Giải bài toán công nghệ xanh cho ngành dệt may

Ứng dụng công nghệ phù hợp là một trong những thách thức của doanh nghiệp dệt may trong tiến trình sản xuất và tăng trưởng xanh.

Cùng với việc các quốc gia là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bắt đầu luật hóa các quy định liên quan đến xanh hóa ngành dệt may, yêu cầu xanh hóa sản xuất ngày một cấp thiết với doanh nghiệp trong nước.

Nổi bật có thể kể tới, Liên minh châu Âu với những hoạt động cụ thể thông qua các quy định và chính sách như: Thỏa thuận xanh châu Âu, Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn, Chiến lược công nghiệp mới cho châu Âu và Chiến lược của Liên minh châu Âu cho ngành dệt may bền vững và tuần hoàn. Do đó, theo ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, chuyển dịch theo hướng sản xuất xanh là giải pháp tốt nhất để tuân thủ các quy định về tính bền vững của sản phẩm dệt may tại thị trường này.

Tuy nhiên, 80% trong tổng số 7.000 doanh nghiệp dệt may trong nước có quy mô vừa và nhỏ, nguồn vốn đầu tư cho công nghệ hiện đại để sản xuất ra sản phẩm xanh không phải vấn đề đơn giản. Trong khi đó, hệ thống tài chính xanh còn non trẻ khiến các dự án dệt may xanh gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn tài chính, bao gồm cả huy động vốn hoặc tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi.

Giải bài toán công nghệ xanh cho ngành dệt may.

Giải bài toán công nghệ xanh cho ngành dệt may.

Trước hiện trạng đó, từ năm 2023 đến nay, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ và Trung tâm Đổi mới Quốc gia Việt Nam đã triển khai Chương trình “Bệ đỡ công nghệ xanh” với sự tài trợ từ chính phủ Đức đã giúp giải bài toán khó về công nghệ cho doanh nghiệp dệt may.

Chương trình đã kết nối thành công 7 công ty dệt may xuất khẩu với 9 giải pháp công nghệ mới từ các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các công nghệ có thể giải quyết những vấn đề kỹ thuật phổ biến trong cơ sở dệt may như: Xử lý bùn thải, thu hồi nhiệt, tái chế vải vụn, tối ưu hóa sử dụng điện năng, quản lý nhân công và ứng dụng nguyên liệu mới bền vững.

Ông Dennis Quennet, Giám đốc Phát triển kinh tế bền vững tại GIZ Việt Nam cho biết, có rất nhiều tiềm năng sản xuất bền vững trong ngành dệt may, như giảm thiểu sử dụng nước, năng lượng, hay quản lý chất thải hiệu quả. Điều đó không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn giúp nâng cao lợi ích kinh tế nhờ quản lý hiệu quả nguồn lực để giảm chi phí sản xuất.

Các giải pháp công nghệ sáng tạo của các đơn vị khởi nghiệp có thể được tích hợp và đưa vào ứng dụng tại các doanh nghiệp dệt may, tạo nên chuỗi giá trị hiệu quả hơn và xanh hơn.

Sự hỗ trợ của Chính phủ Đức cùng những tổ chức quốc tế cho ngành dệt may Việt Nam để áp dụng được công nghệ sản xuất xanh là rất đáng quý. Bản thân doanh nghiệp nội địa trong phạm vi năng lực của mình đã mạnh dạn đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất.

Đơn cử, Công ty TNHH Việt Thắng Jean đã chuyển đổi sang áp dụng công nghệ xanh, vừa có thể nâng cao hoạt động sản xuất, vừa gắn với bảo vệ môi trường. Riêng về hàng denim, thay vì phải in và sử dụng hóa chất, màu… như trước đây, doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ laser, không ảnh hưởng đến môi trường.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn áp dụng công nghệ tự động cắt, công nghệ laser tạo hiệu ứng trên mặt vải, công nghệ nano nhuộm màu, công nghệ giặt xả của Thổ Nhĩ Kỳ… Những máy móc, công nghệ hiện đại này giúp Việt Thắng Jean đạt được chứng nhận Oeko-Tex, là một xác nhận sự an toàn về mặt sinh thái và con người của các sản phẩm dệt, đồ da, từ tất cả các giai đoạn sản xuất dọc theo chuỗi giá trị dệt may.

Tuy nhiên, sản xuất xanh, tăng trưởng xanh và bền vững là tiến trình dài đòi hỏi nỗ lực của cả doanh nghiệp và hỗ trợ kịp thời của Chính phủ. Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Lê Tiến Trường cho rằng, xanh hóa, nếu doanh nghiệp đi nhanh hơn thị trường cũng có thể có thiệt hại về tài chính, khi năng lực cung của hàng hóa dệt may xanh lớn hơn cầu, nhưng đi chậm hơn thì chắc chắn không có vị trí trong chuỗi cung ứng mới, dẫn tới khủng hoảng toàn diện ngành.

Do đó, Chính phủ cần thể chế hóa các tiêu chuẩn xanh trong ngành dệt may với lộ trình phát triển và mục tiêu cụ thể, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế xanh trên thế giới. Lộ trình phát triển dệt may xanh cần nêu rõ các mục tiêu, quy định cụ thể cho từng giai đoạn ngắn, gắn với vai trò của các bên liên quan đồng thời gắn với các cơ chế tài chính để thực hiện mục tiêu như cơ chế hợp tác công tư, cơ chế tài chính xanh…

Các quy định của chính phủ là điều kiện sàn, định hướng để những đầu tư mới, đầu tư chiều sâu đi đúng định hướng của nền kinh tế xanh, tránh lãng phí của cải vật chất. Tuy nhiên các mục tiêu này lại phải rất linh hoạt, liên tục có khả năng điều chỉnh theo diễn biến của thị trường chứ không thể giữ cố định như kế hoạch 5 năm, hay các chiến lược, quy hoạch 10 năm hiện có.

Chính phủ cũng nên đưa ra các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp theo hướng chuyển đổi xanh và áp dụng các sáng kiến xanh thông qua các công cụ về tín dụng, thuế, đất đai. Đặc biệt là các chính sách tài chính, có tác dụng bổ sung dòng tiền và lợi thế chi phí cho các doanh nghiệp triển khai sản xuất xanh.

Tập trung vào nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ xanh như năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng và nước, quản lý tài nguyên và xử lý chất thải. Điều này có thể giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tạo ra các nguồn tài nguyên bền vững. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác với các đối tác, nhà cung cấp máy móc thiết bị để học hỏi, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong ngành dệt may.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giai-bai-toan-cong-nghe-xanh-cho-nganh-det-may-330413.html
Zalo