Giải mã kế hoạch tinh vi trong vụ máy nhắn tin của Hezbollah phát nổ

Chất nổ, phần mềm độc hại có thể đã được cài cắm một cách tinh vi vào hàng loạt máy nhắn tin của lực lượng Hezbollah khiến chúng phát nổ.

Hàng loạt máy nhắn tin của hàng nghìn chiến binh Hezbollah mang theo đã phát nổ cùng lúc vào chiều 17-9. Vụ việc khiến 11 người chết và gần 2.800 người bị thương trên khắp Lebanon, tờ The Wall Street Journal đưa tin.

Nhóm Hồi giáo vũ trang Hezbollah và chính phủ Lebanon cáo buộc Israel đứng sau vụ việc và Hezbollah tuyên bố sẽ trả đũa. Israel hiện vẫn giữ im lặng về vụ việc này.

Chất nổ, phần mềm độc hại được cài cắm tinh vi

Mặc dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân vụ việc nhưng các chuyên gia độc lập về an ninh mạng đã nghiên cứu những video ghi lại cảnh máy nhắn tin phát nổ cho thấy rõ ràng sức mạnh và tốc độ của vụ nổ là do một loại vật liệu nổ gây ra.

Ông Mikko Hypponen - chuyên gia nghiên cứu tại công ty phần mềm WithSecure và là cố vấn về tội phạm mạng của Europol - cho rằng những máy nhắn tin này “có khả năng đã được sửa đổi theo cách nào đó để gây ra những vụ nổ như thế này, bởi quy mô và sức mạnh của vụ nổ cho thấy không chỉ có pin gây ra".

Cùng ý kiến, ông Oleg Brodt, Giám đốc Nghiên cứu, phát triển và đổi mới tại phòng thí nghiệm mạng của ĐH Ben-Gurion cho rằng vụ việc này là kết quả của một kế hoạch phức tạp. Theo ông, chiến dịch này liên quan đến việc cài cắm các thành phần bên trong máy nhắn tin, có thể chuyển tín hiệu thành kích nổ, tờ Jerusalem Post đưa tin.

 Người dân tụ tập quanh xe cứu thương chở những người bị thương do máy nhắn tin phát nổ tại Beirut (Lebanon) hôm 17-9. Ảnh: REUTERS

Người dân tụ tập quanh xe cứu thương chở những người bị thương do máy nhắn tin phát nổ tại Beirut (Lebanon) hôm 17-9. Ảnh: REUTERS

"Trong thế giới mạng, có một khái niệm được gọi là 'chuỗi cung ứng'. Nhiều cuộc tấn công xảy ra bằng cách xâm nhập chuỗi cung ứng. Một thiết bị điện tử, như máy nhắn tin chứa nhiều thành phần và mỗi thành phần có thể bị nhiễm phần mềm độc hại. Phần mềm độc hại này có thể được thiết kế để làm tăng nhiệt độ của thiết bị, gây ra sự cố, đốt cháy thiết bị hoặc thậm chí gây nổ" - ông Brodt nhận định.

Ông Brodt lưu ý rằng loại hoạt động này rất quen thuộc trong giới tình báo và đòi hỏi sự hợp tác đáng kể từ các tổ chức tham gia vào quá trình sản xuất. Các nhóm này đảm bảo rằng các thành phần độc hại được cài cắm hoặc thay thế mà không bị bên kiểm soát chất lượng phát hiện.

"Trong những trường hợp như vậy, điều cần thiết là phải thực hiện các thay đổi đối với thiết bị mà không gây nghi ngờ trong quá trình kiểm tra chất lượng" - ông Brodt nhấn mạnh.

Theo ông Brodt, một phương pháp làm máy nhắn tin phát nổ đồng loạt được biết đến với tên gọi là "công tắc chết chóc". Trong trường hợp này, phần mềm độc hại được thiết kế để kích nổ các thiết bị tại một thời điểm nhất định khi các thiết bị này cùng lúc nhận được thông báo.

Còn ông Michael Horowitz, lãnh đạo bộ phận tình báo của công ty tư vấn quản lý rủi ro và an ninh Le Beck International có trụ sở tại Trung Đông, cho rằng nguyên nhân có thể do phần mềm độc hại khiến pin của máy nhắn tin quá nóng và phát nổ hoặc do bộ sạc được đặt trong thiết bị và kích nổ từ xa.

“Dù bằng cách nào, đây cũng là một cuộc tấn công rất tinh vi. Đặc biệt nếu đây là một vụ xâm phạm về mặt vật lý, điều này có nghĩa là Israel có thể tiếp cận nhà sản xuất các thiết bị đó” - ông Horowitz cho hay.

Trong diễn biến liên quan, tờ The New York Times dẫn lời các một số quan chức có thông tin về vụ việc này, bao gồm quan chức Mỹ, cho biết Israel đã cài vật liệu nổ trong một lô máy nhắn tin mới do một công ty Đài Loan sản xuất được nhập khẩu vào Lebanon.

Hai quan chức trong số này cho biết, vật liệu nổ, chỉ nặng khoảng từ 28 đến 56 gram, được cài bên cạnh pin trong mỗi máy nhắn tin. Cạnh đó, một công tắc cũng đã được cài vào để kích nổ từ xa.

Ba quan chức khác cho biết các thiết bị này được lập trình để kêu bíp trong vài giây trước khi phát nổ. Chẳng thế mà vào chiều 17-9, một số máy nhắn tin kêu bíp, nhận được một tin nhắn. Ngay sau đó, tin nhắn đã kích hoạt chất nổ.

Tình báo Israel gây ra?

Ông Randa Slim, chuyên gia thuộc Viện Trung Đông - viện nghiên cứu có trụ sở tại Washington D.C (Mỹ), cho rằng chiến dịch tấn công này có quy mô lớn và dường như đã đi vào lịch sử và để thực hiện được nó thì đòi hỏi phải có sự lên kế hoạch và chuẩn bị chu đáo.

 Máy nhắn tin trong túi một người đàn ông phát nổ trong một siêu thị ở Beirut. Ảnh: REUTERS

Máy nhắn tin trong túi một người đàn ông phát nổ trong một siêu thị ở Beirut. Ảnh: REUTERS

“Nó gửi một thông điệp quan trọng đến giới lãnh đạo Hezbollah rằng, 'Chúng tôi (Israel) có thể đưa các người đến bất cứ đâu'. Và nó ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần (Hezbollah). Cuộc chiến ở biên giới không còn chỉ dừng ở biên giới nữa mà với vụ việc này, nó đã lan sang nhà cửa và các địa điểm mua sắm của Hezbollah trên khắp Lebanon” - ông Slim cho hay.

Ông Ronen Solomon, nhà phân tích tình báo độc lập chuyên tìm hiểu các hoạt động của Israel chống lại Hezbollah và Iran, cho rằng vụ nổ máy nhắn tin giống với những loại hoạt động do cơ quan tình báo Israel tiến hành, cụ thể là Mossad. Theo ông Solomon, Israel có thể muốn truyền tải thông điệp rằng họ có khả năng tấn công độc đáo.

Trước đây, Israel đã khai thác các thiết bị liên lạc để tiến hành các vụ ám sát. Vào những năm 1990, sau khi bị rung chuyển vì những trận bom của lực lượng Hamas, Israel đã giết chết kẻ chế tạo bom của Hamas - ông Yahya Ayyash bằng cách đặt một chất nổ vào điện thoại và kích nổ bên tai người này.

Hezbollah cũng đã từng thừa nhận có lỗ hổng trong mạng lưới liên lạc của mình. Hồi tháng 2, lãnh đạo Hezbollah - ông Hassan Nasrallah, đã kêu gọi các chiến binh của nhóm này bỏ dùng điện thoại thông minh vì Israel có thể sử dụng chúng để giám sát hoặc nhắm mục tiêu vào nhóm.

ĐỨC HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/giai-ma-ke-hoach-tinh-vi-trong-vu-may-nhan-tin-cua-hezbollah-phat-no-post810593.html
Zalo