Giải mã bài toán từ thiện 1.000 đồng/ly đồ uống của Katinat gây 'bão phẫn nộ' dư luận
Từ thiện 1.000 đồng/1 ly bán ra, tưởng chừng như 1 con số nhỏ, nhưng thực tế lại là một khoản tiền lớn nếu như đặt cạnh quy mô doanh thu của Katinat.
Bao lâu để thu về 1 tỷ đồng thiện nguyện?
Ngày 11/9, thương hiệu Katinat đã đăng bài trên fanpage về việc chung tay hướng về miền Bắc với nội dung: "Katinat sẽ trích 1.000 đồng trên mỗi ly nước bán ra tại hệ thống từ 12/9 đến hết 30/9, đồng hành cùng miền Bắc khắc phục hậu quả thiên tai".
Đây là khoản tiền trích ra từ doanh thu thực tế, hành động không mang tính kêu gọi và hoàn toàn đến từ mong muốn góp chút sức nhỏ, cùng đồng bào vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tất cả số tiền được trích ra sẽ dùng để đóng góp khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời sẽ được công khai theo từng giai đoạn kèm kế hoạch triển khai cụ thể trong thời gian tới.
Sau khi bài viết này được đăng tải, Katinat đã nhận về "bão phẫn nộ" của cộng đồng khi cho rằng thương hiệu đang lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người dân miền Bắc để kích doanh thu. Ngoài ra, thời điểm chốt số là ngày 30/9 cũng không hợp lý do việc cứu trợ là vấn đề cấp thiết, cần phải triển khai ngay.
Trước sức ép dư luận, ngày 12/9, Katinat thông báo đã chuyển 1 tỷ đồng ủng hộ trực tiếp cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban Cứu trợ Trung ương. Katinat khẳng định số tiền này dự kiến được trích ra từ 1 triệu ly nước ước tính sẽ phục vụ trong 19 ngày trên toàn hệ thống từ 12/9 đến hết 30/9.
Thương hiệu này gửi lời xin lỗi chân thành đến khách hàng khi thông qua cách truyền thông có những hiểu lầm dẫn đến những ý kiến trái chiều trong hoạt động chung tay cùng đồng bào vùng bão lũ.
Tạm thời bỏ qua câu chuyện đây có phải là "một chiêu trò marketing" hay không, điều cần bàn tới mà nhiều người tò mò đó là nếu giữ nguyên phương án ban đầu thì Katinat liệu có đạt được con số 1 tỷ đồng?
Khi nhìn vào menu đồ uống của quán, trung bình 1 ly sẽ có giá khoảng 50.000 đồng. Việc trích ra 1.000 đồng cho mỗi một ly sẽ tương đương với 2% tổng doanh thu.
Theo dữ liệu từ Vietcap, doanh thu ước tính của Katinat là 470 tỷ đồng trong năm 2023. Như vậy, trong 1 ngày, doanh thu của chuỗi sẽ rơi vào khoảng 1,3 tỷ đồng. Với thời gian áp dụng chương trình thiện nguyện là 20 ngày, tổng doanh thu sẽ khoảng 26 tỷ đồng.
Nếu đưa lên bàn tính, có thể nhận thấy số tiền trích ra có thể đạt 520 triệu đồng và Katinat sẽ mất khoảng 40 ngày để thu được con số 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với việc số lượng cửa hàng và mức nhận diện thương hiệu tăng theo thời gian so với năm 2023, doanh thu thực tế của Katinat có thể cao hơn rất nhiều vào thời điểm tháng 9/2024.
Trong một bối cảnh mà nhiều người hưởng ứng phương án từ thiện ban đầu với hiệu ứng đám đông, khả năng doanh nghiệp đạt được con số 1 tỷ đồng trong 20 ngày là hoàn toàn khả thi.
Chưa kể đến việc, con số từ thiện 1 tỷ đồng mà sau đó thương hiệu đã công bố chỉ là "muối bỏ biển" nếu so với khối tài sản và tiềm lực của nhóm chủ đứng sau Katinat.
Ai là chủ của thương hiệu Katinat?
Chuỗi cà phê Katinat đã gặt hái nhiều thành công và trở thành một thương hiệu nổi bật trong thị trường F&B tại Việt Nam. Đà tăng trưởng nhanh chóng của Katinat được gắn liền với tên tuổi của nữ doanh nhân Trương Nguyễn Thiên Kim.
Được biết, bà Trương Nguyễn Thiên Kim sinh năm 1976 tại TP Đà Lạt. Bà tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Tài chính, Lưu chuyển tiền tệ và Tín dụng, cử nhân ngành Tài chính - Ngân hàng tại trường Đại học Kinh tế TP.HCM.
Theo báo cáo quản trị của các doanh nghiệp liên quan, bà Trương Nguyễn Thiên Kim đóng vai trò là thành viên HĐQT của Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (IDP), thành viên Ban Kiểm soát tại Công ty Cổ phần Bến xe Miền Tây (WCS), thành viên HĐQT độc lập tại Công ty Cổ phần Thương mại – Dịch vụ Bến Thành (BTT), Trưởng ban kiểm soát của Công ty Cổ phần In và Thương mại Vina.
Đáng chú ý, bà còn là thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Capella (doanh nghiệp liên quan đến doanh nhân Nguyễn Cao Trí).
Không chỉ vậy, nữ doanh nhân trên còn là cổ đông lớn tại Chứng khoán Vietcap (VCI), doanh nghiệp mà chồng bà – ông Tô Hải đóng vai trò Tổng giám đốc. Ông cũng là Chủ tịch HĐQT tại Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế.
Hiện, bà Kim đang nắm 5,17% tỷ lệ sở hữu của VCI với 22,84 triệu cổ phiếu, tương đương 767 tỷ đồng. Dù vậy, mới đây, bà đã đăng ký bán 13,2 triệu cổ phiếu VCI trong thời gian 4/9 đến 3/10 theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận để giải quyết nhu cầu cá nhân.
Đây là lần đầu tiên bà Thiên Kim đăng ký bán cổ phần tại Chứng khoán Vietcap khi công ty niêm yết trên sàn.
Nếu thành công, tỷ lệ sở hữu của bà Kim tại VCI sẽ giảm từ 5,17% xuống còn 2,18%.
Bên cạnh vai trò lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp trên sàn, bà Trương Nguyễn Thiên Kim còn có sự quan tâm đặc biệt đến các chuỗi F&B tại Việt Nam. Bà Kim hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần D1 Concepts, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Café Katinat và Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phê La.
Katinat có vốn điều lệ 38 tỷ đồng, trong đó bà Trương Nguyễn Thiên Kim nắm phần lớn cổ phần chi phối với tỷ lệ 84,2%, hai cổ đông còn lại là Lê Ngọc Khánh và Chủ tịch Đinh Việt Hà cùng nắm gần 7,9%.
Trong khi đó, tại Công ty Cổ phần Phê La (một thương hiệu trà sữa đình đám cũng được giới trẻ yêu thích như Katinat), bà Thiên Kim là cổ đông sáng lập và nắm 51% cổ phần với tổng vốn điều lệ 180 tỷ đồng.
Đặc biệt, D1 Concepts cũng chính là đơn vị sở hữu nhiều thương hiệu ẩm thực nổi tiếng như" San Fu Lou, Dì Mai, Sorae, CaféDa, Sens.