Giải bài toán kết nối doanh nghiệp nhà nước với khối tư nhân
Doanh nghiệp nhà nước cần phải lớn mạnh hơn nữa, góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Từ tư duy chỉ đạo đúng hướng, sẽ có những giải pháp, hành động phù hợp, hiệu quả và thành công. Trong đó, kết nối chặt chẽ, hiệu quả giữa doanh nghiệp nhà nước với khối doanh nghiệp tư nhân là một định hướng quan trọng.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng
Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân vừa được ban hành đã nêu rõ 8 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, trong đó "tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI".
Như nhận định của PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên Cao cấp, Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân, doanh nghiệp nhà nước ra đời với đặc thù nhất định, phục vụ trực tiếp cho những nhiệm vụ trọng đại của đất nước trong những giai đoạn có tính bước ngoặt.
Để gánh vác sứ mệnh mới
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, doanh nghiệp nhà nước sẽ cần phải gánh vác các sứ mệnh của thời đại. Tại cuộc làm việc với chủ đề: Doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng tổ chức ngày 15/4/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải phát triển, tăng trưởng, ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, trên cơ sở thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tăng năng suất lao động; vừa phát triển cho chính mình, vừa góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, góp phần thực hiện 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra (phấn đấu đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và tới năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước là nước phát triển, thu nhập cao).
Chỉ đạo này cũng được nêu rõ trong Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 21/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp của doanh nghiệp nhà nước góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững. Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các doanh nghiệp nhà nước phải tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt trong nền kinh tế, là lực lượng tiên phong dẫn đầu trong sáng tạo, thay đổi tư duy, cách làm; tích cực, chủ động nghiên cứu chuyển giao các công nghệ mới; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, quản trị thông minh, đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi mặt hoạt động; tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, tuyển dụng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; đào tạo nhân lực chất lượng cao; thu hút, trọng dụng nhân tài…
Bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao định hướng nêu trên, TS Nguyễn Quốc Việt, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, việc doanh nghiệp nhà nước tiếp tục đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam là một lựa chọn mang tính chiến lược, gắn liền với định hướng phát triển của đất nước.

TS Nguyễn Quốc Việt
Theo vị chuyên gia, hiện Việt Nam có 676 doanh nghiệp nhà nước, gồm 478 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và 198 doanh nghiệp có cổ phần chi phối. Trong số này, có 6 tập đoàn kinh tế, 53 tổng công ty, và phần lớn hoạt động trong các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhà nước có vai trò quan trọng trong dẫn dắt, chi phối, trong những ngành, lĩnh vực quan trọng thiết yếu của nền kinh tế để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo định hướng XHCN; đóng vai trò ổn định kinh tế vĩ mô, ứng phó với các biến động thị trường (ngành quan trọng như năng lượng, viễn thông, tài chính); đầu tư vào các lĩnh vực mà khu vực tư nhân không muốn hoặc không đủ khả năng đầu tư do rủi ro cao hoặc lợi nhuận thấp nhưng lại có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội; cung cấp các dịch vụ công thiết yếu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Dù vậy, TS Nguyễn Quốc Việt thẳng thắn nhìn nhận, đang có những điểm nghẽn khiến vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam chưa được thể hiện một cách hiệu quả như kỳ vọng. Để khắc phục thực trạng này, đòi hỏi một quá trình cải cách toàn diện, đồng bộ và quyết liệt từ tư duy đến hành động gồm kiên quyết loại bỏ tư duy bao cấp và sự can thiệp hành chính; xác định rõ ràng đâu là lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước cần nắm giữ vai trò chủ đạo, còn đâu là lĩnh vực nên để tư nhân tham gia và nhóm doanh nghiệp này cần thực sự thoái lui.
Ngoài ra, cần dứt khoát trao quyền tự chủ, tự chịu rủi ro cao hơn trong việc ra quyết định kinh doanh cho doanh nghiệp nhà nước, thay vì phụ thuộc vào cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước cũng cần xem xét và áp dụng các chiến lược phát triển bền vững, bao gồm việc ưu tiên đầu tư vào công nghệ mới, đổi mới sáng tạo đồng thời chú trọng đến các yếu tố xã hội và môi trường. Cuối cùng, cần có cơ chế tách bạch rõ ràng mục tiêu xã hội và hiệu quả kinh doanh thuần túy của doanh nghiệp.
"Thủ tướng đã yêu cầu phải rà soát, đề xuất, tháo gỡ ngay các vướng mắc thể chế, đặc biệt là liên quan luật quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo nguyên tắc "cái gì biết mới quản, không biết thì không quản", tăng cường phân cấp, phân quyền. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nhà nước tháo gỡ các vướng mắc, tạo thêm không gian để họ phát triển mạnh mẽ hơn", TS Nguyễn Quốc Việt bày tỏ tin tưởng.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng đề xuất, cần lượng hóa trách nhiệm kinh doanh cũng như trách nhiệm đóng góp cho các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của doanh nghiệp nhà nước, tùy theo đặc điểm của từng lĩnh vực và điều kiện của từng doanh nghiệp. Chúng ta cũng nên nghiên cứu, xây dựng các cơ chế để doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân lớn tích cực hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, giảm áp lực lên doanh nghiệp nhà nước và tạo môi trường công bằng, bình đẳng để các khu vực doanh nghiệp cùng cống hiến cho đất nước.

Doanh nghiệp nhà nước cần mạnh dạn đầu tư vào công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trong các lĩnh vực như tự động hóa - Ảnh minh họa
Kết nối doanh nghiệp nhà nước với khối tư nhân
Một trong những yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra tại buổi làm việc với các doanh nghiệp nhà nước ngày 15/4 vừa qua là các doanh nghiệp nhà nước phải phối hợp với nhau, học tập, hỗ trợ lẫn nhau và với các doanh nghiệp tư nhân tốt hơn nữa. Đây cũng là vấn đề hai vị chuyên gia quan tâm và đưa ra nhiều gợi mở.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, các doanh nghiệp nhà nước có thể học tập một số điểm mạnh của mô hình Cheabol Hàn Quốc. Thứ nhất là phát triển chuỗi cung ứng liên kết bền vững với các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài ngành, nhất là các ngành có tính chất quan hệ hữu cơ, gắn bó chặt chẽ với nhau.
Thứ hai, doanh nghiệp nhà nước cần xây dựng chiến lược phát triển đa dạng trên lợi thế cạnh tranh vốn có, mở rộng từ các lĩnh vực truyền thống sang các ngành nghề mới. Chẳng hạn, với ngành năng lượng, kết nối công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, dữ liệu, năng lượng tái tạo, logistics về năng lượng cho các ngành công nghiệp khác hay trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng thì cũng phát triển mảng về dịch vụ tư vấn đầu tư – kinh doanh, bảo hiểm.
Thứ ba, xác định các mũi nhọn đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Doanh nghiệp nhà nước cần mạnh dạn đầu tư vào công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trong các lĩnh vực như tự động hóa, AI và công nghệ xanh, áp dụng quản trị tiên tiến toàn cầu, qua đó xây dựng thương hiệu mạnh, vươn ra thị trường quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng, công nghệ, tài chính.
"Thông qua kết nối với các thành phần kinh tế khác, các doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ được thúc đẩy đổi mới phương thức quản trị, giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động hằng ngày của doanh nghiệp, tạo cơ chế linh hoạt hơn trong việc tiếp cận vốn, nguồn lực, và thị trường. Ngược lại, sự đổi mới trong quản trị, không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước mà còn tạo ra sự phối hợp nhịp nhàng giữa các doanh nghiệp và thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế", TS Nguyễn Quốc Việt khẳng định.
Về phần mình, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng khẳng định ủng hộ mạnh mẽ quan điểm doanh nghiệp nhà nước phải kết nối với doanh nghiệp tư nhân, thậm chí doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI theo chuỗi giá trị, phân chia lợi nhuận và chia sẻ rủi ro thì sự liên kết mới bền vững và có hiệu quả. Tuy nhiên, nền tảng của sự kết nối này nằm ở việc hình thành và vận hành hệ thống các loại thị trường như thị trường bất động sản, thị trường lao động, thông tin, thương hiệu, thị trường khoa học công nghệ… minh bạch, không phân mảnh, bất cân xứng giữa các loại hình doanh nghiệp. Tiếp đến, môi trường kinh doanh không nên phân biệt, thân thiện, giảm thiểu thời gian thực hiện và số lượng các thủ tục hành chính, cắt giảm khâu trung gian và chi phí không chính thức như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
"Sau gần 40 năm Đổi mới, đến nay chúng ta đã xác định khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Chúng ta cũng cần tái cấu trúc lại doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện để doanh nghiệp nhà nước vận hành theo quy luật của nền kinh tế thị trường có định hướng. Làm được như vậy, cả khu vực kinh tế nhà nước và tư nhân đều được phát triển đúng theo tiềm năng và năng lực của họ, hài hòa về lợi ích, chia sẻ trách nhiệm và rủi ro, từ đó, nền kinh tế sẽ tiến lên một nấc thang phát triển mới", PGS.TS Nguyễn Thường Lạng kết luận.