Giải pháp đột phá giúp GDP tăng trưởng cao, vững chắc trong kỷ nguyên mới

Chiều ngày 7/1, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp tổ chức Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 17 - VESF 2025 với chủ đề 'Cải cách - kiến tạo kỷ nguyên tăng trưởng và thịnh vượng: Giải pháp đột phá đạt mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới'.

Diễn đàn VESF 2025 là diễn đàn đầu tiên của năm 2025 đề cập và bàn thảo về kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn mới 2025-2030, đây là bước chuyển mình mới, nấc thang mới thể hiện tinh thần vươn mình, nỗ lực vượt bậc nhằm đạt được mức tăng trưởng đột phá và phát triển bền vững.

Trình đề án tăng trưởng GDP hai con số trong quý III/2025

Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, chủ đề của diễn đàn gắn với bối cảnh trong nước và quốc tế đang đặt ra nhiều vấn đề mới, trong đó có một số điểm đáng chú ý và cần được nhấn mạnh, đó là cả nước đang nỗ lực, khẩn trương, quyết tâm cao độ để hoàn thành toàn diện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Song hành hai cuộc cách mạng

"Với mục tiêu chung như vậy, hiện nay chúng ta cùng lúc thực hiện hai cuộc cách mạng, đó là cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị và cuộc cách mạng về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Từ đó, tạo bước chuyển mang tính đột phá trong nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy công vụ và năng suất, chất lượng chung của nền kinh tế để đuổi kịp, tiến cùng các nền kinh tế phát triển" - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nói.

Đồng thời, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và duy trì trong 5-10 năm tới để hiện thực hóa hai mục tiêu chiến lược là đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, mọi người dân đều được phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, văn minh, hạnh phúc.

Điều này đòi hỏi chúng ta phải bảo đảm khắc phục được những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài trong nhiều năm, vừa phải giải quyết những vấn đề đột xuất, phát sinh, để nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng và duy trì với tốc độ cao, đáp ứng các mục tiêu trước mắt và dài hạn.

Giải pháp đột phá giúp GDP tăng trưởng cao, vững chắc trong kỷ nguyên mới.

Giải pháp đột phá giúp GDP tăng trưởng cao, vững chắc trong kỷ nguyên mới.

Năm 2025 là năm được xác định đóng vai trò tăng tốc, bứt phá, tạo đà vững chắc cho nền kinh tế đi vào giai đoạn tăng trưởng cao và duy trì bền vững trong 5-10 năm tiếp theo. Chính phủ hiện đang đặt ra mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 8% và phấn đấu tăng trưởng hai con số.

"Hiện Ban Kinh tế Trung ương đang nghiên cứu, xây dựng đề án về các giải pháp chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc để báo cáo Bộ Chính trị xem xét trong quý III/2025" - ông Sơn nêu rõ.

Tập trung ba đột phá tạo động lực tăng trưởng

Nêu rõ định hướng thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ hiện tập trung vào thực thi ba đột phá chiến lược theo nghị quyết của Đại hội Đảng.

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật. Theo Phó Thủ tướng, năm 2024, nhiều luật quan trọng được thông qua như: Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Chứng khoán, 1 luật sửa 9 luật trong ngành tài chính, 1 luật sửa 4 luật về đầu tư và sửa đổi các luật quan trọng khác, nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn” và phát huy nguồn lực.

Thứ hai, chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng. Chính phủ dồn nguồn lực và dự kiến bố trí 800 nghìn tỷ đồng đầu tư công năm 2025, chưa kể các hình thức đầu tư khác, nhằm tập trung triển khai các dự án trọng điểm như: cao tốc, sân bay Long Thành, hệ thống cảng biển và chuẩn bị triển khai đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam năm 2027, tập trung đầu tư hạ tầng năng lượng.

Thứ ba, đột phá về nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng và theo kịp tiêu chuẩn chất lượng cao của thế giới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc làm rõ ba đột phá tạo động lực tăng trưởng tại diễn đàn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc làm rõ ba đột phá tạo động lực tăng trưởng tại diễn đàn.

Phân tích thêm về những đột phá tạo động lực phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần đột phá về khoa học và công nghệ, Việt Nam cần lực lượng nhân lực chất lượng cao để đột phá về công nghệ và làm chủ công nghệ. Đây là yếu tố cốt lõi thay đổi bản chất tăng trưởng kinh tế, hướng đến tăng trưởng chất lượng cao, mạnh mẽ và bền vững.

Cũng theo Phó Thủ tướng, chúng ta đang chuyển sang nền kinh tế xanh, kinh tế số để hướng tới mục tiêu tăng trưởng với chất lượng cao nhất, mạnh mẽ và bền vững nhất. Do đó, cần làm rõ nội hàm, các yếu tố thúc đẩy để đạt được nền kinh tế xanh, kinh tế số.

“Chúng tôi sẽ tiếp thu, lắng nghe ý kiến các bên để hoàn thiện giải pháp thúc đẩy nền kinh tế năm 2025 và những năm tiếp theo đạt được hai con số và bền vững” - Phó Thủ tướng bày tỏ.

Nhấn mạnh việc cải cách thể chế sẽ tạo bước đột phá giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng cao, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lưu ý ba điểm, đó là chất lượng hệ thống văn bản pháp luật, thủ tục hành chính và chất lượng thực thi các cấp, đặc biệt là cấp địa phương.

Kể lại chuyến đi khảo sát 30 dự án vừa kết thúc đầu tư tại một địa phương, đại diện VCCI nhận thấy, quy trình triển khai các dự án trên thực tiễn khác xa quy trình trên văn bản, do cần sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành; có dự án có tới 30 đầu mối, chỉ cần vướng một đầu mối là ách tắc.

Nêu kinh nghiệm triển khai của Singapore, ông Tuấn cho biết, quốc gia này rất thành công trong việc đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính. Theo đó, Singapore có một cổng thông tin về cấp phép kinh doanh, người dân và doanh nghiệp không cần biết gửi thủ tục, giấy phép đến bộ nào mà chỉ cần thực hiện trên mạng và xử lý trong thời gian rất nhanh nhờ sự phối hợp liên ngành./.

Tạo không gian phát triển, nâng lên 30-40 địa phương tăng trưởng hai con số

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI, một số địa phương nước ta hiện tăng trưởng liên tục hai con số gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang hoặc tỉnh nhỏ như Trà Vinh.

"Đặc điểm chung của các tỉnh tăng trưởng hai con số là môi trường kinh doanh rất thuận lợi, thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, thuận lợi và tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh rất tốt. Chúng ta nên nghiên cứu mô hình các địa phương tăng trưởng hai con số, đây là bài học ở cấp độ quốc gia. Làm sao tạo không gian các địa phương năng động sáng tạo, thay vì chỉ 7-8 địa phương tăng trưởng hai con số, nếu chúng ta có 30, 40 địa phương tăng trưởng hai con số, chắc chắn tốc độ tăng trưởng Việt Nam sẽ cải thiện mạnh mẽ" - ông Tuấn gợi mở.

Ánh Tuyết

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giai-phap-dot-pha-giup-gdp-tang-truong-cao-vung-chac-trong-ky-nguyen-moi-168188.html
Zalo