Giải pháp quản lý, giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn cho thị trường chứng khoán
Tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sẽ được Bộ Tài chính (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) tập trung triển khai nhằm bảo đảm an ninh, an toàn thị trường. Qua đó, góp phần nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Mạnh tay xử phạt để chấn chỉnh thị trường
Năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận thanh khoản duy trì ở mức cao, trung bình đạt hơn 21 tỷ đồng/phiên, tăng 7,6% so với bình quân năm 2023. Tổng mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt hơn 7 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm trước, tương đương 69% GDP. Tổng mức huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán đạt khoảng 14,5% giá trị vốn đầu tư toàn xã hội.
Đáng chú ý, công tác giám sát và xử lý vi phạm đã được tăng cường mạnh mẽ, góp phần củng cố kỷ cương, kỷ luật thị trường, nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cụ thể, tính đến 30/11/2024, căn cứ kết quả giám sát, thanh kiểm tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành 535 quyết định xử phạt đối với 239 cá nhân và 296 tổ chức với tổng số tiền phạt 61,8 tỷ đồng, trong đó xử phạt 08 cá nhân trong 04 vụ việc thao túng (với tổng số tiền phạt 10,15 tỷ đồng), xử phạt vi phạm hành chính 32 cá nhân đối với hành vi cho mượn tài khoản dẫn đến hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Một số vụ việc xử phạt áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả: Xử phạt 01 tổ chức và 05 cá nhân có hành vi vi phạm của người nội bộ/người có liên quan của người nội bộ khi thực hiện giao dịch cổ phiếu (hình phạt bổ sung là đình chỉ giao dịch từ 02 – 4,5 tháng).
Ngoài ra, có 05 tổ chức vi phạm báo cáo/công bố thông tin sai lệch buộc hủy bỏ thông tin hoặc cải chính thông tin đối với các thông tin đã công bố thông tin báo cáo sai lệch; 02 cá nhân buộc từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền trên số cổ phần có được do vi phạm về không đăng ký chảo mua công khai theo quy định pháp luật; 07 trường hợp các cá nhân buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm giao dịch thao túng thị trường chứng khoán.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, ngoài các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, trong 11 tháng năm 2024, cơ quan này cũng áp dụng biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn thị trường đối với 48 cá nhân, tổ chức có hành vi thao túng, cho mượn tài khoản dẫn đến thao túng bằng biện pháp cấm giao dịch, cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán/công ty quản lý quỹ có thời hạn từ 2- 4 năm. Đồng thời, xem xét việc thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với 01 người hành nghề có hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, căn cứ kết quả kiểm tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng có văn bản chuyển cơ quan công an để phối hợp làm rõ giao dịch có dấu hiệu bất thường đối với một số mã cổ phiếu. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan điều tra trong các vụ án đã khởi tố, phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của các cơ quan như Bộ Công an (Cơ quan An ninh điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cục Cảnh sát kinh tế, Cục An ninh mạng...) và Công an các tỉnh, thành phố (TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Nghệ An...); Triển khai thực hiện các kiến nghị của cơ quan điều tra, viện kiểm sát đối với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trên cơ sở kết luận điều tra, truy tố các vụ án trên thị trường chứng khoán...
Tăng cường quản lý, giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn thị trường
Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đặt ra một trong những quan điểm phát triển là: "Nhà nước thực hiện quản lý, giám sát thị trường chứng khoán bằng pháp luật; tăng cường quản lý, giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn thị trường; phát huy vai trò tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về chứng khoán; đảm bảo các chủ thể tham gia thị trường tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp".
Bám sát quan điểm này và để hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra trong Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, thời gian tới, Bộ Tài chính (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) sẽ tiếp tục tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Theo đó, sẽ tiếp tục kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan giám sát, thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực chứng khoán, đảm bảo đủ năng lực thực thi pháp luật. Xây dựng hệ thống giám sát kết nối giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam và các thành viên thị trường.
Bên cạnh đó, áp dụng phương thức giám sát dựa trên rủi ro, xây dựng hệ thống các chỉ số cảnh báo sớm, đảm bảo giám sát hiệu quả, toàn diện, hiện đại, tiếp cận với thông lệ quốc tế. Tăng cường triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vụ việc có ảnh hưởng lớn tới thị trường chứng khoán, tăng cường giám sát liên thông giữa các cấu phần của thị trường chứng khoán. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhằm đảm bảo thị trường chứng khoán vận hành ổn định, trật tự, an toàn và minh bạch, hướng tới áp dụng hệ thống quản lý, giám sát thông minh dựa trên ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động lưu trữ, thống kê, phân tích dữ liệu, dự báo và giám sát thị trường chứng khoán.
Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan để tuyên truyền, giám sát thực thi các quy định pháp luật, giám sát liên ngành nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Đồng thời, tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ tốt công tác quản lý và giám sát thị trường.