Giải pháp đưa thương mại điện tử bứt phá trong năm 2024

Thời gian tới, thương mại điện tử được dự báo còn bứt tốc nếu tháo gỡ những điểm nghẽn liên quan tới hàng giả, hàng nhái cùng niềm tin của người tiêu dùng.

Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới

Thương mại điện tử Việt Nam đang trải qua giai đoạn 10 năm phát triển rực rỡ. Từ những ngày khái niệm "thương mại điện tử" còn khá xa lạ với người tiêu dùng; giao diện, hiển thị sản phẩm, dịch vụ, gian hàng còn đơn giản; số lượng nhà bán hàng ứng dụng thương mại điện tử chưa đa dạng và tốn nhiều công sức để có những đơn hàng đầu tiên, giờ đây thương mại điện tử Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc ở mức 16 - 30%/năm.

Theo báo Công Thương, điều này chứng tỏ thương mại điện tử ngày càng khẳng định là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Cùng với đó, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam cũng đã hình thành các hệ thống cung ứng dịch vụ thứ cấp cho thị trường bao gồm: dịch vụ nền tảng công nghệ hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử, các dịch vụ marketing, truyền thông tiếp thị trực tuyến, dịch vụ chuyển phát,... Sự kết nối và chia sẻ của các hệ thống cung ứng dịch vụ này ngày càng giúp tối ưu quy trình liên kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng.

Theo Bộ Công Thương, trong năm 2023, thương mại điện tử tiếp tục là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế số của Việt Nam, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết, trong sự phục hồi của kinh tế Việt Nam, thương mại điện tử tiếp tục là phương thức mua bán hiện đại được doanh nghiệp và người tiêu dùng lựa chọn.

Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Cũng trong năm qua, Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Cả nước hiện có khoảng 61 triệu người tham gia mua sắm qua thương mại điện tử, đưa giá trị mua sắm trung bình đạt 300 USD/người/năm.

Còn theo báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Metric (nền tảng số liệu E-commerce), có 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam (gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop), tăng 52,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây.

Theo Hà Nội mới, thực tế cho thấy, khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin của người tiêu dùng ngày càng cao, mua sắm trực tuyến (online) đã trở thành thói quen của người tiêu dùng. Đáp ứng nhu cầu đó, số gian hàng mở bán trên các sàn thương mại điện tử cũng tăng nhanh.

Theo Metric, đến cuối năm 2023 có 637.273 gian hàng trên 5 sàn thương mại điện tử kể trên. Trong đó, các ngành hàng về làm đẹp, nhà cửa - đời sống và thời trang nữ đứng đầu về doanh thu và sản lượng bán ra. Tốc độ tiêu dùng nhanh, khả năng lưu kho, vận chuyển dễ dàng là ưu thế của các ngành hàng này.

Năm qua, nhiều hình thức mua sắm mới được phát triển mạnh mẽ, điển hình là xu hướng livestream (bán hàng phát trực tiếp) và bán hàng đa kênh đã đem lại doanh thu khổng lồ cho các nhà bán hàng chuyên nghiệp.

Minh chứng rõ nhất là thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, trong khi các chợ truyền thống chỉ lác đác người mua thì những người giao hàng cho các sàn thương mại điện tử lại tất bật chuyển hàng hết công suất. Hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ song theo đại diện các sàn thương mại điện tử, số lượng đơn hàng dịp cận Tết Nguyên đán tăng mạnh so với ngày thường.

Để thương mại điện tử bứt phá trong năm 2024

Theo Bộ Công Thương, bên cạnh những kết quả tích cực, thương mại điện tử cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cá nhân; hạ tầng logistics thương mại điện tử còn chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường; niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến,...

Mặc dù đứng trước nhiều khó khăn còn ở phía trước, song, với tiềm năng và tiếp đà phát triển của thương mại điện tử, các chuyên gia đã đưa ra những nhận định và đánh giá khả quan về thị trường thương mại điện tử trong năm tới. Theo đó, dự báo trong năm 2024, doanh thu trên các sàn bán lẻ trực tuyến tiếp tục sẽ tiếp tục tăng mạnh.

"Năm 2024 thương mại điện tử dự kiến tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 18 - 20%/năm. Thương mại điện tử sẽ tiếp tục được giới trẻ và người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn là phương thức mua sắm hiện đại và tiện lợi", bà Nguyễn Thị Minh Huyền cho hay.

Năm 2024 thương mại điện tử dự kiến tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 18 - 20%/năm. Ảnh minh họa: Báo Đầu tư.

Năm 2024 thương mại điện tử dự kiến tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 18 - 20%/năm. Ảnh minh họa: Báo Đầu tư.

Để thương mại điện tử phát triển bứt phá hơn nữa trong năm 2024 và những năm tiếp theo, các chuyên gia cho rằng, cần sự chung tay của các bộ ngành đưa ra nhiều chiến lược và giải pháp tổng thể nhằm thúc đẩy thương mại điện tử phát triển hướng đến các mục tiêu như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường liên kết vùng; phát triển xanh và bền vững; thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương và vùng miền thông qua các nền tảng số.

Theo Tiến sĩ Đinh Lê Hải Hà, Phó Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), cần có giải pháp quản lý thương nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ, gắn với thương nhân tổ chức sàn thương mại điện tử và hệ sinh thái thương mại điện tử. Phải luật hóa việc sử dụng thông tin chủ hàng và khách hàng tại các sàn thương mại điện tử và nhà cung cấp ứng dụng. Ngoài ra, cần tăng cường quản lý hóa đơn giao hàng, xác định trách nhiệm liên đới trong chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đẩy mạnh các giải pháp kỹ thuật để đưa ra các mức độ cảnh báo, ngăn chặn hành vi gian lận thương mại trên môi trường mạng.

Cùng quan điểm, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) Lê Đức Anh kiến nghị áp dụng giải pháp công nghệ để phòng, chống hàng giả. Hiện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã xây dựng hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bao gồm hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử giữa người dân và doanh nghiệp; bảo vệ nhãn hàng, xác thực và định danh chủ thể trong thương mại điện tử.

Chia sẻ về giải pháp phát triển, bà Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết, với định hướng thúc đẩy phát triển thương mại tử bền vững, phát triển xanh, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền và thúc đẩy xuất khẩu thương mại điện tử qua biên giới, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số sẽ triển khai đồng bộ một loạt các nhóm giải pháp.

Thứ nhất, khuyến khích các doanh nghiệp thương mại điện tử tối ưu hóa phương thức vận chuyển và sử dụng các sản phẩm bao gói, tái chế, thân thiện với môi trường.

Thứ hai, Cục thương mại điện tử và kinh tế số Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai chuỗi các sự kiện quy mô vùng và quy mô quốc gia như sự kiện liên kết vùng trong thương mại điện tử và tuần lễ mua sắm Việt Nam Online Friday.

Thứ ba, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cũng sẽ thúc đẩy sự kiện chuyển đổi số ngành Công Thương thành một sự kiện có quy mô và vai trò thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành Công Thương đẩy mạnh chuyển đổi số.

Thứ tư, Cục sẽ triển khai những nhóm giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 để tối ưu hóa các nguồn lực của doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp và ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp.

Cuối cùng, Cục sẽ phối hợp với sở Công Thương các địa phương, Ủy ban nhân dân các địa phương rà soát kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia và dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026-2031.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/giai-phap-dua-thuong-mai-dien-tu-but-pha-trong-nam-2024-a651472.html
Zalo