Giải bài toán thu ngân sách nhà nước bền vững
Từ đầu năm đến nay, nhìn vào bức tranh KT-XH của tỉnh có thể nhận thấy kết quả khá nổi bật trong công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN), đồng thời cũng cho thấy nhiều thách thức chi phối hiệu quả bền vững của nhiệm vụ quan trọng này.
Từ đầu năm đến nay, nhìn vào bức tranh KT-XH của tỉnh có thể nhận thấy kết quả khá nổi bật trong công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN), đồng thời cũng cho thấy nhiều thách thức chi phối hiệu quả bền vững của nhiệm vụ quan trọng này.
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2024. Theo đó, chỉ đạo tổ chức, điều hành dự toán NSNN năm 2024 linh hoạt, chủ động, chặt chẽ, đảm bảo đúng dự toán được giao. Xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thuế; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, quản lý thu ngân sách. Đồng thời, chỉ đạo ngành Thuế chủ trì rà soát, xác định những nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời có giải pháp về chính sách và quản lý thu hiệu quả.
Tại TP Hòa Bình, bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác thu NSNN năm 2024, thành phố đã tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp tăng cường quản lý thu NSNN gắn với biện pháp cưỡng chế nợ thuế; thực hiện thu đúng, thu đủ vào NSNN; nỗ lực đẩy mạnh công tác thu từ việc giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá các trụ sở theo Nghị định số 167, thu phí, lệ phí, thuế nhà đất… Tuy nhiên, kết quả thu NSNN 7 tháng đầu năm chỉ đạt trên 300 tỷ đồng, bằng 50,45% dự toán tỉnh giao, bằng 42% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND thành phố giao. Mặc dù chưa được như kỳ vọng nhưng đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn và tồn tại nhiều yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế (NNT).
Trên phạm vi toàn tỉnh, nhìn lại tình hình KT-XH 8 tháng qua có thể thấy nhiều khó khăn, tạo áp lực lớn cho nhiệm vụ thu NSNN: GRDP của tỉnh chưa đạt mục tiêu đề ra; thị trường bất động sản còn trầm lắng; năng lực của doanh nghiệp, nhà đầu tư còn yếu... Trong khi đó, NSNN giảm thu do triển khai các chính sách miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ phục hồi, phát triển KT-XH.
Đồng chí Nguyễn Thị Hương Nga, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Quyết tâm thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trong bối cảnh nhiều thách thức, ngành Thuế và các sở, ban, ngành, địa phương đã tăng cường phối hợp, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhóm giải pháp. Điển hình như kiên quyết triển khai các biện pháp đôn đốc, xử lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế. Thực hiện các biện pháp đôn đốc, xử lý nợ, cưỡng chế nợ thuế, công khai thông tin đối với các trường hợp nợ lớn và kéo dài. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu NSNN, phân tích cụ thể từng địa bàn, khu vực, từng sắc thuế để xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời quản lý. Kiến nghị với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ngành ở địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế trong công tác quản lý thu... Trong nỗ lực chung, ngành Thuế tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhằm chống thất thu về số lượng NNT, doanh thu và tiền thuế; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, quản lý kịp thời nguồn thu phát sinh để bù đắp các khoản hụt thu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế để NNT tự giác tuân thủ thực hiện nghĩa vụ thuế...
Kết quả đến hết tháng 7, thu NSNN đạt 3.741,7 tỷ đồng, bằng 93% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 65% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh và bằng 179% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nội địa là 3.508,314 tỷ đồng, bằng 93% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 64% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh; thu xuất nhập khẩu đạt khoảng 233,386 tỷ đồng, bằng 90% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao.
Theo đánh giá của Cục Thuế tỉnh, kết quả thu NSNN 7 tháng rất đáng ghi nhận trong bối cảnh còn nhiều áp lực dồn lên nền kinh tế và chi phối hiệu quả sản xuất, kinh doanh của NNT. Tuy nhiên, để tìm được lời giải thỏa đáng cho bài toán thu NSNN bền vững, thời gian tới, ngành Thuế sẽ chú trọng triển khai các nhóm giải pháp tạo nguồn thu bền vững. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo tất cả NNT thuộc đối tượng đều được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách, tạo nguồn lực giúp NNT phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN. Ngành cũng dự kiến đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra thuế; xác định chính xác nguồn thu tiềm năng để tham mưu UBND tỉnh nâng cao hiệu quả chỉ đạo đối với công tác thu NSNN và tổ chức quản lý thuế hiệu quả…
Đặc biệt, trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay, ngành Thuế xác định sẽ đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, áp dụng hóa đơn điện tử để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế và bảo đảm an ninh tiền tệ. Từ đó, tìm được lời giải thỏa đáng cho bài toán thu NSNN bền vững, góp phần đắc lực thúc đẩy KT-XH địa phương.