Giải đáp vướng mắc trong kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu

Lĩnh vực hải quan luôn nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp vì đây là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại quốc tế, đảm bảo an ninh kinh tế, góp phần phát triển đất nước.

Lãnh đạo ITPC và Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh chủ trì đối thoại. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Lãnh đạo ITPC và Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh chủ trì đối thoại. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Ngày 27/11, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền nhằm phổ biến quy định pháp luật, giải đáp vướng mắc trong việc thực thi chính sách thuế, chính sách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.

Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC thông tin, lĩnh vực hải quan luôn nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp vì đây là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại quốc tế, đảm bảo an ninh kinh tế và góp phần phát triển đất nước.

Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Đối với doanh nghiệp, cơ quan hải quan hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, giảm chi phí và thời gian thông quan, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong lĩnh vực logistics và thương mại, hải quan đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì dòng chảy hàng hóa, bảo đảm việc làm và tăng thu nhập. Trên phạm vi xã hội, hoạt động hải quan góp phần ổn định nền kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Để kịp thời phổ biến quy định pháp luật mới liên quan đến hoạt động hải quan cũng như lắng nghe, tháo gỡ những vướng mắc của doanh nghiệp, từ năm 2002 đến nay, Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh đã phối hợp ITPC tổ chức 67 Hội nghị đối thoại trực tiếp và trực tuyến, thu hút hơn 17.600 lượt doanh nghiệp tham dự và trả lời hơn 2.756 câu hỏi của doanh nghiệp. Riêng trong năm 2024, đây là lần thứ hai Cục Hải quan Thành phố đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp, với mục tiêu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách và thủ tục xuất, nhập khẩu.

Tại hội nghị, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu đề cập nhiều đến vấn đề giám sát hải quan; trình tự, thủ tục kiểm tra sau thông quan; hạn ngạch thuế quan xuất nhập khẩu; đăng ký, sửa chữa, bổ sung, hướng dẫn tra cứu tờ khai hải quan; quy định áp dụng chế độ ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan; công bố hợp chuẩn và công bố hợp quy với hàng hóa xuất nhập khẩu,…

Đại diện Công ty Viễn Đạt nêu vấn đề, cùng một thủ tục nhập khẩu nhưng hải quan Sân bay Nội Bài và hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất thực thi không thống nhất và không chấp nhận chứng từ của nhau khiến doanh nghiệp tốn rất nhiều thời gian để xử lý.

Thay vì mất 1 – 2 ngày để thông quan hàng hóa thì doanh nghiệp mất gần 20 ngày để liên hệ, kết nối công chức hải quan hai cửa khẩu mới hoàn thành thủ tục nhập khẩu, phát sinh rất nhiều chi phí và ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh.

Trong khi đó, đại diện Ban Hải quan, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam phản ánh, Cảng Cát Lái có lượng hàng hóa thông quan rất lớn nhưng khu vực kiểm hóa hàng hóa lại rất nhỏ dẫn đến tốc độ kiểm hóa chậm, mỗi ngày chỉ kiểm được 25 container. Mặc dù tỷ lệ kiểm hóa thấp, chỉ khoảng 5% nhưng chiếm rất nhiều thời gian, gây ách tắc cho hoạt động xuất nhập khẩu, doanh nghiệp phải chờ đợi rất lâu mới hoàn thành việc kiểm hóa để lấy hàng ra khỏi cảng.

Đối với hàng quá cảnh, một số mặt hàng chỉ quá cảnh qua Việt Nam và tiếp tục xuất khẩu nhưng vẫn phải xin giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành, ví dụ như mặt hàng phân bón phải có giấy phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vừa tốn thời gian, vừa làm tăng chi phí.

Giải đáp các vướng mắc mà doanh nghiệp đề cập, ông Vương Tuấn Nam, Trưởng phòng giám sát quản lý Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh thừa nhận: Có tình trạng "khủng hoảng các khái niệm" vì mỗi nơi hiểu một cách dẫn đến thực thi không thống nhất. Với các trường hợp cụ thể, doanh nghiệp nên chủ động đăng ký làm việc với đội thủ tục hải quan hoặc với chi cục hải quan tại cửa khẩu. Trong trường hợp không được giải quyết cần liên hệ ngay với Cục Hải quan thành phố để có hướng xử lý, không nên chờ đợi hàng chục ngày.

"Một lô hàng nguyên liệu nhập khẩu chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động của cả một dây chuyền sản xuất, kinh doanh, tác động trực tiếp đến việc làm, thu nhập của hàng trăm, hàng nghìn người lao động. Trong khi một đơn hàng xuất khẩu chậm trễ cũng gây thiệt hại không kém về kinh tế, uy tín của doanh nghiệp với đối tác. Do đó, doanh nghiệp nên chủ động, mạnh dạn liên hệ với các đơn vị liên quan để được giải quyết kịp thời. Cơ quan hải quan Tp. Hồ Chí Minh cũng sẽ quán triệt với các chi cục hải quan bộ phận và trao đổi với các chi cục hải quan địa phương khác để thống nhất quy trình, thủ tục, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp trong xuất, nhập khẩu" - ông Vương Tuấn Nam cho biết thêm.

Liên quan đến hoạt động kiểm hóa, đại diện Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Đây không chỉ là vấn đề thủ tục mà liên quan đến cơ sở hạ tầng của các đơn vị. Ngoài tình trạng diện tích khu kiểm hóa Cảng Cát Lái chật hẹp thì nhiều khu chế xuất khác như Tân Thuận, Linh Trung, Khu công nghệ cao và cả Chi cục hải quan Đầu tư đều không có khu vực dành cho kiểm hóa. Nguyên nhân là do thiếu sót trong quy hoạch các khu chế xuất, khu công nghiệp trước đây.

Để giái quyết tình trạng này, Cục Hải quan sẽ trao đổi với đơn vị khai thác cảng Cát Lái về phương án cải thiện, mở rộng khu kiểm hóa tại chỗ; đồng thời, đề xuất Tổng Cục Hải quan cho phép sử dụng địa chỉ sản xuất, bảo quản hàng hóa của doanh nghiệp để thực hiện việc kiểm hóa để giảm bớt áp lực vận chuyển và thời gian chờ đợi của doanh nghiệp.

Xuân Anh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-dap-vuong-mac-trong-kiem-tra-chuyen-nganh-voi-hang-hoa-xuat-nhap-khau/354736.html
Zalo