Giải mã các điểm đặc biệt trong Công ước Hà Nội về tội phạm mạng
Lần đầu tiên có một công ước quốc tế mang tên một TP của Việt Nam - Công ước Hà Nội, hàm chứa nhiều ý nghĩa quan trọng mang tính thời đại với cộng đồng quốc tế.
Chiều 24-12 (tức sáng 25-12 giờ Việt Nam), Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua bằng đồng thuận Công ước LHQ về tội phạm mạng, sẽ có tên gọi là Công ước Hà Nội.
GS - Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật quốc tế của LHQ (ILC), nói với Pháp Luật TP.HCM: Đây là một nỗ lực quan trọng của cộng đồng quốc tế, trong đó có vai trò quan trọng của Việt Nam (VN) nhằm ứng phó với các mối đe dọa ngày càng tăng về số lượng, mức độ nguy hiểm, lẫn mức độ thiệt hại trên không gian mạng.
Công ước Hà Nội trong “thế giới phẳng”
. Phóng viên: Thưa đại sứ, Công ước Hà Nội (sau đây gọi là công ước) có tầm quan trọng như thế nào trong “thế giới phẳng” hiện nay?
+ GS - Đại sứ Nguyễn Hồng Thao: Công ước Hà Nội thật sự là thông tin rất phấn khởi, giống như “món quà Giáng sinh” dành cho VN sau nhiều nỗ lực đóng góp trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Công ước là “quả ngọt” sau bốn năm thương thuyết, đàm phán liên tục kể từ năm 2021 giữa các quốc gia thành viên, nhằm xây dựng một khuôn khổ pháp lý đa phương toàn diện để đấu tranh với tội phạm mạng đang ngày càng phức tạp, nguy hiểm và lan rộng.
Công ước Hà Nội ra đời trong bối cảnh Internet hiện là thành tựu khoa học lớn của nhân loại, đã góp phần làm biến đổi phương pháp làm việc và giao tiếp giữa con người, dân tộc, quốc gia, cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, Internet cũng tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các thế lực xấu lợi dụng tấn công vào các thiết chế nhà nước, chủ quyền quốc gia, đời sống riêng tư của từng cá nhân cũng như hoạt động của các doanh nghiệp.
Theo dự báo thiệt hại do tội phạm mạng gây ra cho nền kinh tế thế giới lên đến khoảng 10.500 tỉ USD vào năm 2025. Theo Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), số lượng tội phạm mạng đã tăng trung bình 75% mỗi năm tính tới quý IV-2024. Năm 2022, 27 cơ quan thành viên Chính phủ Costa Rica bị tấn công mất mạng hàng tháng trời. Năm 2023, một nhân viên của tập đoàn ở Hong Kong đã chuyển 25,6 triệu USD sau khi nhận được chỉ dẫn qua mạng Zoom của một đồng nghiệp.
Lần đầu tiên có một công ước quốc tế mang tên thủ đô của Việt Nam, do người Việt Nam chủ động tham gia, mang tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Lần đầu tiên có công ước quốc tế mang tên Hà Nội
. VN đã tham gia tích cực vào quá trình đàm phán công ước, đấu tranh cho việc quy định đầy đủ các loại tội phạm mạng, không để lọt tội phạm và bảo đảm cân bằng lợi ích công và riêng như thế nào, thưa ông?
+ Lập trường của VN rất nhất quán về vấn đề chống tội phạm mạng. Trong Luật An ninh mạng VN năm 2018 có nhiều nội dung tương đồng với Công ước Hà Nội, ví dụ quy định an ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân (Điều 2.1) và xây dựng không gian mạng lành mạnh, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân (Điều 3.2). Việc thông qua Công ước Hà Nội đã bác bỏ các luận điệu chống phá Luật An ninh mạng VN.
Công ước tội phạm mạng được mở ký tại Hà Nội đã tăng cường thêm quan hệ đối tác giữa LHQ và VN trong 48 năm (1977-2025), phản ánh vị thế thành viên có trách nhiệm của VN với cộng đồng quốc tế, thể hiện niềm tin của các nước, nâng cao uy tín của VN trên trường quốc tế, tích cực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tham gia dẫn dắt quá trình xây dựng và định hình các khuôn khổ quản trị số toàn cầu, bảo đảm an ninh mạng chủ quyền quốc gia và các quyền tự do cơ bản của con người trên không gian mạng.
Việc LHQ lựa chọn Hà Nội mở ký một điều ước đa phương toàn cầu liên quan đến lĩnh vực quan trọng và được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm đã nâng cao giá trị luật quốc tế gắn với Hà Nội, TP hòa bình. Đây sẽ là cú hích để VN tiếp tục tích cực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tham gia dẫn dắt quá trình xây dựng và định hình luật quốc tế vì hòa bình, ổn định và phồn vinh. Sự kiện này sẽ góp phần thúc đẩy quan tâm của các thế hệ VN, đặc biệt là các lớp cán bộ, sinh viên mới nghiên cứu, phát triển và vận dụng luật quốc tế trong bảo vệ lợi ích chính đáng của dân tộc.
Người VN đã quen với các điều ước quốc tế giải quyết vấn đề của VN như Hiệp định Genève 1954 về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương hay Hiệp định Paris 1973 về hòa bình ở VN. Lần đầu tiên có một công ước quốc tế mang tên thủ đô của VN, do người VN chủ động tham gia, mang tầm ảnh hưởng toàn cầu sẽ mang tới niềm tự hào dân tộc lớn lao vào thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Khi nào Công ước Hà Nội có hiệu lực?
Công ước gồm 9 chương và 71 điều, bao gồm các chương Quy định chung, Tội phạm, Thẩm quyền, Các biện pháp thủ tục và Luật Cưỡng chế, Hợp tác quốc tế, Các biện pháp ngăn ngừa, Hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin, Cơ chế thực thi và Điều khoản cuối cùng.
Công ước dự kiến sẽ được ký tại Hà Nội và đăng ký tại LHQ vào tháng 5-2025. Công ước sẽ có hiệu lực 90 ngày sau khi có 40 thư phê chuẩn. Các tổ chức quốc tế khu vực cũng có thể tham gia công ước nếu có ít nhất một thành viên của tổ chức phê chuẩn Công ước.
Công ước quan trọng của thế kỷ 21
. Để có Công ước Hà Nội, các quốc gia thành viên của công ước, các tổ chức quốc tế, trong đó có LHQ đã trải qua những nỗ lực nào?
+ Ngay từ năm 2001, các nước châu Âu đã đàm phán xây dựng Công ước Budapest về tội phạm mạng và LHQ cũng đã ra biên bản ủng hộ mở rộng công ước này trên phạm vi toàn cầu. Công ước này có hiệu lực từ năm 2004, là văn bản quốc tế mang tính ràng buộc đầu tiên liên quan đến các hành vi tội phạm mạng. Tuy nhiên, công ước này có phạm vi ràng buộc hẹp, chủ yếu ở các nước châu Âu và một số quốc gia khác.
Năm 2017, Nga đã đệ trình bản dự thảo đầu tiên của công ước chung với mục tiêu tạo ra các quy tắc toàn cầu trong quản lý tội phạm mạng, không chỉ giới hạn các tội phạm sử dụng máy vi tính (như Công ước Budapest) mà cả các tội phạm có liên quan đến mạng.
Đến năm 2021, một Ủy ban AD HOC đã được LHQ thành lập để dự thảo một công ước quốc tế toàn diện về đối phó với việc sử dụng thông tin và các công nghệ truyền thông nhằm mục đích tội phạm. Tại vòng đàm phán từ ngày 29-7 đến 9-8-2024, các nước mới thống nhất được văn bản cuối cùng để đàm phán. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau nên dự thảo cuối cùng của công ước chỉ được đệ trình ngày 27-11-2024 và nghị quyết của ĐHĐ LHQ ngày 24-12-2024 lựa chọn Hà Nội là nơi mở ký cho công ước này. Đây là một công ước rất quan trọng của thế kỷ 21.
Cũng xin nói thêm Công ước Hà Nội phải dung hòa được: (i) Mối quan tâm và lợi ích của Nhà nước, cá nhân và doanh nghiệp, cũng như (ii) giữa nhu cầu thực thi cưỡng chế luật hiệu quả, không để lọt tội phạm với việc bảo vệ thông tin cá nhân và các quyền con người. Vì vậy, đàm phán công ước có sự tham gia rộng rãi của các quốc gia và các tổ chức quốc tế, các tổng công ty mạng lớn trên thế giới.
Có giá trị cân bằng, bao quát, toàn diện
Công ước đã đưa ra các quy định và giải pháp đáp ứng được yêu cầu của quốc gia, doanh nghiệp và người dân, cân bằng giữa chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và các quyền tự do cơ bản của con người.
Công ước cũng kịp thời đưa ra các biện pháp ngăn chặn tội phạm mạng, bảo đảm nguyên tắc không để lọt bất kỳ loại tội phạm nào. Công ước đã đặt nền móng cho sự hợp tác quốc tế trong việc quản lý, tiếp nhận, xử lý và trao đổi thông tin mạng vì lợi ích chung, vì hòa bình và ổn định của từng quốc gia, từng khu vực và toàn thế giới cũng như từng người dân, doanh nghiệp. Công ước đã góp phần tạo khuôn khổ pháp lý bao trùm, đáp ứng nhu cầu cấp bách về hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy pháp quyền trong không gian mạng.
GS - Đại sứ NGUYỄN HỒNG THAO
Nhận diện tội phạm mạng từ Công ước Hà Nội
. Chúng ta hiểu như thế nào về tội phạm mạng theo Công ước Hà Nội?
+ Tính chất phức tạp của tội phạm mạng và sự phát triển của công nghệ có thể làm xuất hiện nhiều loại hình tội phạm mới. Vì vậy, công ước không đưa ra một định nghĩa rõ ràng về tội phạm mạng nhưng đã công nhận hai dạng chính: (i) Tội phạm có khả năng sử dụng mạng (cyber-enabled) và (ii) tội phạm phụ thuộc hoàn toàn vào mạng (cyber-dependent crimes).
Các tội phạm truyền thống được tiến hành trên mạng nhưng không bắt buộc sử dụng máy tính được định danh là tội phạm có khả năng sử dụng mạng như trường hợp các tội buôn bán ma túy hay vũ khí, lừa đảo, kích động vi phạm. Trong khi đó, tội phạm phụ thuộc mạng là các tội được thực hiện thông qua việc sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Ví dụ, việc truyền bá các phần mềm độc hại không thể tách rời khỏi việc sử dụng máy tính hay mạng.
. Quan điểm của các nước và các tổ chức quốc tế trong quá trình thảo luận về phạm vi công ước ra sao?
+ New Dilan, Canada, Mỹ ủng hộ giới hạn phạm vi của công ước chỉ với các tội phạm có sử dụng máy tính và mạng. Nga, Trung Quốc và nhiều nước đang phát triển yêu cầu cần có cơ chế điều chỉnh cả tội phạm có thể sử dụng mạng. Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia nằm trong số các nước yêu cầu công ước phải quy định trừng trị các tội phân tán thông tin sai lệch hoặc độc hại. Nga đệ trình vào năm 2021 danh sách 24 hành vi vi phạm, trong đó có buôn bán chất hướng thần, cưỡng bức tự tử và các vi phạm quá ngưỡng khác.
Các tổ chức quyền con người và các quyền số phản đối các đề xuất này, cảnh báo nguy cơ nghiêm trọng cho quyền con người nếu không có cơ chế bảo vệ thích hợp, đặc biệt nhằm ngăn ngừa xâm phạm đời tư, lạm dụng thu thập thông tin cá nhân quá nhiều, hình sự hóa các phát biểu trên mạng và hạ thấp tính công khai cũng như niềm tin vào thông tin số.
Tuy nhiên, cuối cùng thì công ước đã lựa chọn ghi nhận cả hai loại tội phạm kể trên và có chương riêng về các biện pháp phòng ngừa để đi đến thống nhất các ý kiến khác nhau. Đây là thành công của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là của các nước đang phát triển nhằm ngăn ngừa việc sử dụng mạng và lạm dụng quyền tự do để tấn công chế độ, làm mất ổn định xã hội và thua thiệt cho nền kinh tế, đồng thời đề cao cơ chế bảo vệ tính riêng tư và các quyền cơ bản của người dân.
Hợp tác mức cao nhất chống tội phạm nghiêm trọng
. Công ước Hà Nội sẽ bảo vệ chủ quyền quốc gia, cùng với quyền tự do cá nhân, thông tin cá nhân như thế nào, thưa đại sứ?
+ Điều 5 của công ước khẳng định các nguyên tắc bảo vệ chủ quyền quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Điều 6 yêu cầu các quốc gia bảo đảm việc thực thi các nghĩa vụ của họ theo công ước phù hợp với các nghĩa vụ của luật nhân quyền quốc tế. Không có quy định nào của công ước được hiểu cho phép đàn áp các quyền tự do cơ bản của con người, bao gồm cả quyền tự do phát biểu, tự do tôn giáo, tự do lập hội và các quyền khác.
Sự kết hợp hai điều khoản này cho thấy quyền tự do cá nhân chỉ được đảm bảo khi tôn trọng quyền tự do cá nhân của người khác và không được lợi dụng quyền riêng tư để gây hại tới cộng đồng, quốc gia.
Điều 35 của công ước làm rõ phạm vi hợp tác quốc tế nhằm “thu thập, tiếp nhận, bảo quản và chia sẻ các bằng chứng dưới dạng điện tử”. Các quốc gia cũng được yêu cầu hợp tác ở mức độ cao nhất trợ giúp pháp lý nhằm điều tra và truy tố các tội phạm mạng được xác định theo công ước cũng như các tội phạm nghiêm trọng được thực thi bằng sử dụng ICT. Tội phạm nghiêm trọng là các tội phạm được luật hình sự quốc gia quy định hình phạt từ bốn năm tù trở lên.
. Xin cám ơn đại sứ.
Khắc tinh của những “anh trai say bye” xuyên quốc gia
Vài năm trước, một người bạn của tôi - một giảng viên ĐH trong một ngày đã bị “bốc hơi” cả trăm triệu đồng vào tay một “người yêu qua mạng” ở nước ngoài.
Kẻ lừa đảo giả là một người nước ngoài, tự xưng là quân nhân ở chiến trường Trung Đông, thao túng tâm lý bị hại trong vài tháng trời ròng rã, với nhiều dòng tin nhắn, trò chuyện, chia sẻ hình ảnh, đến những lần nấu cháo điện thoại qua mạng hàng giờ đồng hồ. Hắn chiếm trọn lòng tin của bạn tôi, lừa chuyển tiền qua tài khoản nước ngoài rồi “bỗng dưng biến mất”, không còn dấu tích nào. Nhiều người hay đùa, gọi những kẻ lừa đảo như vậy là “anh trai say bye” (lừa đảo rồi biến mất).
Kể từ khi nhà báo nổi tiếng người Mỹ Thomas Friedman chỉ ra rằng “Thế giới phẳng” (The World Is Flat) cách đây hai thập niên cho đến nay, chúng ta đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của các dòng chảy xuyên biên giới về con người, phương tiện, hàng hóa, công nghệ, thông tin, chất xám… Điều đó giúp thế giới tạo ra nhiều kỳ tích to lớn về kinh tế - xã hội, văn hóa, kéo các quốc gia gần nhau hơn, gắn bó và đan xen như hệ thống mạng nhện phức tạp. Thế nhưng các dòng chảy về tội phạm mạng cũng trở nên mạnh mẽ, khiến không ít quốc gia “đau đầu” khi những câu chuyện lừa đảo xuyên quốc gia, như trường hợp người bạn tôi bị “bạn trai ngoại quốc” quen qua mạng lừa đảo, xuất hiện ngày càng nhiều.
Công an Việt Nam đã nhiều lần cảnh báo các hình thức lừa đảo qua mạng có yếu tố nước ngoài, ví dụ lừa đảo “nhận tiền, quà từ nước ngoài”, mạo danh “nhân viên gìn giữ hòa bình” để lừa đảo, hay lừa đảo qua mạng để buôn chất cấm, thậm chí là buôn người. Đó là chưa kể đến các cảnh báo về tình trạng sử dụng hạ tầng, trang bị viễn thông tại Việt Nam để tổ chức, thực hiện các hoạt động phạm tội xuyên quốc gia, phổ biến là cờ bạc, cá cược, phát tán và truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy…
Chỉ tính riêng tại TP.HCM, chỉ trong khoảng năm tháng đầu năm 2024, công an đã khám phá 18 vụ chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng liên quan đến yếu tố người nước ngoài. Không chỉ TP.HCM và không chỉ Việt Nam, tội phạm mạng đã và đang trở thành mối đe dọa “an ninh phi truyền thống”, khiêu khích và thách thức các tổ chức quốc tế, các chính phủ và cả những người dân, doanh nghiệp lương thiện. Những con số thiệt hại về người và tài sản, tài chính luôn tăng mạnh qua các năm. Khi trí tuệ nhân tạo (AI) hòa nhịp vào hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông thì chỉ một vài “anh trai say bye” chuyên phông bạt xuyên quốc gia, lừa đảo những cô gái nhẹ dạ cả tin sẽ không thể nào lột tả hết bức tranh phức tạp, tinh vi và nguy hiểm của tội phạm mạng hiện đại.
Cái khó của các quốc gia không chỉ dừng ở chỗ lúng túng trong việc hiểu đúng bản chất, thể loại tội phạm mạng xuyên quốc gia, mà còn phải tìm cách xoay xở để điều tra, thu thập bằng chứng, tóm gọn những kẻ phạm tội khi chúng ẩn nấp ở những quốc gia khác có nền pháp luật, chính trị, văn hóa… rất khác. Các nước còn phải tìm cách cân bằng giữa lợi ích của nước mình, công dân mình với chủ quyền, quyền tự quyết, quyền lợi công dân của nước khác. Đó là chưa kể áp lực của các tổ chức quốc tế giám sát về quyền con người, một mặt ủng hộ việc trấn áp tội phạm nhưng mặt khác cũng yêu cầu đảm bảo quyền tự do con người, quyền bảo mật thông tin cá nhân… với những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt.
Rất may, sau nhiều năm nỗ lực đàm phán, Công ước Hà Nội về tội phạm mạng đã đứng trước thềm được ký, phê duyệt và có hiệu lực. Công ước như một viên thuốc hóa giải chứng đau đầu của nhiều quốc gia, trong đó có cả Việt Nam trong việc hợp tác chống tội phạm mạng.
Hy vọng tới đây, những “anh trai say bye” và các tổ chức, tập đoàn lừa đảo qua mạng xuyên quốc gia sẽ sớm được các nước đồng lòng xóa sổ!
ĐỖ THIỆN