Giải pháp nào 'kéo' người dân Thủ đô đến với vận tải công cộng?

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30% nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, các chuyên gia giao thông cho rằng, để làm được điều này, chính quyền Thủ đô sẽ cần phải áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ.

 Vận tải công cộng ở Hà Nội mới chỉ đáp ứng khiêm tốn nhu cầu di chuyển của người dân. Ảnh minh họa

Vận tải công cộng ở Hà Nội mới chỉ đáp ứng khiêm tốn nhu cầu di chuyển của người dân. Ảnh minh họa

Vận tải công cộng đáp ứng khoảng 19,5% nhu cầu đi lại

Từ ngày 1/11/2024, xe buýt Hà Nội chính thức áp dụng khung giá vé mới sau 10 năm duy trì mức giá ổn định. Theo khung giá vé mới, mức giá ở những cự ly ngắn sẽ tăng nhẹ và tiếp tục tăng ở những cư ly dài hơn. Giá vé xe buýt tăng cũng là một trong những nguyên nhân khiến chị Hoàng Thị Hiền (30 tuổi, trú tại chung cư Hateco, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) quyết định chuyển sang sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển.

Theo chị Hiền, trước đây, chị vẫn thường di chuyển bằng xe buýt từ chỗ ở đến nơi làm việc trên phố Kim Mã. Ngoài những tiện lợi như an toàn, không bị khói bụi, nắng mưa thì việc di chuyển bằng phương tiện công cộng có nhiều điểm bất cập. "Thứ nhất đó là thường gặp phải trường hợp kẹt xe những khi giờ cao điểm gây ảnh hưởng đến thời gian làm việc. Ngoài ra, tuyến xe buýt số 32 mà tôi di chuyển được xem là một trong những tuyến lúc nào cũng ở trong tình trạng đầy khách. Đồng nghĩa với việc không ít khách hàng phải đứng suốt chiều dài của tuyến. Bên cạnh đó, còn nhiều lý do khác ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách", chị Hiền chia sẻ.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có 154 tuyến xe buýt, trong đó 132 tuyến trợ giá, 8 tuyến không trợ giá, 12 tuyến kế cận và 2 tuyến city tour, phủ đến tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã và 512/579 xã phường, thị trấn. Toàn thành phố có hơn 2.000 xe buýt. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2024, Hà Nội có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và đoạn trên cao dài 8,5km từ Nhổn đến Cầu Giấy thuộc tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đi vào vận hành đã góp phần đáp ứng đáng kể nhu cầu đi lại của hành khách.

Những năm gần đây, chính quyền Thủ đô đã có nhiều nỗ lực mở rộng mạng lưới, đầu tư đổi mới phương tiện, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, điều hành, giúp người dân tiếp cận dịch vụ vận tải hành khách công cộng dễ dàng hơn từ đó "kéo" người dân đến với các phương tiện công cộng.

Theo ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội, sản lượng hành khách của xe buýt và đường sắt đô thị từ đầu năm 2024 đến nay đạt khoảng 300 triệu lượt (tăng 8,4%) so với cùng kỳ năm 2023. Đến hết tháng 9/2024, vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đáp ứng khoảng 19,5% tổng nhu cầu đi lại của người dân. Trong tỷ lệ này, lượng khách đi lại thường xuyên (học sinh, sinh viên, người đi làm, đối tượng ưu tiên - người cao tuổi) chiếm 70%.

Mặc dù tỷ lệ hành khách đi lại bằng phương tiện công cộng có sự chuyển biến theo hướng tích cực hơn nhưng theo ông Tiến, con số này vẫn còn cách xa chỉ tiêu kỳ vọng của các cấp có thẩm quyền và cơ quan quản lý. Bởi lẽ, mục tiêu thành phố Hà Nội đặt ra đến năm 2024, vận tải hành khách công cộng phải đáp ứng 22-25% nhu cầu đi lại của người dân. Con số này phải đạt tối thiểu 30% vào năm 2025. "Đây là con số rất thách thức", ông Phạm Đình Tiến nhìn nhận.

TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia

TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Đánh giá về chỉ tiêu của thành phố Hà Nội liên quan đến vận tải hành khách công cộng, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, cũng đồng ý với quan điểm đây là một thách thức đối với chính quyền Thủ đô khi mà vận tải hành khách công cộng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập và chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

"Các tuyến xe buýt của Hà Nội khá nhiều và làm thay đổi tích cực bộ mặt giao thông Thủ đô nhưng lại chưa được bao phủ rộng khắp trên địa bàn thành phố. Điều này dẫn đến một hệ lụy là nhiều người vẫn phải đi 2-3 chặng mới đến được địa điểm mình mong muốn. Trong khi đó, các tuyến xe buýt chưa liền mạch dẫn đến người dân phải mất nhiều thời gian chờ đợi giữa các tuyến gây ảnh hưởng đến công việc, mục đích di chuyển. Ngoài ra, hệ thống hạ tầng như các điểm chờ xe buýt chưa được đầu tư đồng bộ khiến nhiều người dân phải đứng dưới nắng, mưa để đợi xe", ông Tạo chia sẻ.

Vẫn còn hoài nghi với chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng đáp ứng được 30% nhu cầu đi lại của người dân đến năm 2025 nhưng vị chuyên gia giao thông này cũng cho rằng, Hà Nội hoàn toàn có thể thay đổi để "kéo" hành khách đến với phương tiện công cộng.

Đầu tiên, theo ông Tạo đó là chính quyền Thủ đô phải tăng các tuyến xe buýt công cộng, lượt tuyến, làm cho các tuyến xe phủ đến mọi ngõ ngách của thành phố. "Hà Nội sẽ phải xem xét một cách toàn diện các tuyến xe buýt hiện tại, vị trí nào cần thiết thì phải thiết lập thêm các tuyến xe làm sao để người dân khi cần là có chứ không phải mất thời gian chờ đợi hoặc di chuyển để có thể tiếp cận được với phương tiện công cộng. Với những địa điểm đường phố đông đúc, nhỏ hẹp, Hà Nội cũng nên bố trí các dòng xe buýt cỡ nhỏ để vận chuyển hành khách từ những khu dân cư ra các điểm xe buýt lớn", ông Tạo nêu quan điểm.

Ngoài ra, việc thay thế các phương tiện vận tải công cộng sử dụng nguyên liệu hóa thạch sang các phương tiện sử dụng nguyên liệu xanh như xe điện, theo ông Tạo cũng là một trong những điểm chính quyền thành phố cần phải nghiên cứu để thực hiện song song. Bên cạnh đó, việc thay đổi chất lượng phục vụ, đưa ra bộ quy tắc đối với lái xe, phụ xe cũng là những điểm Hà Nội có thể thay đổi để tăng số lượng người di chuyển bằng phương tiện công cộng.

Hành khách đi tàu điện Nhổn - ga Hà Nội

Hành khách đi tàu điện Nhổn - ga Hà Nội

Còn theo TS. Phan Lê Bình, giảng viên chương trình thạc sĩ kỹ thuật hạ tầng - Đại học Việt Nhật, hiện đang có một tỷ lệ rất lớn người dùng phương tiện công cộng là người cao tuổi. Lượng khách đó không giúp giảm nhiều mật độ trong giờ cao điểm. Do đó, vấn đề quan trọng là làm sao để tăng người sử dụng phương tiện công cộng trong giờ cao điểm.

Ông Phan Lê Bình cho biết thêm, hiện thành phố Hà Nội đã dành nhiều ưu tiên cho phương tiện công cộng, mỗi năm trợ giá hàng nghìn tỷ đồng. "Tuy nhiên, việc trợ giá chỉ giúp về mặt tài chính cho hành khách chứ không giúp rút ngắn thời gian đi lại. Chúng ta chỉ rút ngắn được thời gian đi lại nếu dành làn đường riêng cho xe buýt công cộng như tuyến BRT. Rất nhiều khẩu hiệu ưu tiên giao thông công cộng, giảm thiểu phương tiện cá nhân được đưa ra nhưng nếu không có thêm những chính sách, hành động khác ưu tiên cho xe buýt ngoài trợ giá thì rất khó để đạt được mục tiêu. Do đó, quan trọng nhất vẫn là phải ưu tiên hạ tầng để rút ngắn thời gian đi lại", ông Bình nhấn mạnh.

Thứ hai, theo ông Bình, Hà Nội cần có giải pháp bảo đảm lối đi bộ an toàn cho người dân di chuyển đến trạm xe buýt và nhà ga đường sắt đô thị. Về vấn đề kết nối, vị chuyên gia này cho rằng phía các đơn vị quản lý đã làm rất nhiều giải pháp để kết nối xe buýt với tuyến đường sắt, buýt nhanh BRT. Tuy nhiên, thời gian tới cần có giải pháp để kết nối thuận lợi hơn nữa, đặc biệt là việc kết nối giữa 2 tuyến đường sắt đô thị với nhau.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/giai-phap-nao-keo-nguoi-dan-thu-do-den-voi-van-tai-cong-cong-20241221085259796.htm
Zalo