Giải pháp để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Trong xu thế phát triển nền kinh tế tri thức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH và CN) được xem là hạt nhân quan trọng, tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc phát triển loại hình doanh nghiệp này tại tỉnh vẫn còn hạn chế, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Hiện tại, tỉnh có 4 doanh nghiệp KH và CN - lực lượng tiêu biểu tạo ra và tiếp nhận thành quả nghiên cứu, ứng dụng KH và CN, tổ chức sản xuất, thương mại hóa kết quả hoạt động KH và CN gồm: Công ty TNHH Cường Tân được chứng nhận lần đầu tháng 9/2015, cấp bổ sung tháng 7/2019; Công ty TNHH Tân Thiên Phú chứng nhận tháng 3/2018; Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nam Định chứng nhận tháng 11/2020 và Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến chứng nhận tháng 3/2023. Hầu hết các doanh nghiệp KH và CN của tỉnh sau khi được công nhận đã tổ chức triển khai hiệu quả các dự án sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa từ kết quả nghiên cứu KH và CN; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực KH và CN; tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; hoàn thiện, đổi mới công nghệ, thiết bị phát triển sản phẩm mới, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh sản phẩm hàng hóa trên thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngoài tham gia các hoạt động về KH và CN thông qua triển khai các nhiệm vụ KH và CN cấp tỉnh, cấp bộ thì đến nay, các ưu đãi về cơ chế chính sách cũng chưa được các doanh nghiệp KH và CN của tỉnh khai thác. Ngoài 4 doanh nghiệp KH và CN, hiện nay tỉnh có khoảng 16 doanh nghiệp đã và đang tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH và CN cấp tỉnh, đây là một trong những điều kiện để có thể xem xét, tư vấn hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH và CN trong thời gian tới.
Có thể nói, số lượng doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp KH và CN của tỉnh hiện quá khiêm tốn so với tiềm năng thực tế. Đây cũng là thực trạng chung ở nhiều địa phương trên cả nước. Theo chuyên gia phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN, kết quả của các cuộc điều tra, số lượng các doanh nghiệp ở Việt Nam hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KHCN khoảng 3.000 doanh nghiệp vào năm 2020 song đến nay số lượng doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận còn quá ít. Nguyên nhân do sự trùng lặp các chính sách ưu đãi giữa các ngành nghề và lĩnh vực; thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hay thủ tục giao quyền các kết quả KH và CN có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước còn phức tạp; điều kiện về tỷ lệ doanh thu để chứng nhận và duy trì hiệu lực của Giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN là một thách thức đối với các doanh nghiệp mới khởi nghiệp hoặc các tập đoàn, công ty lớn kinh doanh đa ngành nghề… Bên cạnh những nguyên nhân chung, các doanh nghiệp của tỉnh phần lớn ở quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, chưa mạnh dạn đầu tư cho KH và CN. Thực tế các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhiều sản phẩm, dịch vụ nhưng sản phẩm đáp ứng điều kiện để cấp Giấy chứng nhận sản phẩm KH và CN lại không nhiều. Trong khi đó một số doanh nghiệp đủ điều kiện cũng “ngại” đăng ký doanh nghiệp KH và CN bởi để được công nhận, doanh nghiệp phải chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu KH và CN, giới thiệu quá trình ươm tạo và làm chủ công nghệ, đòi hỏi phải chia sẻ bí quyết công nghệ...
Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 569/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 nhằm đưa Việt Nam trở thành nước có công nghiệp hiện đại. Một trong những mục tiêu chiến lược đặt ra là đến năm 2030, số lượng doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp KH và CN tăng 2 lần so với năm 2020. Để đạt mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra giải pháp đó là “Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, triển khai các cơ chế, chính sách để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp KH và CN, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và sử dụng các giải pháp công nghệ cao, công nghệ mới, chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong nước thay cho nhập khẩu từ nước ngoài”. Trên cơ sở đó, Bộ KH và CN đang nghiên cứu xây dựng Chương trình Ươm tạo và phát triển doanh nghiệp KH và CN đến năm 2030 nhằm khuyến khích doanh nghiệp thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ và tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Với quan điểm xác định các doanh nghiệp KH và CN là đầu mối trong việc triển khai các hoạt động KH và CN của địa phương, thời gian tới, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, đào tạo tập huấn về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quá trình hình thành doanh nghiệp KH và CN; các chương trình ươm tạo công nghệ, chương trình ươm tạo doanh nghiệp KH và CN; thông tin cập nhật công nghệ trong và ngoài nước để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận thông tin một cách nhanh nhất, từ đó tạo động lực, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, tinh thần nghiên cứu và phát triển KHCN, ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh. Ưu tiên, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ KH và CN để có điều kiện ươm tạo doanh nghiệp KH và CN trên cơ sở tiếp tục tham mưu đề xuất sửa đổi những quy định về quản lý nhiệm vụ KH và CN theo hướng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản hình thành trong thực hiện nhiệm vụ KH và CN sử dụng ngân sách Nhà nước; thực hiện giao các kết quả nghiên cứu có sử dụng ngân sách Nhà nước cho các doanh nghiệp sản xuất thử nghiệm và thương mại. Có kế hoạch hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng quản trị doanh nghiệp hiện đại, kỹ năng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, kỹ năng chuyên môn sâu ở từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp có tiềm năng trở thành doanh nghiệp KH và CN. Tiếp tục tham mưu về điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách ưu đãi khuyến khích dành cho các doanh nghiệp KH và CN nhằm thu hút các doanh nghiệp đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH và CN. Thực hiện ươm tạo và hỗ trợ chứng nhận doanh nghiệp KH và CN thông qua các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ kinh phí chuyển giao và hoàn thiện công nghệ mới phục vụ sản xuất, nâng cao giá trị; hỗ trợ tư vấn hoàn thiện hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH và CN đối với các doanh nghiệp có đủ các điều kiện theo quy định. Tiếp tục có các chính sách ưu tiên, hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp KH và CN đã được chứng nhận tiếp cận, tham gia các đề án, chương trình, nhiệm vụ KH và CN, tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư, các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ trong và ngoài nước. Thường xuyên gặp gỡ trao đổi với doanh nghiệp để có những giải pháp tư vấn, hỗ trợ phù hợp, từ đó lan tỏa giá trị tích cực của doanh nghiệp KH và CN đến cộng đồng doanh nghiệp địa phương.