Giải nghĩa 'thắng lợi' gia nhập CPTPP của Anh
Việc gia nhập CPTPP được coi là một thắng lợi lớn cho chiến lược 'toàn cầu hóa hậu Brexit' của Anh. Tuy nhiên, thắng lợi này là chưa đủ để gỡ bỏ những khó khăn kinh tế hiện tại của nước này.
Theo trang mạng HK01, Vương quốc Anh đã chính thức trở thành nước thành viên thứ 12 của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và cũng là quốc gia châu Âu đầu tiên tham gia hiệp định này. Chính phủ Anh tuyên bố rằng việc tham gia CPTPP sẽ mang lại cho nền kinh tế quốc gia 2 tỷ GBP (2,54 tỷ USD) mỗi năm và tăng thêm 1 tỷ GBP vào tiền lương của các hộ gia đình.
Hơn nữa, việc gia nhập CPTPP được coi là một thắng lợi lớn cho chiến lược “toàn cầu hóa hậu Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu)” của Anh. Tuy nhiên, những con số này, nghe có vẻ đáng khích lệ, nhưng không đủ để giúp gỡ bỏ những khó khăn kinh tế hiện tại của nước Anh.
Theo số liệu của Bộ Tài chính Anh, nền kinh tế đã chịu thiệt hại lên tới 40 tỷ GBP mỗi năm sau Brexit, trong khi đó, mức tăng 2 tỷ GBP do CPTPP mang lại chỉ đủ giảm 5% thiệt hại do Brexit gây ra.
CPTPP, do các nước châu Á - Thái Bình Dương dẫn đầu, nhằm mục đích thúc đẩy tự do hóa thương mại tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Suy cho cùng, lợi ích kinh tế của việc Anh tham gia CPTPP chủ yếu dựa vào giảm thuế và xuất khẩu mở rộng. Tuy nhiên, lợi ích thực tế của CPTPP đối với các lĩnh vực xuất khẩu cốt lõi của Anh là có hạn. Hầu hết các thành viên CPTPP là những nền kinh tế mới nổi ở châu Á - Thái Bình Dương, nên chính sách giảm thuế đối với các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp dường như có lợi. Trong khi đó, đối tác thương mại chính của Anh là Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. So với các nước này, những thành viên CPTPP chiếm chưa đến 8% tổng kim ngạch thương mại của Anh.
Hơn nữa, trong bối cảnh Anh đã đạt được thỏa thuận thương mại với tất cả các thành viên CPTPP ngoại trừ Brunei và Malaysia, việc gia nhập CPTPP sẽ mang lại những lợi ích thuế quan bổ sung hạn chế cho nước này. Nói cách khác, CPTPP không thể bù đắp một cách hiệu quả cho thị trường châu Âu mà Anh đã mất do Brexit, cũng như không thể thu hẹp khoảng cách lớn mà hiệp định thương mại tự do Mỹ-Anh chưa thể đạt được.
Theo số liệu năm 2022, khối lượng và tỷ trọng thương mại của Anh với các đối tác thương mại lớn bao gồm Mỹ: 279,2 tỷ GBP (chiếm 16,3%), Đức: 138,2 tỷ GBP (chiếm 8,0%), Hà Lan: 119,4 tỷ GBP (chiếm 7,0%), Trung Quốc: 111 tỷ GBP (chiếm 6,5%), Pháp: 94,5 tỷ GBP (chiếm 5,5%).
Vậy tại sao Anh vẫn chọn tham gia CPTPP? Nhiều chuyên gia cho rằng, sau Brexit, để giảm bớt tác động tiêu cực và định hình lại hình ảnh nước lớn thế giới, Anh đã đề xuất khái niệm ngoại giao “Nước Anh toàn cầu”. Đây là một cách tự giải cứu mang tính chiến lược điển hình. Anh cần định hình lại hình ảnh kinh tế quốc tế sau Brexit và CPTPP mang lại cho Anh sân chơi “toàn cầu hóa” dường như khá tốt. CPTPP đã trở thành cửa ngõ để Anh tiến vào thị trường châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn hơn.
Hơn nữa, trong nửa đầu thế kỷ XXI, một nửa trong số 2,3 tỷ người thuộc tầng lớp trung lưu trên thế giới sẽ sống ở châu Á - Thái Bình Dương. Anh mong muốn nhận được một phần lợi tức tăng trưởng trong khu vực. Bằng việc tham gia hiệp định kinh tế và thương mại cấp cao này, Anh muốn gửi tín hiệu tới bên ngoài rằng bản thân vẫn là nền kinh tế mở và kết nối với thế giới. Tuy nhiên, liệu ý nghĩa biểu tượng này có thể chuyển hóa thành lợi ích kinh tế thực tế hay không, e rằng ngay cả Chính phủ Anh cũng không chắc chắn.
Từ góc độ tính toán địa chính trị, rõ ràng với tư cách nước lớn châu Âu truyền thống, Anh đã dần nghiêng về châu Á - Thái Bình Dương sau Brexit, đây không phải là một lựa chọn thuần túy về kinh tế. Bằng cách tham gia CPTPP, Anh đang cố gắng tìm kiếm tiếng nói lớn hơn ở châu Á - Thái Bình Dương.
Đối với Anh, việc tham gia CPTPP có thể là lựa chọn chiến lược bắt buộc, trong khi đối với CPTPP, đó là một thử nghiệm nhằm thu hút các nước ngoài châu Á - Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh ông Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng và cảnh báo sẽ áp thêm thuế quan trên toàn thế giới, việc duy trì hệ thống thương mại đa phương với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) làm cốt lõi có ý nghĩa rất lớn. Các hiệp định thương mại tự do mang tính khu vực mà Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và CPTPP làm đại diện là những công cụ đắc lực thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và ứng phó với làn sóng chống toàn cầu hóa.
Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ rằng việc tham gia CPTPP là bước quan trọng trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế. Trung Quốc không chỉ là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới mà còn là đối tác thương mại quan trọng của các nước thành viên CPTPP. Việc Trung Quốc gia nhập CPTPP sẽ tiếp thêm sức sống kinh tế lớn cho hiệp định và thúc đẩy hơn nữa sự hội nhập kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương./.