Giải pháp giảm ô nhiễm không khí mùa nắng nóng

Hà Nội đang chuẩn bị bước vào mùa Hè nắng nóng, với dự báo nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, kéo theo nguy cơ ô nhiễm không khí chuyển đổi hình thái. Ngoài bụi mịn PM2.5 quen thuộc, khí ozone ở tầng thấp gia tăng dưới tác động của nắng nóng có nguy cơ đe dọa sức khỏe người dân.

Ô nhiễm không khí “biến hình”

Mùa Hè tại Hà Nội thường đi kèm với nền nhiệt cao và hiện tượng nắng nóng gay gắt. Mặc dù mùa Đông được nhận định thường có mức độ ô nhiễm cao hơn do hiện tượng nghịch nhiệt, nhưng mùa Hè cũng không kém phần đáng lo ngại. Nhiệt độ cao có thể thúc đẩy các phản ứng hóa học trong không khí, dẫn đến sự hình thành các chất ô nhiễm thứ cấp như ozone tầng mặt đất, gây hại cho sức khỏe con người. Ozone tầng mặt đất khác với ozone ở tầng bình lưu – vốn bảo vệ Trái đất khỏi tia cực tím. Nó hình thành khi ánh sáng mặt trời tương tác với khí thải, như oxit nitơ từ xe cộ, sản xuất công nghiệp…

Bên cạnh ozone, các loại bụi mịn – đặc biệt là PM2.5 – cũng không có dấu hiệu thuyên giảm vào mùa Hè. Trái lại, hoạt động giao thông gia tăng, cộng với sự phát triển mạnh của các công trình xây dựng, nhà máy và tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch ở ngoại thành khiến hàm lượng bụi mịn tiếp tục ở mức cao.

Trùm kín người khi ra ngoài đường là một trong những biện pháp bảo vệ bản thân trước ô nhiễm không khí vào mùa nắng nóng. Ảnh: Hà Anh

Trùm kín người khi ra ngoài đường là một trong những biện pháp bảo vệ bản thân trước ô nhiễm không khí vào mùa nắng nóng. Ảnh: Hà Anh

Mặc dù TP Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động, nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, nhưng việc kiểm soát các nguồn thải trong mùa Hè vẫn là một thách thức lớn. Việc đốt rơm rạ vẫn diễn ra phổ biến ở các huyện ngoại thành, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng không khí toàn vùng. Các tuyến đường trọng điểm nội đô thường xuyên xảy ra ùn tắc, khiến khí thải từ hàng trăm nghìn phương tiện giao thông tiếp tục là “gánh nặng” cho bầu không khí vốn đã ngột ngạt.

Anh Trần Minh Tuấn - một tài xế xe ôm tại quận Nam Từ Liêm cho biết: “Làm việc ngoài đường cả ngày, tôi thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và khó thở, đặc biệt vào những ngày nắng nóng. Tôi phải đeo khẩu trang, nhưng vẫn lo lắng về sức khỏe lâu dài”. Những chia sẻ như của anh Tuấn cho thấy, ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề môi trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân.

Theo các chuyên gia, trước những mối nguy hại từ ô nhiễm không khí trong mùa nắng nóng sắp tới gần, người dân cần chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp để bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như những người thân trong gia đình. Giải pháp hiệu quả và dễ làm nhất là hạn chế ra ngoài đường vào các giờ cao điểm ô nhiễm. Các chuyên gia khuyến cáo, vào mùa Hè, buổi trưa hoặc chiều là thời điểm nhạy cảm với sức khỏe con người bởi nền nhiệt cao sẽ cộng hưởng với bụi mịn trong không khí khiến nguy cơ gây hại cho sức khỏe tăng lên gấp bội. Trong trường hợp bắt buộc phải ra ngoài đường vào thời điểm này, mọi người cần có những biện pháp bảo vệ cho cơ thể và hệ hô hấp như mặc quần áo chống nắng, đội mũ có khả năng ngăn chặn tia cực tím, đeo khẩu trang lọc PM2.5...

Ngoài ra, mọi người cần uống đủ nước để giữ cơ thể hydrat hóa và tránh hoạt động nặng nhọc ngoài trời trong những ngày nóng và ô nhiễm, giúp giảm nguy cơ kiệt sức do nhiệt. Theo dõi chỉ số chất lượng không khí (AQI) qua các ứng dụng như IQAir hoặc AccuWeather giúp người dân chủ động điều chỉnh lịch trình và bảo vệ sức khỏe. Riêng nhóm nhạy cảm như trẻ em, người già, và người có bệnh hô hấp cần được bảo vệ đặc biệt. Trẻ em nên hạn chế chơi ngoài trời khi AQI vượt 150, trong khi người cao tuổi cần duy trì thuốc điều trị bệnh nền theo chỉ định bác sĩ.

Bền bỉ với các giải pháp dài hạn

Tuy nhiên, những biện pháp đối phó với ô nhiễm không khí mùa nắng nóng mà các chuyên gia đưa ra như trên chỉ là giải pháp ngắn hạn mang tính tạm thời. Còn về lâu dài, TP Hà Nội cần tiếp tục kiên trì, bền bỉ theo đuổi quyết tâm làm sạch không khí với những bộ giải pháp căn cơ và đồng bộ.

Được biết, trong những năm qua, TP Hà Nội đã từng bước triển khai nhiều biện pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đơn cử như trong "Kế hoạch quản lý chất lượng không khí Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035", Hà Nội xác định nhiệm vụ ưu tiên như: vận hành ổn định hệ thống quan trắc tự động chất lượng không khí; đôn đốc các địa phương xử lý triệt để tình trạng đốt rơm rạ và đốt rác thải; điều tiết, phân luồng giao thông tại nút giao thông ùn tắc...

Hà Nội đặt mục tiêu giảm thiểu tối đa ô nhiễm không khí, bảo đảm chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình theo chỉ số VN-AQI ít nhất 75% số ngày trong năm; giảm phát thải PM2.5 từ các nguồn thải chính, tổng phát thải bụi PM2.5 giảm khoảng 20% so với năm 2019, tương đương tổng lượng phát thải giảm 6.200 tấn PM2.5. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang áp dụng thí điểm mô hình vùng phát thải thấp (LEZ), hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm tại một số quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình…

Theo kế hoạch, vào năm 2030, Hà Nội phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy tiến tới dừng ở các quận; đồng thời sẽ có chính sách thay thế xe máy cũ không bảo đảm an toàn giao thông và xả khí thải; quy định các khu vực cấm ô tô chạy dầu diesel, khu vực hạn chế xe máy, xe tải, taxi. Cùng với đó là chính sách khuyến khích thay thế xe buýt chạy dầu diesel bằng xe chạy điện. Bên cạnh đó, Hà Nội dự kiến đưa ra các quy định nhằm khuyến khích thu hút đầu tư đường sắt đô thị, BRT, Mono rail, buýt bằng hình thức hợp tác công tư (PPP).

Có thể thấy, Hà Nội đang nỗ lực cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, song song với việc triển khai đồng bộ nhiều hoạt động giúp cải thiện chất lượng không khí như hiện nay, TP cũng cần đánh giá hiệu quả các chính sách kiểm soát ô nhiễm hiện hành theo từng giai đoạn. Việc này không chỉ giúp đánh giá hiệu quả mà còn giúp nhanh chóng đưa ra phương án điều chỉnh nếu gặp vướng mắc trong quy chế, thực hiện, cải thiện chất lượng các hoạt động hơn nữa.

Trao đổi xoay quanh vấn đề này, TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, Hà Nội cần có đầy đủ số liệu và cập nhật các nguồn thải, xác định rõ nguyên nhân, mức độ ô nhiễm; từ đó xây dựng kế hoạch xử lý, công khai trách nhiệm các bên gây ô nhiễm. Chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc siết chặt công tác quản lý hoạt động xây dựng cũng cần được chú trọng như một giải pháp hữu hiệu để giảm các nguồn phát thải ra không khí.

Ngoài ra, Chỉ thị 15/CT-UBND với quy định cấm đốt rơm rạ và hỗ trợ nông dân xử lý phụ phẩm nông nghiệp bằng công nghệ thân thiện môi trường, sẽ là hành lang pháp lý quan trọng, để TP thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường nói chung và không khí nói riêng. Do đó, cần đưa những nội dung của chỉ thị này vào cuộc sống một cách sâu rộng nhất.

Về giải pháp lâu dài, chuyên gia nhấn mạnh việc chuyển đổi sang năng lượng sạch sẽ là chìa khóa để Hà Nội giảm ô nhiễm. Các giải pháp công nghệ như sơn cách nhiệt, gạch thông gió cũng được nghiên cứu để giảm nhiệt độ đô thị, từ đó hạn chế hình thành ozone. Một khi tất cả những giải pháp trên đã được triển khai, không khí Hà Nội trở nên trong lành hơn thì ngay cả trong mùa nắng nóng, nền nhiệt cao, người dân Thủ đô cũng không cần phải lo lắng về các mối đe dọa từ ô nhiễm không khi khi bước chân ra đường nữa.

Không chỉ trông chờ vào các chính sách và hành động từ phía chính quyền, mỗi người dân cũng có thể trở thành một “tác nhân xanh” góp phần cải thiện chất lượng không khí Thủ đô, thông qua các hành động như: sử dụng phương tiện giao thông công cộng; trồng cây xanh tại nhà; hạn chế đốt rác thải, rơm rạ; chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió để giảm phát thải khí nhà kính.

Nguyễn Quý

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giai-phap-giam-o-nhiem-khong-khi-mua-nang-nong.675431.html
Zalo