Giải pháp phù hợp với xu hướng phát triển cây sầu riêng

Giá trị kinh tế cao của cây sầu riêng mang lại đã thu hút người dân chuyển hướng canh tác mới. Nhận thức rõ tầm quan trọng để vườn cây phát triển bền vững, nhiều hộ dân ở Bình Phước đã chủ động phòng ngừa sâu bệnh như là một chiến lược kinh tế và bền vững hơn so với việc chữa bệnh khi cây đã bị nhiễm.

Sâu đục thân tấn công cây sầu riêng tại vườn ông Phạm Bá Huy, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp.

Sâu đục thân tấn công cây sầu riêng tại vườn ông Phạm Bá Huy, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp.

Gia đình ông Hồ Văn Bạn, ở ấp Tân Thuận, xã Tân Tiến (huyện biên giới Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) trồng hơn 2 ha sầu riêng canh tác theo hướng hữu cơ đang trong thời kỳ kinh doanh. Những ngày đầu năm 2025, vườn sầu riêng của ông Bạn ra hoa, kết quả phát triển xanh tốt.

Theo ông Hồ Văn Bạn, cây sầu riêng không phải là cây dễ trồng, tuy nhiên nếu có giải pháp phòng trừ sâu bệnh hiệu quả cây sẽ cho hiệu quả kinh tế rất cao. Hiện hai loại bệnh phổ biến khó trị nhất trên cây sầu riêng là thối thân xì mủ do nấm Phytophthora và sâu đục thân do xén tóc gây ra.

Thay vì dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, khi bắt đầu trồng, ông Bạn đã chú trọng xử lý đất bằng chế phẩm sinh học chứa nấm đối kháng, tăng cường bón lót phân chuồng để tạo nền tảng cho vi sinh vật có lợi phát triển. Ông Hồ Văn Bạn cho biết, ở địa phương thường xuất hiện bệnh nứt thân xì mủ, thối rễ, rụng lá. Đặc biệt, sâu bệnh là con xén tóc xâm nhập vào vỏ cây và sinh ra con ấu trùng tạo sâu đục thân rất hại cho cây. Trước đây, gia đình ông trồng theo kiểu truyền thống sử dụng phân, thuốc không đúng phương pháp nên năng suất vườn cây không cao. Bây giờ, ông đã hạn chế sử dụng các loại thuốc, phân hóa học mà chuyển các loại thuốc sinh học. Khi cần xịt rầy, xịt sâu, ông dùng các loại thuốc sinh học mới.

Ngoài ra, ông Hồ Văn Bạn còn chủ động đào mương, lên líp cho vườn cây nên đã hạn chế sâu bệnh. Tuy chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, nhưng khi làm mương, lên líp sẽ giúp vườn thoát nước nhanh, dễ chăm sóc và tốt cây phát triển tốt.

Cũng tại xã Tân Tiến, vườn sầu riêng Ri6 của gia đình ông Phạm Bá Huy, ở ấp Tân Phước được xem là mô hình kiểu mẫu đã và đang được ngành nông nghiệp địa phương nhân rộng. Điểm nhấn của vườn sầu riêng này là ngoài sử dụng các giải pháp sinh học để phòng trừ sâu bệnh hại, ông Huy còn áp dụng phương pháp thủ công dẫn dụ và bắt tiêu diệt côn trùng. Ông Huy đã thiết kế bẫy để thu hút loại côn trùng đến thông qua việc đào hố chứa nước và lắp bóng đèn trên các miệng hố.

Theo kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Văn Thuyên, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bù Đốp, cây sầu riêng có hai sâu bệnh hại nguy hiểm và được quan tâm. Thứ nhất là bệnh thối thân xì mủ do nấm Phytophthora gây nên. Qua đó, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp khuyến cáo người dân nên sử dụng các chế phẩm, đặc biệt sử dụng các dòng như Trichoderma để định kỳ. Bà con ngừa bằng cách bổ sung xịt vào đất và lên cây để quản lý cái nấm bệnh được tốt hơn. Đối với sâu đục thân, Trung tâm cũng hướng dẫn bà con sử dụng các biện pháp canh tác bẫy đèn để tiêu diệt con xén tóc trưởng thành, hạn chế đẻ trứng. Ngoài ra, Trung tâm cũng khuyến cáo bà con nên thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện sớm, sử dụng các biện pháp thủ công để tiêu diệt sâu bệnh.

Bình Phước hiện có tổng diện tích trồng sầu riêng lên đến trên 6.000ha, hơn 2.412 ha đã có mã số vùng trồng. Hiện nay, nhiều nhà vườn đã chủ động thay đổi phương thức sản xuất, đẩy mạnh đầu tư công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật canh tác theo hướng bền vững. Minh chứng đã có 65 mã số vùng trồng được cấp để xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc.

Tiến sĩ nông nghiệp Nguyễn Văn Bắc cho biết, trái sầu riêng có giá trị kinh tế cao không chỉ trong nước mà còn ở thị trường quốc tế. Tuy nhiên, canh tác sầu riêng gặp nhiều khó khăn; trong đó, các vấn đề về sâu bệnh là một thách thức lớn. Bệnh thối trái, gây ra bởi nấm Phytophthora palmivora là một trong những bệnh phổ biến gây nguy hiểm nhất đối với sầu riêng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng trái và gây thiệt hại lớn cho người trồng.

Việc sử dụng các chế phẩm sinh học như nấm đối kháng Trichoderma và chất kích kháng sinh học không chỉ giúp kiểm soát bệnh mà còn thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng và bảo vệ hệ sinh thái. Đây là hướng đi lâu dài, phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững và an toàn.

Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp hướng dẫn gia đình ông Phạm Bá Huy (xã Tân Tiến, Bù Đốp) phòng ngừa sâu bệnh.

Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp hướng dẫn gia đình ông Phạm Bá Huy (xã Tân Tiến, Bù Đốp) phòng ngừa sâu bệnh.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc khuyến cáo người trồng sầu riêng cần liên tục cập nhật kiến thức về kỹ thuật canh tác, phương pháp quản lý vườn và thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh vườn cây. Việc duy trì vườn cây thông thoáng, vệ sinh định kỳ, loại bỏ các phần cây bị nhiễm bệnh là rất quan trọng để hạn chế sự phát triển và lây lan của bào tử nấm. Cần có sự hỗ trợ từ các viện nghiên cứu, các trung tâm khuyến nông và các cơ quan chức năng trong việc phổ biến, chuyển giao công nghệ và kỹ thuật mới về phòng trừ bệnh cho người trồng sầu riêng. Đồng thời, cần có các nghiên cứu thêm về giống sầu riêng kháng bệnh, phát triển các chế phẩm sinh học hiệu quả và các kỹ thuật quản lý bệnh mới để người trồng có thêm công cụ trong việc bảo vệ vườn cây.

Bài và ảnh: K GƯỈH (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/giai-phap-phu-hop-voi-xu-huong-phat-trien-cay-sau-rieng-20250115083532763.htm
Zalo