Giải pháp của Ấn Độ trước sức ép năng lượng từ Nga và Mỹ
Một trong những kết quả quan trọng từ chuyến thăm Washington của Thủ tướng Narendra Modi từ 12-14/2 là mở rộng hợp tác năng lượng giữa Ấn Độ và Mỹ trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại cuộc gặp ở Washington ngày 13/2. Ảnh: ANI/TTXVN
Trong tuyên bố chung, ông Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump tái khẳng định cam kết tăng cường thương mại năng lượng song phương, trong đó Mỹ đóng vai trò nhà cung cấp chủ chốt về dầu thô, các sản phẩm dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho Ấn Độ.
Từ năm 2016, khi Thủ tướng Modi công bố tầm nhìn về một nền kinh tế dựa vào khí đốt, chiến lược này không chỉ nhằm giảm ô nhiễm, đa dạng hóa nguồn cung năng lượng mà còn giúp củng cố an ninh năng lượng dài hạn, đồng thời giữ vững tính tự chủ chiến lược của Ấn Độ.
Năm 2025 đánh dấu thời điểm quan trọng khi bối cảnh năng lượng toàn cầu ngày càng phức tạp. Mỹ đang đẩy mạnh xuất khẩu khí đốt, trong khi Nga, nhà cung cấp dầu mỏ lâu năm của Ấn Độ, đối mặt với lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu, khiến hoạt động thương mại năng lượng trở nên khó khăn hơn.
Ấn Độ đặt mục tiêu tăng tỷ trọng khí đốt trong cơ cấu năng lượng từ 6,2% hiện nay lên 15% vào năm 2030. Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tiêu thụ khí đốt của Ấn Độ sẽ tăng gần 60%, đạt 103 tỷ m³/năm vào năm 2030.
Hiện tại, 50% nhu cầu khí đốt của Ấn Độ được đáp ứng bằng LNG nhập khẩu, khiến nước này phụ thuộc nhiều vào thị trường quốc tế. Dự kiến đến năm 2030, lượng nhập khẩu LNG sẽ tăng gấp đôi, đạt khoảng 65 tỷ m³/năm, đưa Ấn Độ trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn thứ tư thế giới. Tuy nhiên, sự phụ thuộc này cũng khiến New Delhi dễ bị tổn thương trước biến động giá cả, gián đoạn chuỗi cung ứng và rủi ro địa chính trị.
Cạnh tranh LNG: Mỹ và Nga đẩy mạnh thỏa thuận với Ấn Độ

Một cơ sở khai thác khí đốt ở gần thành phố Novy Urengoi, Nga. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Mỹ và Ấn Độ đang tìm kiếm các hợp đồng LNG dài hạn, mở rộng hợp tác công nghệ và đầu tư vào cơ sở hạ tầng dầu khí. Việc tăng cường quan hệ năng lượng không chỉ giúp Ấn Độ đảm bảo an ninh năng lượng, mà còn phù hợp với tham vọng chuyển đổi sang nền kinh tế dựa vào khí đốt của New Delhi.
Trong khi đó, bất chấp sức ép từ phương Tây, Nga vẫn tích cực tiếp cận Ấn Độ với tư cách một khách hàng LNG tiềm năng. Moskva đang chào bán khí đốt từ dự án Arctic LNG 2, nhưng các công ty Ấn Độ tỏ ra thận trọng do rủi ro địa chính trị và tài chính liên quan đến lệnh trừng phạt. Các cuộc đàm phán giữa doanh nghiệp hai nước vẫn đang diễn ra.
Chuyến thăm Mỹ của ông Modi cho thấy New Delhi ưu tiên tìm kiếm các hợp đồng LNG có điều khoản linh hoạt, giá cả cạnh tranh và đảm bảo tính bền vững dài hạn.
Cả Mỹ và Nga đều có những lợi thế và thách thức riêng khi cung cấp LNG cho Ấn Độ.
Đối với LNG Mỹ: Nguồn cung ổn định, sản lượng ngày càng tăng. Tuy nhiên có hạn chế do giá cao hơn, chi phí vận chuyển đắt đỏ và điều khoản hợp đồng kém linh hoạt. Hiện tại, vận chuyển LNG từ Bờ Vịnh Mỹ đến Ấn Độ tốn khoảng 1,61 USD/MMBtu, tương đương với khoảng 20m3 khí LNG (tính đến tháng 2/2024).
Đối với LNG Nga: Chi phí vận chuyển thấp hơn, do vị trí địa lý gần hơn. Giá cạnh tranh hơn do Nga tìm kiếm khách hàng thay thế châu Âu. Tuy nhiên, hạn chế do bất ổn địa chính trị và rủi ro liên quan đến lệnh trừng phạt của phương Tây.
Sự phụ thuộc quá mức vào một nhà cung cấp tiềm ẩn nhiều rủi ro: Mỹ có thể thay đổi chính sách năng lượng dưới thời Tổng thống Trump, trong khi Nga vẫn đối mặt với bất ổn liên quan đến lệnh trừng phạt.
Giải pháp cân bằng của Ấn Độ
Sau các cuộc thảo luận với ông Trump, Ấn Độ vẫn kiên trì theo đuổi chiến lược cân bằng giữa đa dạng hóa nguồn cung và đảm bảo an ninh năng lượng.
Trong khi tiếp tục đàm phán các hợp đồng LNG dài hạn với giá cạnh tranh, Ấn Độ đặt ra ngưỡng giá khả thi cho các nhà máy điện khí ở mức 8-10 USD/MMBtu, thấp hơn đáng kể so với mức giá LNG giao ngay tại Bắc Á (khoảng 16 USD/MMBtu).
Nhằm tối ưu hóa chi phí, tập đoàn khí đốt nhà nước GAIL India đang hồi sinh kế hoạch mua cổ phần tại một nhà máy LNG ở Mỹ, phù hợp với quyết định mới của Washington về việc nới lỏng các hạn chế phê duyệt xuất khẩu LNG.
Mặt khác, New Delhi vẫn duy trì các cơ chế tài chính thay thế để duy trì hợp tác năng lượng với Nga bất chấp lệnh trừng phạt, bao gồm việc thanh toán bằng đồng nội tệ. Trước đây, Ấn Độ và Nga đã từng áp dụng phương thức này và các cuộc thảo luận gần đây cho thấy sự quan tâm trở lại nhằm né tránh các hạn chế giao dịch bằng đồng USD.
Ngoài Mỹ và Nga, Ấn Độ cũng đang mở rộng hợp tác với các nhà cung cấp LNG từ Trung Đông, châu Phi và Australia nhằm giảm thiểu rủi ro từ việc phụ thuộc vào một nguồn duy nhất.
Hợp tác năng lượng với Nga cũng không chỉ dừng ở LNG, mà còn mở rộng sang dầu mỏ, than đá và năng lượng hạt nhân. Các công ty Nga vẫn tham gia vào các dự án thăm dò dầu khí tại Ấn Độ, trong khi đàm phán về việc mở rộng xuất khẩu LNG vẫn đang diễn ra.
Tóm lại, trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu biến động, chiến lược của Ấn Độ không chỉ là chọn giữa Mỹ hay Nga, mà là xây dựng một danh mục năng lượng đa dạng, linh hoạt và bền vững.