Giải pháp nào xử lý chất thải trên sông, kênh rạch?
Các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc thu gom, dọn rác và chất thải trên sông, kênh rạch, trong đó tập trung vào rác thải nhựa, nhằm từng bước giải quyết triệt để vấn đề toàn cầu - ô nhiễm nhựa đại dương.
Rác thải ngày càng gia tăng
Tại Hội thảo diễn ra ngày 20/9 do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết: “Trong thời gian qua, nhiều giải pháp đã được triển khai một cách đồng bộ, thường xuyên nhằm cải thiện chất lượng vệ sinh môi trường, kiểm soát ô nhiễm, ngăn chặn tình trạng bỏ rác bừa bãi, xử lý và chuyển hóa các điểm ô nhiễm do rác thải... Đến nay, Thành phố đã đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên tình trạng xả thải rác bừa bãi ra đường phố, kênh rạch chưa được giải quyết một cách triệt để.
Với khoảng 68.000 tấn rác sinh hoạt trên cả nước mỗi ngày, chỉ riêng TP.HCM và Hà Nội đã chiếm gần 1/3. Trong khi đó, theo ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, năng lực thu gom, vận chuyển và xử lý đạt trung bình là 88,34%. Tỷ lệ thu gom của đô thị đạt gần 96,6% trong khi nông thôn thấp hơn, chỉ được 77,69%. Như vậy gần 12% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt hàng ngày chưa được thu gom và xử lý.
“Qua những hình ảnh lũ lụt, đặc biệt là những thiệt hại do cơn bão số 3 Yagi gây ra, chúng ta thấy rằng trong và sau quá trình bão lũ thì tất cả các chất thải từ trên đất liền đổ ra các sông, ngòi, kênh, rạch, sau đó hướng ra biển. Đây là một trong những vấn đề cần phải nhắc đến, cần có những giải pháp trong thời gian sắp tới và nhận thức được những vấn đề cấp bách về giải quyết ô nhiễm môi trường do chất thải và chất thải nhựa gây ra” - ông Trung nói.
Theo Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu kiểm soát ô nhiễm môi trường - Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nguồn rác thải nhựa xuất phát từ sinh hoạt hàng ngày là chính, tiếp đó là từ các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và các nguồn thải khác như kinh tế, xây dựng…
Đáng lo ngại là lượng rác phát thải cao trong khi tỷ lệ thu gom và tái chế rác thải thấp. Theo báo cáo “Đối tác hành động quốc gia Việt Nam về nhựa”, năm 2018 phát thải khoảng 3,7 triệu tấn nhựa, dự báo đến năm 2030, mỗi năm tăng 62%, trong khi đó hiện nay tỷ lệ thu gom, tái chế còn khá thấp, chỉ chiếm 11 %, hoặc đốt bỏ lộ thiên chiếm hơn 40%.
Hợp tác chuyển đổi xanh
Theo ông Hoàng Thành Vĩnh, Quản lý Chương trình chất thải và Kinh tế tuần hoàn UNDP Việt Nam, tác nhân gây ô nhiễm nhựa đại dương là đến từ đất liền và khoảng 70-80% rác thải nhựa đại dương đến từ các khu vực đô thị ven biển, sông ngòi. Bên cạnh thu gom rác, các giải pháp then chốt khác cần được ưu tiên như tái sử dụng, phân loại rác tại nguồn, quản lý chất thải tốt hơn, giảm thiểu và thay thế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Đồng thời việc truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng là hoạt động cần được thực hiện thường xuyên, liên tục để ngăn ngừa tình trạng xả rác ra môi trường.
Ông Vĩnh cho rằng: “Thu gom vớt rác được gọi là giải pháp cuối nguồn. Quan trọng hơn là những can thiệp ở giữa nguồn và đầu nguồn. Giữa nguồn tức là tái sử dụng, phân loại tại nguồn và quản lý tốt hơn cái chất thải. Còn đầu nguồn ở đây là giảm thiểu và thay thế, tức là không dùng nhựa mà dùng những vật liệu thay thế hay là những thiết kế sinh thái thì đây là những can thiệp cần phải được ưu tiên hơn".
Nhận thấy tình trạng cấp thiết cũng như mức độ báo động về ô nhiễm môi trường biển tại Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung, Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường và các bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để giảm thiểu rác thải nhựa, như Luật Bảo vệ Môi trường, các nghị định, quyết định và kế hoạch hành động cụ thể, với mục tiêu vào năm 2025 thu gom, tái chế 85% lượng rác thải nhựa.
Ông Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hiệp Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đề xuất nhiều giải pháp cải thiện chất lượng xử lý rác thải. Trong đó, ý tưởng phân loại và tận dụng rác thải sau khi được vớt lên nhằm giảm tiêu hao về chi phí thuê người xử lý nhận được nhiều sự ủng hộ.
Cụ thể là đối với các đơn vị vớt rác trên sông, sau khi vớt lên thì phân loại tại nguồn, cái gì tái sử dụng, cái gì làm phân bón, cái gì không xử lý được thuê người xử lý. Bằng cách này có thể chúng ta bù đắp một phần chi phí tái chế, hoàn thiện quy trình về sửa chữa, bảo trì, bảo hành. Từ đó xác định chi phí khấu hao, chi phí gián tiếp cho quá trình vận hành thiết bị, đây chính là cơ sở để chúng ta xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật.
Từ năm 2022 đến nay, Việt Nam không còn nằm trong danh sách 10 quốc gia phát thải nhựa hàng đầu. Mặc dù đạt được một số kết quả khả quan, song vẫn còn nhiều thách thức cần được tiếp tục giải quyết thông qua sự phối hợp của các cấp chính quyền, tổ chức quốc tế và sự tham gia của cộng đồng.
Tại hội thảo, các chuyên gia kiến nghị việc hoàn thiện khung pháp lý để duy trì và nhân rộng giải pháp bền vững thu gom rác thải trên sông, kênh, rạch tại nhiều địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác giữa khu vực công và tư, với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế nhằm đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi xanh và đạt được mục tiêu giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển vào năm 2030.