợi cá đồng tự nhiên giảm đến 80% so với trước. Câu chuyện mùa chụp đìa thu hoạch hàng tấn cá lóc, cá rô, cá trê... đã đi vào ký ức. Ðể khôi phục và tái tạo nguồn lợi cá đồng, không còn cách nào khác là tăng diện tích nuôi trồng, giảm khai thác theo kiểu hủy diệt”.

Bà Trần Hồng Ửng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh, cho biết, toàn huyện có diện tích nuôi thủy sản khoảng 33.700 ha, trong đó diện tích nuôi cá đồng truyền thống khoảng 12.350 ha. Trước đây, trữ lượng cá đồng tương đối lớn và đa dạng về chủng loại, tập trung chủ yếu ở các khu vực lâm phần. Cá đồng U Minh được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh biết đến như một sản vật của địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây, do nhiều yếu tố tác động, nguồn lợi cá đồng của huyện U Minh đã giảm cả về số lượng khai thác tự nhiên và diện tích nuôi tập trung.

Trong các loại cá được thả nuôi để khôi phục nguồn lợi cá đồng, người dân đặc biệt quan tâm giống cá trê vàng.

Trong các loại cá được thả nuôi để khôi phục nguồn lợi cá đồng, người dân đặc biệt quan tâm giống cá trê vàng.

“Ðể khôi phục nguồn lợi cá đồng, mới đây, UBND huyện ký kết chương trình phối hợp với Hội Nông dân tỉnh thực hiện Dự án khôi phục, bảo tồn, phát triển nguồn lợi cá đồng trên địa bàn huyện giai đoạn 2024-2025. Trong đó, huyện có 4 xã tham gia chương trình ký kết, gồm: Khánh An, Khánh Thuận, Nguyễn Phích và Khánh Lâm, trên 100 hộ nuôi với hơn 120 ha”, bà Ửng cho biết thêm.

Các hộ dân vận chuyển cá giống về thả nuôi.

Các hộ dân vận chuyển cá giống về thả nuôi.

Ông Ðoàn Việt Khoa, Bí thư Huyện ủy U Minh, cho biết, việc xây dựng kế hoạch phối hợp nhằm khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn lợi cá đồng là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách, không chỉ bảo tồn, lưu giữ các nguồn gen đặc hữu quý hiếm, mà còn tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, góp phần thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Từ kết quả của dự án này, sau đó sẽ tiếp tục nhân rộng ra tại nhiều địa phương trong toàn huyện, theo Chỉ thị số 17-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Mục tiêu của dự án nhằm từng bước góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, tiểu vùng sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; cải thiện tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, chất lượng và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, góp phần phát triển nguồn lực xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh nguồn cá giống, người dân còn được cấp thêm thức ăn bổ sung cho cá khi còn nhỏ.

Bên cạnh nguồn cá giống, người dân còn được cấp thêm thức ăn bổ sung cho cá khi còn nhỏ.

Có thể thấy, nguồn lợi cá đồng dù đa dạng, phong phú nhưng không phải là nguồn tài nguyên vô tận. Ðể tái tạo nguồn lợi cá đồng, bên cạnh những nỗ lực từ ngành chức năng thì ý thức của người dân chính là biện pháp hữu hiệu để thực hiện thành công mục tiêu khai thác và phát triển nguồn lợi cá đồng của tỉnh nhà theo hướng bền vững. Qua đó, góp phần cân bằng hệ sinh thái, tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương./.

Trung Ðỉnh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/giai-phap-tai-tao-nguon-loi-ca-dong-a34758.html
Zalo