Giải pháp sớm thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Hiện nay, trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, trước hết là đối với ngành công nghiệp, Chính phủ đang có nhiều chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp cả lớn cả nhỏ có thể chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Thủ tướng cũng đang chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện nghị định về quỹ hỗ trợ đầu tư.

Sẽ thành lập quỹ đâu tư

Trong chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm (thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XIII) đã vạch rõ những đường lối, chủ trương liên quan đến chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng kinh tế, sức lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong các bước đi cụ thể chuyển đổi nền kinh tế đã nhấn mạnh vào 3 lĩnh vực trọng tâm gồm: cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công.

Đây là 3 trọng tâm thúc đẩy, tác động đến cơ cấu nền kinh tế. Bên cạnh đó, có những chính sách cụ thể của từng ngành, lĩnh vực trong ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại…

Đi sâu hơn vào quá trình chuyển đổi, thúc đẩy ngành công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, 2 quá trình chuyển đổi (chuyển đổi kép), đó là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh phải song hành cùng nhau.

Sẽ thành lập quỹ đầu tư cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Ảnh minh họa: Nguyễn Lạc

Sẽ thành lập quỹ đầu tư cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Ảnh minh họa: Nguyễn Lạc

Chia sẻ về những chính sách ưu tiên để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nền kinh tế, trước hết là ngành công nghiệp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin cho biết: “Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 2 quyết định rất quan trọng: phê duyệt đề án chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam; phê duyệt đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lực chất lượng cao cho công nghiệp bán dẫn và sản xuất chip. Trong bối cảnh hiện nay, đây là 2 nội dung mang tính then chốt để bước sang giai đoạn mới, chuyển đổi mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển xanh”.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, ở góc độ triển khai cụ thể cũng đã có những văn kiện doanh nghiệp có thể tham khảo, như các kế hoạch 5 năm và hàng năm đã vạch ra các bước đi cụ thể trong việc chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế.

Tới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành chính sách về việc thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Hiện nay đối với chuyển đổi xanh cũng đã có những quy định cụ thể của Bộ Tài nguyên và Môi trường, với những tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức để xác định thế nào là doanh nghiệp xanh, sản phẩm xanh, dự án xanh… Những điều này sẽ quyết định đến việc áp dụng cơ chế, chính sách hiện nay trong các quy định pháp luật để hỗ trợ các doanh nghiệp đang thực hiện quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong nền kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ và rà soát các quy định hiện hành liên quan đến hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi xanh. Những điều không còn phù hợp sẽ được điều chỉnh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ kiến nghị những chính sách mới, thông thoáng, hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp và quá trình chuyển đổi.

Hiện nay, để duy trì được môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, Thủ tướng cũng đang chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện nghị định về quỹ hỗ trợ đầu tư. Trong đó, đối tượng của quỹ hỗ trợ đầu tư là hướng tới thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp mới về chip bán dẫn, hydrogen xanh… Quỹ này sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp mong muốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam, theo hướng chuyển đổi xanh.

Về chính sách tín dụng hỗ trợ lĩnh vực ưu tiên, trong đó có chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, trong gần 9 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước cũng đã hết sức cố gắng và bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình trong nước và quốc tế để điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, phù hợp, với tinh thần là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là nền tảng quan trọng nhất dành cho sức cạnh tranh của nền kinh tế được tốt hơn và trong đó hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, cũng như là nâng cao năng lực cạnh tranh.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đã có các chương trình, chính sách về tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, trong đó, có các doanh nghiệp áp dụng công nghệ số hay chuyển đổi số.

Cụ thể, về mặt lãi suất thì 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ đã được Ngân hàng Nhà nước áp dụng với mức lãi suất thấp hơn so với mức lãi suất cho vay thông thường và mức tín dụng luôn luôn được ưu tiên cho những ngành lĩnh vực được ưu tiên này, là một trong những tiêu chí để khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Theo thống kế tốc độ tăng trưởng của tín dụng xanh theo ghi nhận của Ngân hàng Nhà nước trong 5 năm qua, thì tăng trưởng bình quân ở mức là 22%/năm. Như vậy là gấp khoảng 1,5 lần so với tốc độ bình quân chung của toàn ngành. Đó là một minh chứng cho thấy tín dụng khuyến khích của Ngân hàng Nhà nước cho các lĩnh vực ưu tiên là phát huy hiệu quả trên thực tế

Xây dựng bộ tiêu chí giúp các dự án xanh tiếp cận vốn

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành: “Phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn đã thành xu thế của thời đại, của cả thế giới. Việt Nam chúng ta cũng phát triển nền kinh tế phù hợp với xu thế thời đại.”

Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, chính sách về tín dụng xanh, trái phiếu xanh, hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có những chế độ hỗ trợ về tín dụng xanh rất cụ thể. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Bộ Tiêu chí xác định các dự án xanh để các dự án có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh không chỉ ở trong nước; xây dựng chính sách mua sắm công xanh để hỗ trợ sự phát triển của kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

“Tiếp theo, học hỏi những kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng sẽ phải hướng tới tiếp tục sửa đổi các luật pháp về bảo vệ môi trường để hạn chế nhập khẩu phế liệu và khuyến khích thu gom, sử dụng phế liệu trong nước để làm nguyên liệu sản xuất. Chính sách này được rất nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đã đi trước chúng ta trong phát triển kinh tế tuần hoàn trong khu vực đã áp dụng” - Thứ trưởng Lê Công Thành nói.

Sắp có bộ tiêu chí để dự án xanh tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Ảnh minh họa

Sắp có bộ tiêu chí để dự án xanh tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Ảnh minh họa

Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết thêm, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia để trong luật của chúng ta có thể đưa vào những quy định về tỷ lệ nguyên liệu tái chế trong mỗi sản phẩm sản xuất ra. Đây cũng là những kinh nghiệm của các quốc gia đi trước trong khu vực đã áp dụng.

Trong thời gian sắp tới, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ để bổ sung, sửa đổi hệ thống pháp luật để bảo vệ môi trường, tạo điều kiện khuyến khích hơn nữa phát triển chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn.

Lạc Nguyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giai-phap-som-thuc-day-doanh-nghiep-chuyen-doi-so-chuyen-doi-xanh-160462.html
Zalo