Giải pháp giảm ngập cho TP Thủ Đức
Cải thiện hệ thống thoát nước, quy hoạch đô thị bền vững, phát triển hệ thống cảnh báo và ứng phó, gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ… là các giải pháp để giảm ngập nước ở TP Thủ Đức, TP HCM
Gần đây, cứ sau mỗi cơn mưa lớn, TP Thủ Đức lại phải đối mặt tình trạng ngập nước ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Dù chính quyền các cấp đã có nhiều cố gắng giải quyết nhưng trên thực tế hiệu quả chưa cao, thậm chí có trường hợp ngập chuyển từ chỗ này sang chỗ khác.
Đô thị hóa nhanh
Được coi là cực phát triển phía Đông của TP HCM, TP Thủ Đức cần được giải quyết triệt để vấn đề ngập úng.
Về khách quan, mưa lớn và hiện tượng nước biển dâng do biến đổi khí hậu là những nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ ngập nước tại TP Thủ Đức, trong khi nhiều khu vực của thành phố này được bao bọc bởi các con sông lớn. Bên cạnh đó, nền đất của TP Thủ Đức vốn yếu, dễ sụt lún nên cũng góp phần vào việc tăng nguy cơ ngập.
Về mặt chủ quan, sự gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa nhanh đã dẫn đến việc giảm diện tích đất xanh và tăng bê-tông hóa, làm giảm khả năng hấp thụ nước của đất và hệ thống thoát nước. Trong đó, việc lấn chiếm và bồi lắng các dòng chảy tự nhiên, các ao hồ vốn có thể tích nước và tiêu nước ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Bên cạnh việc một số nơi quản lý địa bàn chưa tốt, để mất nhiều dòng chảy tự nhiên, việc quản lý thoát nước cũng kém hiệu quả. Một thời gian dài, hệ thống thoát nước của Thủ Đức chưa được cải thiện đồng bộ với tốc độ phát triển đô thị, dẫn đến tình trạng quá tải trong mùa mưa và ngập lụt do triều cường. Ngay cả dự án tích nước trước Nhà Thiếu nhi TP Thủ Đức thực hiện năm 2017 hay dự án thoát nước đường Võ Văn Ngân hoàn thành đầu năm 2024 dù rất được kỳ vọng nhưng hiệu quả rất kém, do không đồng bộ với hệ thống thoát nước khu vực xung quanh và chưa thực sự phù hợp với điều kiện địa hình ở đây. Từ đó, dẫn đến khu vực chợ Thủ Đức thường xuyên ngập nặng khi có mưa lớn.
Tình trạng ngập do hư hỏng hoặc tắc nghẽn hệ thống cống thoát nước, làm giảm khả năng thoát nước cũng diễn ra khá phổ biến. Chẳng hạn, suối Linh Tây có sự bồi lắng rất lớn nhưng việc nạo vét không được thực hiện thường xuyên. Trong khi đó, việc xả rác bừa bãi làm bít miệng cống hoặc hạn chế dòng chảy cũng là vấn đề nan giải. Ngay cả việc phối hợp thoát nước và chống ngập giữa các dự án, giữa các địa phương cũng còn chưa đồng bộ và hiệu quả.
Quy hoạch đô thị bền vững
Để giảm ngập nước ở TP Thủ Đức, cần cải tạo các kênh rạch và hệ thống thoát nước; đồng thời xây dựng hệ thống thoát nước mưa mới, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ ngập lụt cao. Cần xem xét xây dựng các hồ điều hòa và bể chứa nước ở phường Hiệp Bình Phước, phường Hiệp Bình Chánh… để giảm tải cho hệ thống thoát nước; nghiên cứu xây dựng đê bao hoặc các van ngăn triều hoạt động thông minh.
Cần rà soát để bảo đảm sự đồng bộ và phát huy hiệu quả tối đa của các dự án, công trình chống ngập trên địa bàn cũng như ở các khu vực lân cận. Thường xuyên nạo vét suối Linh Tây để khơi thông dòng chảy, kết nối với các dòng chảy khác, đồng thời gắn với các công trình thoát nước, trữ nước trên đường Phạm Văn Đồng…
Cần quyết liệt xử lý vấn đề tắc nghẽn dòng chảy do rác; xử lý nghiêm hành vi xả rác bừa bãi, bên cạnh các giải pháp truyền thông, xử lý rác, phân loại rác tại nguồn… Ngoài ra, cần có giải pháp khuyến khích cộng đồng tham gia các hoạt động vệ sinh, bảo trì hệ thống thoát nước và các chương trình bảo vệ môi trường. Cần tạo cơ hội để người dân tham gia việc cải thiện môi trường sống.
Đặc biệt, cần phải quy hoạch đô thị bền vững, như xây dựng các công viên, vườn cây xanh và khu vực hấp thụ nước để tăng cường khả năng thẩm thấu và giảm lượng nước bề mặt. Quy hoạch đô thị phải cân nhắc đến việc giữ gìn không gian xanh và giảm diện tích bê-tông hóa. Việc quy hoạch cần gắn với điều kiện thực tế về địa hình, địa chất ở từng khu vực của TP Thủ Đức, cùng với đó là dự báo hợp lý về biến đổi khí hậu, mật độ dân số, quy mô xây dựng… trong nhiều năm tới. Có như vậy thì việc chống ngập mới được thực hiện bài bản, quy mô và tránh nhỏ lẻ, manh mún, chắp vá, thời vụ.
Song song đó, cần khuyến khích việc sử dụng các công nghệ xây dựng thân thiện với môi trường, như mái nhà xanh, bề mặt hấp thụ nước và hệ thống thoát nước thông minh. Việc này áp dụng trước hết ở các công trình lớn, trụ sở cơ quan nhà nước, sau nữa thực hiện rộng rãi trong cộng đồng, để tránh chuyện xây dựng là quyền của cá nhân, tổ chức nhưng thoát nước lại là trách nhiệm của riêng cộng đồng.
Cần triển khai các hệ thống cảnh báo sớm để dự đoán và thông báo cho người dân về tình huống ngập lụt và mưa lớn. Sử dụng công nghệ cảm biến và dữ liệu khí tượng để cải thiện việc dự báo; từ đó có các phản ứng, xử lý phù hợp cho cả phía cơ quan quản lý lẫn người dân. Cần xây dựng và triển khai các kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với tình trạng ngập lụt; bảo đảm sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng, đội ngũ cứu hộ và cộng đồng, nhằm giảm thiểu thiệt hại do ngập.
Ngoài ra, cần tiếp tục có nhiều giải pháp tuyên truyền và giáo dục cộng đồng về các biện pháp phòng chống ngập lụt, cách thức ứng phó khi xảy ra ngập lụt và tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.
Cải thiện hệ thống thoát nước, quy hoạch đô thị bền vững, phát triển hệ thống cảnh báo và ứng phó, gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ cùng với việc nâng cao ý thức cộng đồng là các giải pháp thiết thực để giảm thiểu tình trạng ngập nước ở TP Thủ Đức.
Cần sớm đầu tư nâng cấp và mở rộng hệ thống cống thoát nước hiện tại để tăng cường khả năng tiếp nhận, xử lý nước mưa.