Giải pháp không thiếu điện để phát triển trong kỷ nguyên AI
Điện vốn được sử dụng như nguồn lực cốt yếu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai, một lần nữa đóng vai trò then chốt trong kỷ nguyên 'Cách mạng AI' cần được giải quyết để đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Nguy cơ thiếu điện trong cuộc cách mạng AI
Luật Điện lực có hiệu lực thi hành từ 1/2/2025, với 9 chương, 81 điều. Luật này quy định về quy hoạch phát triển điện lực, đầu tư xây dựng dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; thị trường điện cạnh tranh, hoạt động mua bán điện; điều độ, vận hành hệ thống điện quốc gia; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực; trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động điện lực và sử dụng điện; quản lý nhà nước về điện lực.
Theo tính toán, giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt bình quân mỗi năm từ 7 - 7,5% hoặc hơn. Tuy nhiên, trong giai đoạn này nhu cầu về năng lượng điện của Việt Nam có thể thiếu hụt đến 30% so với tổng nhu cầu điện năng cho nền kinh tế.
Điện vốn được sử dụng như nguồn lực cốt yếu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai, một lần nữa đóng vai trò then chốt trong kỷ nguyên "Cách mạng AI" sau đúng 100 năm. Nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện, đặc biệt ở các nước có nền công nghiệp phát triển.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), lượng điện sử dụng tại các trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới vào năm 2026 sẽ tương đương lượng điện mà cả Nhật Bản sử dụng trong 1 năm, tức là khoảng 939 Terawatt giờ. Bên cạnh đó, kỷ nguyên xe điện - một trong lĩnh vực cạnh tranh của các quốc gia - cũng là một trong những nguyên nhân gây tốn điện.
Dự báo đến năm 2040, lượng điện tiêu thụ của các loại xe điện bán ra hàng năm trên khắp thế giới sẽ tăng đến mức cần phải vận hành 40 nhà máy điện hạt nhân 1 Gigawatt mới đủ cung cấp. Tại Mỹ, một chiếc xe điện được tính toán là ngốn khoảng một nửa lượng điện tiêu thụ của một hộ gia đình trung bình. Một khi kỷ nguyên xe ô tô toàn điện đang mở ra, nhu cầu về điện sẽ tăng mạnh. Khi thiếu điện, các công ty công nghệ lớn tìm cách mở rộng cơ sở, chuyển sang Trung Đông và Đông Nam Á - nơi tình hình nguồn điện tương đối tốt hơn.
PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mạnh hay vươn mình. Đây là giai đoạn tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt bình quân mỗi năm từ 7 - 7,5% hoặc hơn để đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước công nghiệp có thu nhập cao. Trong khi đó, theo Quy hoạch điện VIII, nhu cầu năng lượng điện của Việt Nam có thể thiếu hụt đến 30% so với tổng nhu cầu điện năng cho nền kinh tế.
Do đó, PGS. TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng, bên cạnh gia tăng nguồn cung năng lượng, cần có phương thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Điều này đã được đề cập chi tiết trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Với việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả này, phần lãng phí sẽ được giảm thiểu, áp lực về nguồn cung cấp điện không quá cao. Đây là cơ sở để phát triển các mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả", PGS. TS Nguyễn Thường Lạng cho biết.
Giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng
Theo chuyên gia Nguyễn Thường Lạng, để bảo đảm an ninh năng lượng để phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cần thực hiện 6 giải pháp.
Thứ nhất, đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng. Bởi, tiết kiệm năng lượng là giải pháp luôn được ưu tiên vì đầu tư cho giải pháp này thấp hơn nhiều so với các giải pháp khác.
"Chính phủ cần nghiên cứu chuyển dần từ hình thức khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả tự nguyện sang bắt buộc, từ đó đặt ra các chỉ tiêu hiệu quả năng lượng cho mỗi ngành công nghiệp với cơ chế thưởng, phạt trong việc hoàn thành các chỉ tiêu này", chuyên gia cho hay.
Thứ hai, phát triển năng lượng tái tạo và thực hiện dự trữ năng lượng. Mặc dù được đánh giá là có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tái tạo, nhưng sự phát triển các dự án điện từ năng lượng tái tạo tại Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Thứ ba, đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò các nguồn tài nguyên năng lượng, phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường. Tăng cường sử dụng nguồn năng lượng thay thế, tái tạo, như thủy điện, năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời, sinh khối, địa nhiệt giúp giảm tiêu thụ năng lượng truyền thống và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Thứ tư, thực hiện chính sách giá điện bảo đảm tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường. Ông Quảng cho rằng, cần hoàn thiện giá bán buôn và bán lẻ điện bảo đảm nguyên tắc của cơ chế thị trường, tính đúng, tính đủ và tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư ngành năng lượng, khắc phục cách tính giá điện chưa hợp lý như hiện nay.
Thứ năm, cần nâng cao khả năng chống chịu và giảm mức độ tổn thương của các nguồn cung, truyền tải, lưu trữ năng lượng, phân phối năng lượng trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai. Đồng thời, cần phát triển các nguồn lực từ xã hội và người dân, từ các thành phần kinh tế để phát triển sản xuất truyền tải, phân phối các dạng năng lượng, đặc biệt là năng lượng mới, năng lượng tái tạo,...
Thứ sáu, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền để thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất, sử dụng năng lượng bảo đảm an ninh năng lượng trong tình hình mới.
Hiện Bộ Công Thương khẩn trương triển khai Luật Điện lực, đưa chính sách vào cuộc sống. Nhất là các cơ chế, chính sách liên quan đến sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn, giá điện và giá dịch vụ về điện, cơ chế bảo đảm tiêu thụ khí khai thác trong nước, nguyên tắc chuyển ngang giá nhiên liệu sang giá điện.
Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách với các dự án nguồn điện LNG, thủy điện, nhiệt điện, điện hạt nhân Ninh Thuận. Đầu tư xây dựng các dự án truyền tải điện. Có giải pháp tiết kiệm điện, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp lắp, sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.