Giải mã ý đồ của Nga khi treo 2 tên lửa Kh-59M2 bên ngoài siêu tiêm kích Su-57

Video được công bố hôm 19/10 cho thấy, máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 của Nga mang theo hai tên lửa Kh-59M2. Điều này đã làm dấy lên nhiều tranh cãi bởi thông thường máy bay chiến đấu tàng hình được thiết kế để mang vũ khí bên trong vì việc lắp đặt vũ khí trên giá treo bên ngoài sẽ làm tăng đáng kể tiết diện radar (RCS) và giảm khả năng tàng hình của chúng.

Một số nhà phân tích đã đặt câu hỏi tại sao chiến đấu cơ Su-57 lại được trang bị vũ khí ở bên ngoài thay vì đặt ở bên trong. Nhiều người suy đoán, tên lửa Kh-59M2 có lẽ không được thiết kế để mang trong khoang máy bay. Kích thước của nó không vừa vặn với khoang bom bên trong của Su-57. Tuy vậy, Kh-59M2 có một phiên bản khác là Kh-59Mk2, được thiết kế để mang bên trong chiến đấu cơ này.

Tiêm kích Su-57 mang theo 2 tên lửa Kh-59M2 (Ảnh: X)

Tiêm kích Su-57 mang theo 2 tên lửa Kh-59M2 (Ảnh: X)

Một điểm đáng lưu ý là máy bay chiến đấu tàng hình có các giá treo cứng bên ngoài và đôi khi chúng buộc phải mang theo vũ khí ở bên ngoài để thực hiện một nhiệm vụ tác chiến nào đó. Việc mang vũ khí bên ngoài có thể thuận tiện khi Su-57 hoạt động trong không phận không có tranh chấp, nơi đối phương không có radar, máy bay chiến đấu hoặc tên lửa có thể phát hiện và nhắm bắn chiến đấu cơ này. Trong môi trường như vậy, máy bay chiến đấu tàng hình sẽ hoạt động hiệu quả hơn.

Gia tăng khả năng sát thương

Vũ khí lắp đặt bên trong khoang máy bay thường có kích thước nhỏ hơn vũ khí lắp đặt bên ngoài. Với kích thước hạn chế, chúng chỉ mang được những đầu đạn có trọng lượng nhỏ. Giới phân tích cho rằng, nhiều khả năng tên lửa Kh-59Mk2 có đầu đạn nhẹ hơn so với tên lửa Kh-59M2 và do đó, ít gây sát thương hơn.

Tên lửa tàng hình Kh-59MK2 mặc dù được biết đến như vũ khí dành cho tiêm kích thế hệ năm Su-57, tuy nhiên nó hoàn toàn có thể được mang bởi nhiều chiến đấu cơ khác. Kh-59MK2 là phiên bản nâng cấp của tên lửa Kh-59, được trang bị công nghệ tàng hình. Tên lửa này có chiều dài 4,2m, sải cánh rộng 2,45m, trọng lượng khi phóng là 770kg và đầu đạn nặng 310kg. Nhưng khả năng cơ động của Kh-59MK2 còn hạn chế. Tên lửa chỉ có thể tấn công các mục tiêu cố định trên mặt đất với tọa độ chính xác.

Máy bay chiến đấu tàng hình có thể phóng tên lửa và bom lượn tàng hình. Nếu sử dụng vũ khí không tàng hình thì vị trí của chúng rất dễ bị phát hiện. Ngoài ra, việc sử dụng tên lửa và bom lượn không tàng hình sẽ làm giảm những lợi ích mà chiến đấu cơ có được khi xâm nhập không phận đang tranh chấp để phóng vũ khí.

Các loại vũ khí tàng hình thường có hình dạng đặc biệt, như thiết kế hình hộp hoặc hình chữ nhật, gây áp lực cho giá đỡ bên trong, do đó buộc phải giảm kích thước đầu đạn. Do có hình dạng đặc biệt và sử dụng vật liệu chuyên dụng để giảm tín hiệu radar, giúp gia tăng khả năng tàng hình, Kh-59Mk2 có thể có giá thành đắt đỏ hơn nhiều so với Kh-59M2. Vì vậy, việc tích hợp tên lửa Kh-59Mk2 ở bên ngoài chiến đấu cơ Su-57 sẽ là một sự lãng phí.

Kho dự trữ hạn chế

Việc tích hợp vũ khí bên ngoài máy bay chiến đấu tàng hình khi chúng hoạt động trong không phận không có có tranh chấp sẽ giúp giảm chi phí và tăng khả năng sát thương.

Theo các nhà phân tích, một lý do khác khiến Nga buộc phải gắn tên lửa Kh-59M2 bên ngoài máy bay Su-57 là bởi kho dự trữ vũ khí mang bên trong khoang máy bay của nước này đang dần cạn kiệt. Nga hiện đang gặp nhiều thách thức lớn trong quá trình phát triển và nâng cấp Su-57 do các biện pháp trừng phạt mạnh tay của phương Tây.

Su-57 lần đầu tiên cất cánh vào năm 2010, nhưng trong những năm gần đây, Nga mới bắt đầu đẩy mạnh quá trình phát triển các loại vũ khí mang bên trong khoang máy bay này.

Kh-59Mk2 là loại tên lửa mới được phát triển. Số lượng tên lửa này trong kho vũ khí của Nga rất ít. Trong khi đó, kho dự trữ tên lửa Kh-59M2 của Nga lại khá lớn vì chúng ít được triển khai kể từ khi Kh-59Mk2 đi vào hoạt động.

Su-57 được cho là đã thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến đấu tại Ukraine ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt. Trong một số trường hợp, chiến đấu cơ này đã phóng tên lửa Kh-59Mk2 tấn công các mục tiêu của Ukraine.

Theo phương tiện truyền thông Nga, Su-57 đã phóng tên lửa Kh-59Mk2 phá hủy tháp truyền hình ở Kharkov và một cơ sở quân sự của Ukraine ở khu vực Nikolaev.

Tên lửa Kh-59Mk2 của Nga (Ảnh: X)

Tên lửa Kh-59Mk2 của Nga (Ảnh: X)

Ngoài việc xâm nhập không phận Ukraine ở chế độ tàng hình hoàn toàn để tấn công bằng tên lửa, lực lượng hàng không vũ trụ Nga cũng sử dụng Su-57 để yểm trợ các cuộc tiến công của bộ binh.

Hồi tháng 7/2024, Tập đoàn Máy bay Thống nhất (UAC) của Nga cho biết, Su-57 cùng với Su-34 và Su-35 đã hợp thành một mạng lưới liên kết chiến đấu trung tâm. Việc sử dụng chung ba loại máy bay này tạo điều kiện cho Nga có thể đưa ra phản ứng toàn diện đối với các mối đe dọa mới. Mối liên kết như vậy sẽ không bắt buộc Su-57 phải xâm nhập vào không phận đang có tranh chấp.

Nhiều khả năng, khi hoạt động ngoài không phận đang có tranh chấp, Su-57 cố tình che giấu tín hiệu radar của máy bay bằng cách mang theo vũ khí lắp đặt ở bên ngoài. Các loại vũ khí này cũng có thể được sử dụng để tấn công bất kỳ mục tiêu nào ở gần mặt trận trong trường hợp khả thi.

Các nhà phân tích cho rằng, diện tích phản xạ radar (RCS) của chiến đấu cơ Su-57 khi được trang bị tên lửa Kh-59M2 bên ngoài sẽ dễ dàng đánh lừa radar mặt đất của Ukraine và radar của Máy bay cảnh báo và kiểm soát trên không (AWACS) không do Mỹ/NATO vận hành. RSC của Su-57 khi lắp đặt tên lửa Kh-59M2 ở bên ngoài sẽ khác biệt nhiều so với RCS của Su-57 được trang bị tên lửa Kh-59Mk2 bên trong.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Eurasia Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/giai-ma-y-do-cua-nga-khi-treo-2-ten-lua-kh-59m2-ben-ngoai-sieu-tiem-kich-su-57-post1130035.vov
Zalo