Giải pháp kinh tế tuần hoàn từ tro, xỉ nhiệt điện
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối mặt với thách thức thiếu hụt vật liệu san lấp các dự án hạ tầng. Trong bối cảnh đó, việc sử dụng tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện đang được xem là giải pháp khả thi, vừa giải quyết bài toán môi trường, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng.
Theo Bộ Xây dựng, số liệu tổng hợp từ các tập đoàn gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các nhà máy nhiệt điện khác, hiện cả nước có 31 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động. Nếu như năm 2022 tổng lượng tro, xỉ là 15,78 triệu tấn, còn năm 2023 là 18,07 triệu tấn. Tuy nhiên, sản lượng tro, xỉ sử dụng làm vật liệu san lấp, phụ gia cho sản xuất xi măng và bêtông cũng ngày càng tăng.
Tính đến cuối năm 2023, tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ cộng dồn các năm trên cả nước đạt khoảng 83 triệu tấn, chiếm khoảng 66,2% tổng lượng phát thải từ trước đến nay, tăng hơn 10,4% so với thời điểm cuối 2022. Tổng khối lượng tro, xỉ lưu giữ tại bãi chứa của các nhà máy hiện nay là 46,4 triệu tấn. Tro, xỉ được sử dụng nhiều nhất trong các lĩnh vực làm vật liệu san lấp, phụ gia khoáng cho xi măng, sau đó là dùng làm phụ gia bêtông cho các công trình thủy lợi, giao thông và công trình xây dựng dân dụng.
Tại Trà Vinh, hiện 3 nhà máy: Nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng thuộc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải đang gặp khó về đầu ra cho 3,8 triệu tấn tro, xỉ lưu tại bãi. Hàng năm, bãi tro, xỉ của công ty đều được Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) lấy mẫu thử nghiệm và cấp chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy dùng cho san lấp và xây dựng theo tiêu chuẩn, quy định hiện hành. Cụ thể, chứng nhận hợp chuẩn tro, xỉ đạt theo TCVN 12249:2018 - tro, xỉ nhiệt điện than làm vật liệu san lấp; hợp quy tro bay dùng cho bêtông, vữa xây và xi măng theo QCVN 16:2017/BXD của Bộ Xây dựng. Quy trình này đảm bảo tro, xỉ được sử dụng hiệu quả và an toàn trong ngành xây dựng.
Theo ông Ngô Văn Sỹ, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, công ty tiếp tục trao đổi và bàn giải pháp khai thác bãi tro, xỉ với các đối tác tiềm năng có nhu cầu sử dụng để san lấp các công trình, dự án như: Sử dụng tro, xỉ để san lấp Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh với khối lượng dự kiến giai đoạn 1 khoảng 4,4 triệu tấn (Công ty Cổ phần VSIP Cần Thơ); sử dụng tro, xỉ để san lấp Nhà máy Nhiệt điện sông Hậu 2 với khối lượng dự kiến khoảng 1,5 triệu tấn. Đồng thời, Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng (ECCC) đã có nghiên cứu sâu về đề tài xử lý tro, xỉ nhà máy nhiệt điện làm đường giao thông và hạ tầng đã liên hệ công ty xúc tiến việc sử dụng tro, xỉ dùng để thi công trong các dự án hạ tầng khu công nghiệp và đường giao thông.
Tại cuộc họp mới đây giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ đã kiến nghị Thủ tướng cho phép sử dụng tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện làm vật liệu san lấp các dự án giao thông và hạ tầng khu công nghiệp. Đề xuất này xuất phát từ nhu cầu cấp thiết về vật liệu xây dựng của thành phố. Theo số liệu thống kê, từ nay đến năm 2027, thành phố cần tới 20 triệu m3 cát để phục vụ cho việc xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, phát triển khu công nghiệp và khu thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, TP Cần Thơ đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cát san lấp do không có mỏ cát lớn trên địa bàn. TP Cần Thơ còn phải đối mặt với một thách thức khác là tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng. Hiện tượng này không chỉ xảy ra trong mùa khô như trước đây mà còn diễn ra cả trong mùa mưa, gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý và phát triển đô thị.
Trong bối cảnh đó, việc sử dụng tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện không chỉ giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt vật liệu san lấp mà còn có thể góp phần giảm thiểu tác động môi trường từ việc tích tụ tro, xỉ tại các nhà máy. Đây có thể được xem là giải pháp "một công đôi việc", vừa đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng, vừa góp phần bảo vệ môi trường. "Việc thí điểm này sẽ chỉ thực hiện trong phạm vi giới hạn để kiểm soát. Thành phố sẽ cố gắng phối hợp với các bộ, ngành để triển khai thực hiện nếu được phép", Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu nói. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cho TP Cần Thơ triển khai thực hiện đề xuất nói trên.