Giải bài toán phát thải nhà kính trong chăn nuôi lợn

Protein thô là nguyên liệu có chi phí cao thứ 2 trong công thức chế biến thức ăn cho lợn. Việc giảm bớt hàm lượng protein thô trong thức ăn chăn nuôi lợn không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế, môi trường mà còn cải thiện phúc lợi cũng như sức khỏe vật nuôi.

Đây là thông tin được các chuyên gia, nhà khoa học, nhà chăn nuôi đưa ra tại hội thảo “giảm tỷ lệ protein thô trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi lợn – một tác động, đa lợi ích”, do Tạp chí Khoa học kỹ thuật Chăn nuôi (Hội Chăn nuôi Việt Nam) tổ chức sáng 31/10.

Đa lợi ích từ việc giảm protein thô

Chăn nuôi là một trong những lĩnh vực gây ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể đến vấn đề phát thải khí nhà kính, tác nhân gây biến đổi khí hậu toàn cầu. Kiểm soát phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi đã được các nhà khoa học chỉ ra từ lâu và được nhiều nước đang trong quá trình khuyến khích và từng bước sẽ bắt buộc người chăn nuôi đưa vào nội dung kiểm soát.

Các yếu tố ảnh hưởng đến khí phát thải trong chăn nuôi gồm việc sử dụng điện và năng lượng trong các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi; sử dụng điện và năng lượng trong khâu chăn nuôi, ấp nở... Quá trình hô hấp, tiêu hóa và chất thải của vật nuôi. Đây là yếu tố lớn nhất gây hiệu ứng khí phát thải nhà kính trong chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia súc ăn cỏ, sau đó đến chăn nuôi lợn.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học kỹ thuật Chăn nuôi Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: tính tới thời điểm cuối tháng 6/2024, tổng đàn lợn của cả nước là 25,549 triệu con, trong đó đàn lợn nái là 3 triệu con. Việt Nam là quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 về đầu con và thứ 6 về sản lượng thịt. Mỗi năm, có khoảng 11 triệu tấn thức ăn dành cho lợn được sản xuất, chiếm khoảng 56% cơ cấu ngành thức ăn chăn nuôi.

Một trong những bài toán nan giải nuôi lợn hiện nay là không chỉ cung cấp đủ dinh dưỡng cho vật nuôi với một chi phí tối ưu nhất, mà còn phải thân thiện với môi trường. Trong đó, protein thô là nguyên liệu có chi phí cao thứ 2 trong công thức thức ăn cho lợn. Do đó, việc giảm bớt hàm lượng protein thô trong thức ăn chăn nuôi lợn không chỉ đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường mà còn cải thiện phúc lợi cũng như sức khỏe vật nuôi.

Làm rõ thêm về vấn đề này, TS. Ninh Thị Len – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam thông tin: trong chăn nuôi có 2 loại khí nhà kính chủ yếu được phát thải là khí mêtan (CH4) và khí ôxit nitơ (N2O). Theo tính toán của các nhà khoa học, 1 tấn khí CH4 gây hiệu ứng khí nhà kính tương đương với 28 tấn CO2 và 1 tấn khí N2O gây hiệu ứng khí nhà kính tương đương với 265 tấn CO2.

Để sinh trưởng, phát triển, vật nuôi cần một lượng lớn nitơ để tích lũy. Nitơ vào qua đường thức ăn được tiêu hóa hấp thu qua đường ruột, phần nitơ không tiêu thụ được bài tiết qua phân và nước tiểu. Sự bài tiết nitơ của vật nuôi liên quan nhiều đến khẩu phần ăn vào.

Theo TS. Ninh Thị Len, các chiến lược dinh dưỡng chủ yếu có thể được sử dụng để giảm tổn thất nitơ trong chăn nuôi là chế biến làm tăng tỷ lệ tiêu hóa thức ăn nói chung và nitơ nói riêng. Thiết lập khẩu phần cân đối để cung cấp protein, axit amin càng gần với nhu cầu của vật nuôi càng tốt. Bổ sung của các chất phụ gia thức ăn vào khẩu phần ăn để cải thiện việc sử dụng nitơ. Giải pháp giảm khí nhà kính thông qua dinh dưỡng thức ăn cho lợn chủ yếu là để giảm giảm lượng nitơ thải ra trong chất thải của vật nuôi, từ đó gián tiếp giảm khí N2O.

Hiện công nghệ và thiết bị kiểm soát chỉ số cacbon trong các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và chuồng trại cũng bắt đầu được khuyến cáo trong sản xuất ở Việt Nam. Cùng với đó, là giải pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ biogas, đệm lót sinh học. Sử dụng khẩu phần thức ăn dinh dưỡng hợp lý và bổ sung các chế phẩm nhằm hạn chế khí phát thải của vật nuôi. Nhìn chung những công nghệ trên, đều đã có trong sản xuất chăn nuôi nước ta, nhưng phần lớn chưa được chuyển giao và áp dụng hoàn chỉnh trong các cơ sở chăn nuôi, nhất là ở trong khu vực chăn nuôi nông hộ, các trang trại vừa và nhỏ nên hiệu quả thấp.

Giảm protein thô trong thức ăn chăn nuôi để giảm phát thải nhà kính.

Giảm protein thô trong thức ăn chăn nuôi để giảm phát thải nhà kính.

Cần chính sách hỗ trợ hợp lý

Tại Việt Nam, biện pháp giảm khí nhà kính hiện đang được các cơ quan Nhà nước, truyền thông và người sản xuất quan tâm nhưng chủ yếu trong khâu chăn nuôi, quản lý xử lý chất thải từ chăn nuôi, chế biến thực phẩm, mà chưa quan tâm nhiều đến giải pháp dinh dưỡng thức ăn - yếu tố đầu vào của quá trình chăn nuôi.

Theo TS Ninh Thị Len, các cơ quan, tổ chức cần tăng cường tuyên truyền để người sản xuất thức ăn chăn nuôi hiểu được trách nhiệm và quyền lợi về giảm khí nhà kính trong quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi lợn nói riêng, chăn nuôi nói chung. Xây dựng phương pháp tiêu chuẩn để đo phát thải khí nhà kính phù hợp với từng loại hình sản xuất để làm công cụ xác định lượng phát thải thực tế. Nhà nước có chính sách hỗ trợ để khuyến khích áp dụng các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính đối với những đơn vị tiên phong đi đầu.

Vì đây là vấn đề mới và lĩnh vực chăn nuôi trong nước đang gặp khó khăn, kiến nghị Nhà nước chưa nên đưa lĩnh vực chăn nuôi vào diện phải kiểm kê khí nhà kính. Trước mắt, từ nay đến 2030 chỉ nên áp dụng hình thức khuyến khích các cơ sở chăn nuôi tự nguyện thực hiện việc kiểm kê và kiểm soát khí phát thải trong chăn nuôi" - TS Lê Xuân Dương kiến nghị.

Để giảm phát thải trong chăn nuôi, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương kiến nghị: xử lý chất thải và kiểm soát khí nhà kính trong chăn nuôi là vấn đề quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích cộng đồng và chống biến đổi khí hậu toàn cầu, cần phải được doanh nghiệp, người chăn nuôi tự giác và chủ động thực hiện. Cùng với đó, xử lý chất thải và kiểm soát khí nhà kính trong chăn nuôi đòi hỏi công nghệ phù hợp và chi phí lớn, rất cần Nhà nước có chính sách hỗ trợ về đất đai cho chăn nuôi tập trung, tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến công nghệ phù hợp cho các loại hình chăn nuôi và có tín dụng ưu đãi cho người chăn nuôi vay đầu tư áp dụng công nghệ phù hợp, hiệu quả.

Trong thời gian này, Nhà nước cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, đào tạo cán bộ kỹ thuật chuyên môn, hoàn thiện các công nghệ, chính sách để nâng cao năng lực quản lý và ứng dụng các công nghệ trong xử lý chất thải, kiểm kê và kiểm soát khí nhà kính trong chăn nuôi, đảm bảo đến khi Nhà nước đưa các cơ sở chăn nuôi vào diện phải kiểm kê khí nhà kính, thì mọi yếu tố đã được chuẩn bị sẵn sàng.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giai-bai-toan-phat-thai-nha-kinh-trong-chan-nuoi-lon.html
Zalo