Giải ngân vốn đầu tư công các tỉnh ĐBSCL thấp hơn bình quân cả nước

Chiều ngày 16/5, sau chuyến khảo sát thực tế tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ, đã có buổi làm việc với các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL để kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại TP Cần Thơ.

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về tình hình giải ngân vốn đầu tư công ở 8 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL gồm: Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu và Kiên Giang: Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022 cho 8 tỉnh, thành phố với tổng số vốn hơn 39.760 tỷ đồng. Đến nay theo báo cáo từ các địa phương đã phân bổ chi tiết hơn 85%), trong đó số vốn ngân sách Trung ương hơn 9.900 tỷ đồng (đã phân bổ 100%), tổng số vốn ODA hơn 3.190 tỷ đồng (đã phân bổ hơn 78%), tổng số vốn ngân sách địa phương hơn 26.600 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tất cả 8 địa phương ở ĐBSCL gồm: TP Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang và Bạc Liêu đã phân bổ chi tiết 100% số vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Đối với tình hình triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các địa phương đã tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Để giải ngân vốn đầu tư công, các địa phương đã thành lập các tổ công tác thúc đẩy tiến độ thực hiện, thường xuyên tổ chức các cuộc họp, làm việc với các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án nhằm nắm bắt tình hình thực hiện dự án, rà soát các khó khăn, vướng mắc để kịp thời có hướng xử lý, giải quyết.

Bên cạnh đó, một số địa phương còn thành lập các Tổ công tác chuyên đề, Ban chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức phát động thi đua đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm của các sở, ban ngành, địa phương, các chủ đầu tư, tạo động lực nhằm phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Theo Bộ KH&ĐT, tổng số vốn ngân sách nhà nước của 8 địa phương đã giải ngân tính đến 30/4 hơn là 5.700 tỷ đồng, đạt 14,2%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước là 15,08%, cao hơn 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương trong nước giải ngân đạt 11,8%, thấp hơn bình quận chung cả nước là 16,13%, thấp hơn 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với nguồn vốn ODA nước ngoài đã giải ngân đạt 0,9%, thấp hơn bình quân chung cả nước là 4,1%, thấp hơn 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Ước giải ngân 5 tháng của 8 địa phương tính đến 30/5 khoảng 7.600 tỷ đồng, đạt 18,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn mức bình quân chung cả nước là 20,61%, nhưng cao hơn 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, tình trạng giá cả nguyên nhiên liệu và vật liệu xây dựng tăng cao đột biến, đặc biệt giá thép, cát xây dựng tăng mạnh so với dự toán được duyệt dẫn đến việc các nhà thầu thi công xây dựng chậm triển khai thực hiện các gói thầu đã có kết quả trúng thầu. Bên cạnh đó, người dân khiếu nại về giá bồi thường, không đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng khó khăn trong di dời các công trình tiện ích, tranh chấp về đất đai, thủ tục thu hồi đất.

Để giải ngân vốn đầu tư công tốt trong thời gian tới, theo Bộ KH&ĐT, đối với các Ban quản lý, chủ đầu tư cam kết về tiến độ cũng như đảm bảo nhân lực, thiết bị thi công, vật tư phục vụ trong việc thực hiện hoàn thành gói thầu. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, thành phố về tiến độ giải ngân vốn trong trường hợp không đạt tỷ lệ giải ngân như kế hoạch đã đề ra. Đồng thời, khẩn trương nghiệm thu các hạng mục đã hoàn thành, đẩy nhanh công tác nghiệm thu, thanh toán gửi đến cơ quan kiểm soát chi, không để dồn vào cuối năm.

Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư; tăng cường phân cấp, ủy quyền, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; coi kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể, cá nhân liên quan.

Tại buổi làm việc, một số địa phương trong vùng ĐBSCL kiến nghị nhiều vấn đề để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện việc giao ban định kỳ hàng tháng về giải ngân đầu tư công để phát hiện các tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; bám sát diễn biến thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường; xử lý nghiêm các cá nhân trong đơn vị cố tình cản trở, gây khó khăn làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại buổi làm việc các tỉnh, thành ĐBSCL về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại buổi làm việc các tỉnh, thành ĐBSCL về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái lưu ý, các địa phương phải linh hoạt điểu chuyển vốn sang các dự án có khả năng thực hiện. Còn điều chuyển không được thì phải cắt từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ bộ ngành này sang bộ ngành khác. Chủ đầu tư nào không làm được thì phải nêu rõ, chính phủ cũng vậy, cứ nói đi nói lại hoài cũng lờn đi.

Đối với các đề xuất của các địa phương Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề nghị các đơn vị Bộ ngành và các địa phương phối hợp chặt chẽ với nhau để có hướng giải quyết hợp lý, kịp thời.

Riêng đối với TP Cần Thơ Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho rằng, dự án chỉnh trang đô thị, tăng cường ứng phó biến đổi khí hậu, thấy thực địa đường xá đẹp, nhân dân quan tâm, đề nghị TP Cần Thơ thực hiện đúng cam kết góp phần cải thiện vốn ODA ở TP Cần Thơ. Riêng dự án Bệnh viện Ung bướu, Bộ Tài chính nhanh chóng phối hợp với Hungari xác định điều chỉnh hợp đồng vay phù hợp, thống nhất. Bộ Y tế cũng phải giúp cho TP Cần Thơ trong việc xác định chất lượng thiết bị được đảm bảo cho bệnh viện này…

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề nghị các kiến nghị của các tỉnh, cái nào khó, chưa yên tâm thì phải báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng nhấn mạnh: Quá trình thực hiện giải ngân lưu ý không vì có sai phạm mà sợ. Cần thận trọng, làm phải kiểm tra kiểm soát, chống lợi ích tác động một cách không bình thường. Thời gian tới làm sao chúng ta thực hiện bằng được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu giải ngân 100% vốn, ít nhất cao hơn năm 2021…

Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ bị chậm tiến độ được chỉ đạo khẩn trương tháo gỡ khó khăn sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ bị chậm tiến độ được chỉ đạo khẩn trương tháo gỡ khó khăn sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Trước đó, sáng cùng ngày Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra hiện trường một số dự án đầu tư công trên địa bàn TP Cần Thơ như dự án đường nối từ đường Cách Mạng Tháng Tám đến Đường tỉnh 918 (thuộc dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị) và dự án bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ.

Qua chuyến khảo sát, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu, Cần Thơ đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công các công trình; tập trung giải ngân các nguồn vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm mang tính đột phá để phát triển thành phố cũng như tạo sức lan tỏa để phát triển kinh tế, xã hội của toàn vùng.

Quốc Trung

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-cac-tinh-dbscl-thap-hon-binh-quan-ca-nuoc-5686521.html
Zalo