Giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng

Bối cảnh tác động phức tạp và những hạn chế trong triển khai đòi hỏi các trường đại học tại đổi mới công tác GD chính trị tư tưởng...

“Tuần sinh hoạt công dân - sinh viên” năm học 2024 - 2025 của Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Ảnh: HCMUE

“Tuần sinh hoạt công dân - sinh viên” năm học 2024 - 2025 của Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Ảnh: HCMUE

Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngoài kiến thức chuyên môn, việc giáo dục chính trị tư tưởng cũng cần được chú trọng. Tuy nhiên, bối cảnh tác động phức tạp và những hạn chế trong triển khai đòi hỏi các trường đại học tại TPHCM phải đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng.

Còn có bất cập

Mới đây, Ban Tuyên giáo Đảng ủy Đại học Quốc gia TPHCM và Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TPHCM phối hợp tổ chức Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm, tiếp nhận chuyển giao kết quả nghiên cứu đề tài “Đổi mới công tác chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục đại học: Nghiên cứu trường hợp Đại học Quốc gia TPHCM” và giao ban dư luận xã hội quý III/2024. Hoạt động này nhằm thúc đẩy đổi mới công tác chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục đại học tại TPHCM.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) - chủ nhiệm đề tài khoa học cho hay, số lượng sinh viên đông đảo tại khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM (hơn 70 nghìn sinh viên, giảng viên lưu trú, học tập, làm việc - PV) mang đến sức mạnh nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nhất định.

“Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình đổi mới với mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên thể hiện sức trẻ, tài năng và cống hiến cho đất nước. Để hoàn thành sứ mệnh này, sinh viên cần được trau dồi về chính trị, tư tưởng và đạo đức”, PGS Lan nêu quan điểm.

Theo kết quả khảo sát từ đề tài nghiên cứu khoa học nêu trên, có 2.590 sinh viên trong hệ thống 7 trường thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM nhận thức sâu sắc và đánh giá cao tầm quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong bối cảnh hiện nay. Đa số sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM luôn tin tưởng và đồng thuận với đường lối chính trị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có ý thức chính trị cao.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho sinh viên thời gian qua cũng còn một số bất cập, hạn chế. Một bộ phận sinh viên chưa thực sự quan tâm đến công tác chính trị, tư tưởng, thậm chí một số sinh viên có những nhận thức sai lệch về vai trò lãnh đạo của Đảng, có ý thức rèn luyện kém, có lối sống thực dụng, hưởng thụ, không quan tâm hoặc lười học tập…

Nhóm nghiên cứu đề tài đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có thể nêu một số vấn đề cụ thể. Thứ nhất, thế giới đang trải qua những biến động to lớn, phức tạp, khó dự báo; những tác động khó tránh khỏi từ mặt trái của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự chống phá của các thế lực thù địch đã và đang tác động đến nhận thức, tư tưởng, lối sống, niềm tin, lý tưởng của sinh viên.

Thứ hai, trong các cơ sở giáo dục đại học, cán bộ giảng dạy các môn lý luận chính trị giữ vai trò trọng yếu trong việc thực hiện giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho sinh viên. Theo kết quả khảo sát, hiện đội ngũ giảng dạy các môn lý luận chính trị trong hệ thống Đại học Quốc gia TPHCM chiếm tỷ lệ nhỏ (khoảng 5% trong tổng số giảng viên) nhưng phải đảm nhiệm một khối lượng giảng dạy lớn (khoảng hơn 10% tổng số giờ của các chương trình đào tạo).

Trong các trường đại học thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, phần lớn đội ngũ cán bộ phụ trách công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên (phòng công tác chính trị sinh viên, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên…) chưa được đào tạo nhiều về chuyên môn, nghiệp vụ công tác chính trị. Vì vậy chưa theo kịp yêu cầu của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong điều kiện mới.

 PGS.TS Ngô Thị Phương Lan (phải) chuyển giao đề tài cho bà Đặng Thùy Khánh Vân, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TPHCM. Ảnh: Thùy Linh

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan (phải) chuyển giao đề tài cho bà Đặng Thùy Khánh Vân, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TPHCM. Ảnh: Thùy Linh

Giải pháp trọng tâm

Theo PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong hệ thống Đại học Quốc gia TPHCM về tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược lâu dài của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho sinh viên.

Trong hoạt động giáo dục, cần nhận thức vai trò đặc biệt của công tác đó bằng cách nhất quán mục tiêu, nội dung trong các giáo trình, tài liệu và bài giảng; giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên cần thúc đẩy việc hiểu biết một cách đúng đắn, toàn diện, thực chất.

Nội dung, chương trình, phương thức giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cần được đổi mới theo hướng thiết thực, hiện đại, định hướng dạy học kết hợp phù hợp với đối tượng sinh viên. Để làm được điều này, giảng viên cần tìm kiếm phương thức hoạt động thiết thực, đa dạng hóa các hình thức giáo dục ngoại khóa và chương trình hành động. Đoàn, hội, các đơn vị trong trường có thể tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, bàn về những vấn đề “nóng” trong nước và quốc tế, với sự tham gia của các chuyên gia uy tín.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, cần phải nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là giảng viên giảng dạy lý luận chính trị. Giảng viên phải thật tâm huyết, yêu nghề, tuyệt đối trung thành, có niềm tin, có kiến thức về các môn học một cách sâu sắc, luôn cập nhật, gắn với thực tiễn. Trong giảng dạy, cần tăng cường trao đổi, gợi mở vấn đề cho sinh viên thảo luận, đa dạng hóa phương pháp dạy học.

Cũng theo PGS Ngô Thị Phương Lan, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng trong quản lý, rèn luyện đối với sinh viên. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho sinh viên là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, trong đó phòng công tác chính trị sinh viên, các tổ chức chính trị - xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên là những lực lượng đóng vai trò nòng cốt.

Bà Nguyễn Thị Là - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TPHCM đánh giá đề tài “Đổi mới công tác chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục đại học: Nghiên cứu trường hợp Đại học Quốc gia TPHCM” mang lại những giải pháp thiết thực, phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo trong Đảng bộ Khối. Bà Là cho biết, sẽ đề nghị các cơ sở đảng trực thuộc Đảng ủy Khối triển khai thực hiện kết quả nghiên cứu đề tài để ứng dụng tại đơn vị.

Phòng công tác chính trị sinh viên và Đoàn Thanh niên cần phát triển đội ngũ cán bộ uy tín, có chuyên môn và phẩm chất đạo đức, để thường xuyên tương tác với sinh viên. Họ sẽ nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng, điều chỉnh nhận thức sai lệch và tìm kiếm phương thức hoạt động hiệu quả. Đồng thời, cần đa dạng hóa các hình thức giáo dục ngoại khóa và chương trình hành động để thu hút sinh viên, giúp họ phát huy tài năng và nâng cao ý thức chính trị. - PGS.TS Ngô Thị Phương Lan.

Thùy Linh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giai-phap-nang-cao-chat-luong-cong-tac-giao-duc-chinh-tri-tu-tuong-post713866.html
Zalo