Giải ngân đầu tư công thấp hơn bình quân cả nước, TP HCM nói gì?

Tính đến ngày 9/8, TP HCM giải ngân được 13.218 tỷ đồng vốn đầu tư công, trên tổng số 79.263 tỷ đồng, đạt 16,7%, thấp hơn bình quân chung của cả nước và thấp hơn chỉ tiêu 6 tháng của thành phố (30%).

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi báo cáo tại Hội nghị - Ảnh: VGP

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi báo cáo tại Hội nghị - Ảnh: VGP

Báo cáo tại buổi làm việc về kết quả kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội ngày 10/8, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, GRDP thành phố 6 tháng đầu năm ước tăng 6,46% so với cùng kỳ, cao nhất từ năm 2020 đến nay, đóng góp 19,64% vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 7 tháng năm 2024 là 309.000 tỷ đồng, đạt gần 64% dự toán năm, tăng gần 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 7, các lĩnh vực kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tăng 10% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu tăng 5,9% so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 6,2% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 8,4%. Ngành du lịch tiếp tục duy trì phát triển và đạt mức tăng trưởng cao với tổng doanh thu du lịch tăng 15,4%; khách quốc tế đến thành phố tăng 30,3% so với cùng kỳ.

TP HCM đã tổ chức đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, tập trung tìm cách tháo gỡ các dự án vướng mắc pháp lý, tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp" xuyên Tết các công trình giao thông trọng điểm như: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3; Dự án xây dựng nút giao thông An Phú, TP. Thủ Đức; Dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, quận Tân Bình; Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50…

Thành phố cũng đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồ sơ Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được tiếp thu, giải trình theo Báo cáo thẩm định quy hoạch; đã hoàn thiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 trình Bộ Xây dựng.

Tập trung cao để giải ngân đầu tư công

Tuy nhiên, người đứng đầu UBND TP HCM nhìn nhận, thành phố còn một số hạn chế như năng lực hấp thụ vốn, giải ngân đầu tư công chưa đạt. Một số cơ chế, chính sách đột phá theo Nghị quyết 98 nhằm khơi dậy tiềm năng, huy động nguồn lực chậm đi vào cuộc sống.

Về kết quả giải ngân đầu tư công, theo ông Mãi, tính đến ngày 9/8, thành phố giải ngân được 13.218 tỷ đồng trên tổng số 79.263 tỷ đồng, đạt 16,7%. Kết quả này thấp hơn bình quân chung của cả nước và thấp hơn chỉ tiêu 6 tháng của thành phố (30%).

Nguyên nhân là do giải quyết một số thủ tục liên quan đến đầu tư công như quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thủ tục dự án còn chậm. Nhiều dự án lớn chờ áp dụng luật mới, như Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/8/2024, Luật Đấu thầu có hướng dẫn từ tháng 4/2024.

Một số dự án lớn có vướng mắc về mặt pháp lý như dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng. Một số dự án có sử dụng cát san lấp trong hợp phần xây dựng, ví dụ như đường Vành đai 3 chậm nên ảnh hưởng đến khối lượng.

Về nhiệm vụ thời gian tới, TP HCM sẽ tập trung thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng, của Thường trực Chính phủ về đẩy nhanh đầu tư công. Tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư và các bên có liên quan, tăng cường kiểm tra xử lý các phát sinh, xử lý trách nhiệm và vận hành tổ chuyên trách của UBND TPHCM để theo dõi nhắc việc hằng ngày và kịp thời giải quyết.

TP HCM phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công cả năm đạt 95% theo các mốc sau: Tháng 8 phấn đấu đạt 16.200 tỷ đồng, đạt 20,4%; tháng 9 đạt 21.300 tỷ đồng, đạt 26,9%; tháng 10 đạt 30.400 tỷ đồng, đạt 38,4%; tháng 11 đạt 35.700 tỷ đồng, đạt 57,8%; tháng 12 đạt 68.000 tỷ đồng, đạt 85,9%; tháng 1/2025 đạt 74.900 tỷ, đạt 94,6%.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/giai-ngan-dau-tu-cong-thap-hon-binh-quan-ca-nuoc-tp-hcm-noi-gi-32252.html
Zalo