Giải báo chí vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam: Giáo dục từ câu chuyện cuộc đời
Tác phẩm 'Phim tài liệu lớp 13' gửi gắm thông điệp giáo dục không chỉ tồn tại trong sách giáo khoa mà đến từ những câu chuyện bài học cuộc đời.
“Với chúng tôi, giáo dục không chỉ tồn tại trong sách giáo khoa, trong những trang giấy hay những giờ lên lớp học thuộc bài. Giáo dục có thể đến từ mọi nơi, từ những câu chuyện bài học cuộc đời đến những suy tư về các câu chuyện triết học”. Đây là khẳng định của nhóm tác giả tham gia giải báo chí “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” với tác phẩm “Phim tài liệu lớp 13”.
Nghe và kể bằng ngôn ngữ phim tài liệu
Tuổi đời còn rất trẻ nhưng với đam mê lắng nghe và kể lại những câu chuyện bằng ngôn ngữ phim tài liệu, tác giả Nguyễn Quang Huy và Hoàng Minh Hiếu là 2 đạo diễn của tác phẩm “Phim tài liệu Lớp 13” đoạt giải trong cuộc thi lần này.
Tác giả Quang Huy chia sẻ, khi bắt đầu dự án, nhiều ý kiến trái chiều cho rằng đây là đề tài không khả thi, khó thực hiện. Thực tế, nhắc đến giáo dục, mọi người chỉ nghĩ đến 12 năm đèn sách, sau đó tiếp tục học cao hơn ở hệ trung cấp, cao đẳng, đại học và cao học. Việc lựa chọn góc nhìn từ cuộc đời, từ những câu chuyện cuộc sống xung quanh để phản tỉnh bản thân là điều khó hình dung.
“Tác phẩm được thực hiện trong nửa năm. Lần đầu tiếp xúc với thể loại phim tài liệu nên anh em ekip còn nhiều bỡ ngỡ. Có thời điểm, cảm giác bị ngợp, bế tắc trong việc triển khai, ngỡ sẽ vỡ trận”, Quang Huy chia sẻ.
Theo phóng viên Quang Huy, mặc dù trong quá trình sản xuất còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự ủng hộ và giúp đỡ của lãnh đạo VTV9, Nhà báo Từ Lương và sự tin tưởng, hướng dẫn của PGS. TS Bùi Chí Trung – Công ty Media 21, nhóm tác giả đã hoàn thành tác phẩm. Lúc đầu, những clip chỉ ngắn tầm 2 – 3 phút. Dần dần, ekip phát triển thành chuỗi phim tài liệu 3 tập, mỗi tập 30 phút.
Chia sẻ thêm về tác phẩm, tác giả Minh Hiếu, cho rằng, ngay từ quá trình “dò đá quá sông”, ekip xác định tâm thế phải làm một sản phẩm “khác thường”. Tiêu đề của bộ phim được PGS.TS Bùi Chí Trung gợi ý, lột tả chủ đề của phim. Ở thế kỷ XXI, mọi thứ đều phát triển không ngừng với tốc độ rất nhanh. Mỗi cá nhân cần trang bị hành trang sống, tư duy, kinh nghiệm để thích nghi và phát triển tốt trong cuộc sống này.
“Thông điệp của bộ phim là lời nhắc nhở thường trực, tự vấn bản thân mỗi ngày về việc sống. Liệu để bước ra cuộc sống ngoài kia, ta đã mang bên mình đủ hành trang hay chưa? Đó là câu hỏi mà nhóm tác giả muốn gửi gắm đến những khán giả trẻ”, phóng viên Minh Hiếu cho hay.
Lấy con người làm chủ thể, mục tiêu, động lực
Nói về Giải báo chí “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”, phóng viên Quang Huy và phóng viên Minh Hiếu đánh giá cao tính nhân văn của cuộc thi. Theo đó, chủ trương của Đảng là lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và nguồn lực của sự phát triển. Bác Hồ từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Chính vì vậy, nhóm tác giả luôn có sự quan tâm đặc biệt đến các vấn đề liên quan đến giáo dục bởi giáo dục là khát vọng, tiềm lực, trí tuệ của quốc gia.
Chia sẻ thêm, năm 2023, cũng tại cuộc thi này, phóng viên Quang Huy đoạt giải khuyến khích với tác phẩm “Trăm năm cây đời”. Không giấu nổi cảm xúc của mình, Quang Huy cho rằng kết quả ngày hôm nay là xứng đáng với những gì mà những người thầy và anh em ekip đã nỗ lực trong suốt nửa năm qua để cho ra một tác phẩm hoàn chỉnh, gửi đến nhiều thông điệp có ý nghĩa giáo dục và nhân văn tới các bạn trẻ.
Bên cạnh đó, nhóm tác giả tự hào và trân trọng vì được tham gia Giải báo chí “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” và đạt giải lần này. Hy vọng tác phẩm của 2 tác giả Quang Huy và Minh Hiếu có thể lan tỏa những giá trị mang tính giáo dục đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hy vọng, cuộc thi sẽ duy trì thường xuyên để anh em báo chí có sân chơi bổ ích, lan tỏa những tác phẩm liên quan đến các vấn đề giáo dục đến với nhiều người. Ngoài ra, người làm báo không chỉ là người đưa thông tin đến với mọi người mà còn gánh trên vai trách nhiệm kết nối giữa con người với con người, giữa tư duy với tư duy và giữa trái tim với trái tim. Đây cũng là tính nhân văn mà cuộc thi đem lại, góp phần xây dựng cộng đồng, xã hội, đất nước và thế giới phát triển, văn minh, hạnh phúc.
Nhà giáo dục vĩ đại Comenxki: “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Từ đó, sứ mệnh giáo dục của báo chí không chỉ là truyền tải thông tin mà còn đem đến mọi người cách suy nghĩ đúng để có những hành vi đúng, biết cho và nhận, cảm thông thấu hiểu với đời, với người.