Giải mã chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump

Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt mức thuế quan đối ứng đối với các quốc gia mà theo ông đang được hưởng lợi quá nhiều từ việc áp dụng mức thuế cao hơn đối với hàng hóa Mỹ. Động thái được dự báo sẽ có những tác động to lớn đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Mục tiêu của Tổng thống Donald Trump

Thuế quan là loại thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, do các nhà nhập khẩu Mỹ chứ không phải chính phủ nước ngoài trả. Ví dụ, nếu một công ty nhập khẩu thép Trung Quốc phải chịu thuế quan, công ty đó sẽ phải chịu thêm chi phí tại Hải quan Mỹ, thường được chuyển sang người tiêu dùng thông qua mức giá hàng hóa cao hơn. Tổng thống Donald Trump sử dụng thuế quan rộng rãi, nhắm vào thép, nhôm và nhiều mặt hàng nhập khẩu khác để bảo vệ các ngành công nghiệp Mỹ, thúc đẩy sản xuất trong nước và hạn chế phạm vi mở rộng của chủ nghĩa toàn cầu, vốn đã biến một số quốc gia thành điểm trung chuyển cho các tập đoàn đa quốc gia. Theo ông Trump, thuế quan cũng giải quyết thâm hụt mà Mỹ đang phải chịu, nơi nhập khẩu vượt xa xuất khẩu. Bằng cách tăng chi phí cho hàng hóa nước ngoài, theo ông Trump, có thể thúc đẩy sản xuất của Mỹ và thu hẹp sự chênh lệch đó.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, thuế quan được xem là một công cụ kinh tế, thúc đẩy chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” bằng cách ưu tiên các lợi ích của Mỹ, khẳng định sự thống trị thông qua sức mạnh kinh tế. Mỹ có ảnh hưởng rất lớn đối với kinh tế thế giới, bởi thị trường Mỹ đại diện cho một phần quan trọng trong xuất khẩu của nhiều quốc gia. Các nước, như Canada, Mexico và Trung Quốc hay nhiều nước khác phụ thuộc rất nhiều vào người tiêu dùng Mỹ - nhiều hơn so với Mỹ phụ thuộc vào các thị trường của họ. Khi Tổng thống Trump áp thuế đối với thép của Canada, Canada phải đối mặt với áp lực ngay lập tức để thích ứng, vì mất thương mại với Mỹ sẽ tạo ra rủi ro rất lớn đối với nền kinh tế Canada. Mexico đã buộc phải nhượng bộ trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ dưới các mối đe dọa thuế quan. Sự bất đối xứng này làm tăng sức mạnh cưỡng chế của thuế quan, buộc các nền kinh tế nhỏ hơn phải điều chỉnh thay vì chống lại.

Về mặt chiến lược, chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump có thể được giải thích là nhằm tăng cường an ninh quốc gia bằng cách giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia mà Washington coi là đối thủ cạnh tranh hàng đầu, như Nga và Trung Quốc, bảo đảm chuỗi cung ứng các mặt hàng quan trọng, như đất hiếm hoặc năng lượng. Đối với những người chỉ trích chủ nghĩa toàn cầu, thuế quan cung cấp một phương tiện để giành lại chủ quyền kinh tế, được tăng cường bằng các lợi ích tài chính.

Còn mơ hồ và có thể tác dụng ngược

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, động cơ kinh tế thực hiện chính sách thuế quan đối ứng của Tổng thống Donald Trump vẫn còn rất mơ hồ. Các phản ứng của nền kinh tế Mỹ, hoạt động thương mại của nhiều công ty hàng đầu Mỹ phải chịu tác động tiêu cực ngay sau khi Tổng thống Trump công bố mức thuế đối ứng có vẻ khá mâu thuẫn. Trong khi, các tác động của chính sách thuế quan đối với thâm hụt cán cân thương mại có thể là gián tiếp và không đáng kể.

Theo tờ Izvestia của Nga, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu lớn đối với các đối tác thương mại vào ngày 2/4, thị trường Mỹ đã suy giảm đáng kể. Trong 2 ngày, ngày 3-4/4, chỉ số Nasdaq Composite đã mất hơn 10%, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 8% và chỉ số S&P 500 mất 9%. Cổ phiếu này đã mất hơn 4 nghìn tỷ USD vốn hóa, đây là mức lỗ kỷ lục trong 2 ngày.

Apple bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong 2 ngày, công ty đã mất 16% giá trị và vốn hóa giảm xuống còn 2,8 nghìn tỷ USD. Các nhà máy của Apple đặt tại Trung Quốc, Ấn Độ và Đài Loan, nơi phải chịu mức thuế quan cao nhất. Điều này sẽ làm cho các sản phẩm đắt đỏ hơn, có thể dẫn đến doanh số giảm đáng kể. Ngoài ra, công ty còn phụ thuộc vào việc nhập khẩu linh kiện và kim loại phục vụ sản xuất công nghệ cao từ các quốc gia bị áp thuế cao hơn.

Hoạt động kinh doanh của Nvidia và Tesla cũng không nằm ngoài vùng bị chịu ảnh hưởng. Vốn hóa của các công ty này giảm 15% chỉ trong 2 ngày, xuống còn 2,3 nghìn tỷ USD và 779 tỷ USD.

Đối với giới phân tích, sự tập trung cứng nhắc của Chính quyền Tổng thống Donald Trump vào quy mô thâm hụt thương mại của Mỹ thực sự là điều khó hiểu. Bởi thực tế là, mức thâm hụt ngân sách lớn của Mỹ, đặc biệt là thâm hụt thương mại và ngân sách liên bang, đã góp phần tạo ra một dòng vốn lớn vào nền kinh tế Mỹ. Điều này xảy ra vì Mỹ phải vay mượn một lượng lớn tiền để tài trợ cho thâm hụt, và phần lớn khoản vay này được thực hiện bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ, đặc biệt là trái phiếu kho bạc Mỹ.

Sự tồn tại của một lượng lớn trái phiếu kho bạc Mỹ trên thị trường toàn cầu đã thúc đẩy nhu cầu đối với đồng USD. Các quốc gia và các tổ chức tài chính mua trái phiếu này để giữ trữ ngoại hối, đồng thời tạo ra sự ổn định cho nền kinh tế toàn cầu. Chính sự gia tăng nhu cầu về đồng USD trong quá trình này đã khiến đồng USD trở thành đồng tiền dự trữ chính và giữ vai trò quan trọng trong các giao dịch quốc tế.

Cộng đồng quốc tế đang chứng kiến một vòng chiến tranh thương mại mới đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu với mức độ có thể nghiêm trọng hơn lần trước đây. Mặc dù vẫn chưa rõ liệu các bước đi của Tổng thống Donald Trump có phải là nỗ lực tấn công quyết định trên mặt trận chiến tranh thương mại hay chỉ là một động thái nghi binh. Song thực tế là phương pháp tính thuế mới của Tổng thống Trump được nhiều chuyên gia cho rằng là rất lạ lẫm và không hoàn toàn phù hợp với bất kỳ khái niệm khoa học nào. Chính quyền Mỹ có thể đang muốn củng cố vị thế đàm phán của mình, tạo ra đòn bẩy đối với các đối tác trong khuôn khổ các cuộc đàm phán.

Bên cạnh đó, sự “im lặng” của cộng đồng thế giới trong việc phản ứng một cách thỏa đáng và kịp thời trước những hành động của Mỹ là điều đáng chú ý. Các bên đóng vai trò chủ chốt trong thương mại toàn cầu (chủ yếu là Liên minh châu Âu/EU và Trung Quốc), mặc dù đã tuyên bố các bước trả đũa, nhưng cho đến nay vẫn đang bám vào chiến thuật “chờ đợi và quan sát”, mà không đưa ra bất kỳ phản ứng đặc biệt nào đối với quyết định của Chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Ngoài ra, lập trường của các định chế chính quản lý kinh tế toàn cầu, những tổ chức vẫn giữ im lặng và không vội chỉ trích hành động của Mỹ. Ngày 3/4, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã đưa ra tuyên bố khá chung chung nhằm kêu gọi Mỹ và các đối tác thương mại hợp tác mang tính xây dựng để giải quyết căng thẳng thương mại và giảm thiểu rủi ro bất ổn. Hơn ai hết, các tổ chức này hiểu được hậu quả mà một cuộc chiến tranh thương mại có thể gây ra cho cả nền kinh tế Mỹ và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Do đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là các bên cần phải tiến hành đàm phán một cách xây dựng, hợp tác, nhằm tìm kiếm giải pháp phù hợp để hạ nhiệt tình hình.

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giai-ma-chinh-sach-thue-quan-cua-tong-thong-donald-trump-244887.htm
Zalo