Giải bài toán cho doanh nghiệp xuất khẩu pin mặt trời trước phòng vệ thương mại
Việt Nam hiện được đánh giá có năng lực lớn trong sản xuất và xuất khẩu tấm pin năng lượng mặt trời, bắt kịp xu hướng phát triển của ngành năng lượng xanh. Song, trước sức 'nóng' của nhu cầu các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần cẩn trọng trong các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM).
Xu hướng áp dụng
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), chi tiêu cho năng lượng mặt trời đang có xu hướng phát triển mạnh, vượt xa chi tiêu cho sản xuất dầu trong những năm gần đây. Đây cũng là cơ hội lớn đối với lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu pin năng lượng mặt trời của thế giới nói chung, DN Việt Nam nói riêng.
Tại Tọa đàm với chủ đề “Phòng vệ thương mại: Góc nhìn từ các vụ việc điều tra với ngành hàng tấm pin năng lượng mặt trời” mới đây, các chuyên gia, nhà quản lý đã có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này.
Trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài (Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương) Nguyễn Yến Ngọc cho biết, Việt Nam hiện được đánh giá là quốc gia có năng lực lớn trong sản xuất và xuất khẩu tấm pin năng lượng mặt trời, bắt kịp xu hướng phát triển của ngành năng lượng xanh trên toàn cầu. Đặc biệt, theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam đang hướng tới loại bỏ dần sản xuất điện than và tăng công suất lắp đặt điện mặt trời. Xu hướng này cũng góp phần thu hút đầu tư tăng cường mở rộng công suất ở Việt Nam.
Tuy nhiên, trước sức “nóng” của nhu cầu sản xuất và nhập khẩu ngành hàng này, các DN sản xuất tấm pin năng lượng của Việt Nam cần cẩn trọng trong các biện pháp PVTM. Cụ thể, Ấn Độ điều tra về biện pháp chống bán phá giá năm 2021 tuy nhiên sau đó bên nguyên đơn đã rút đơn và chấm dứt vụ việc đó. Tiếp theo, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành điều tra chống lẩn tránh PVTM với biện pháp chống bán phá giá vào năm 2023 và kết quả là tất cả DN hợp tác trong vụ việc đều được mức thuế 0%.
Đáng chú ý, Mỹ là nước đã tiến hành điều tra 3 biện pháp PVTM với Việt Nam là chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ sau đó tiến hành điều tra mở rộng của các biện pháp trên là điều tra chống lẩn tránh về chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Chủ động để tận dụng cơ hội
Chuyên gia Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) Vũ Thanh Hải cho biết, tại Việt Nam, các DN sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời chủ yếu là các DN FDI, còn DN nội địa chưa có nhiều.
Về tổng thể công nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam không phân biệt DN nội địa hay DN FDI hiện nay rất phát triển. Tuy rằng, việc sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời này còn một số vấn đề, có thể gọi là rủi ro, do đó cần quan tâm về chính sách và thị trường nhập khẩu. Các nước phát triển sẽ có những chế tài, hay biện pháp bảo hộ thị trường trong nước để đảm bảo tiêu chuẩn khi nhập về.
“Đó là vấn đề cần lưu ý và có một độ rủi ro nhất định nên việc phối hợp từ Nhà nước cho tới DN phải nhịp nhàng, chặt chẽ để vượt qua được, phát huy thế mạnh có thể xuất khẩu và phát triển sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời một cách có hiệu quả nhất”.
Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng cho biết, nhu cầu sử dụng pin năng lượng mặt trời của Mỹ rất lớn với giá trị nhập khẩu hàng tỷ USD mỗi năm. Mặc dù vậy, việc phải đối mặt với các vụ việc PVTM đã gây khó khăn lớn cho ngành sản xuất pin năng lượng mặt trời trong nước.
Do đó, DN chủ động cần chuyển đổi sản xuất và ứng phó với các vụ kiện PVTM, nhằm giảm rủi ro và tăng lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu.
Để hạn chế những rủi ro, ông Đỗ Ngọc Hưng khuyến nghị, DN cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cả cơ quan quản lý trong nước của Việt Nam cũng như các cơ quan điều tra của Mỹ trong quá trình diễn ra các vụ việc về PVTM.
Các DN phải chủ động xử lý, nắm và tìm hiểu kỹ quy định về PVTM của Mỹ để hình dung ra được quy trình, các mốc thời gian nộp các tài liệu kiểm chứng cũng như các tài liệu theo yêu cầu của vụ việc.
Ngoài ra, liên tục phải nghiên cứu cải thiện sản phẩm, nâng cao hàm lượng chất xám cũng như tỉ lệ nội địa hóa, tránh phụ thuộc vào các lợi thế cạnh tranh về giá sản phẩm.
Tiếp theo đó là DN của Việt Nam cũng nghiên cứu, xem xét để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu để nhập khẩu, sản xuất và xuất khẩu, tránh nhập khẩu từ những nước bị Mỹ coi là đối tượng xem xét PVTM tăng cường nhập khẩu các nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ Mỹ cũng là một trong những biện pháp có thể cân bằng thương mại.
"Cần phải xác định rõ là việc PVTM sẽ luôn song hành. Đây vừa là cơ hội và thách thức đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trong giao dịch thương mại quốc tế với Mỹ khi những biện pháp được WTO cho phép áp dụng trong những điều kiện nhất định. Do vậy, tăng cường xuất khẩu cũng như thặng dư thương mại lớn DN cũng cần phải chuẩn bị để luôn sẵn sàng ứng phó với việc các cơ quan điều tra của Mỹ sẽ khởi kiện vụ việc PVTM tại thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung, Mỹ nói riêng" - ông Đỗ Ngọc Hưng chỉ ra.
Đưa ra quan điểm của mình, Chuyên gia Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) Vũ Thanh Hải cho rằng, các DN Việt Nam cần phải đẩy mạnh công tác nội địa hóa sản phẩm, chẳng hạn như các thành phần phụ trong tấm pin năng lượng mặt trời. Liên quan đến các mô hình, phải đổi mới mô hình quản lý, hay kiểm soát chất lượng của sản phẩm, nhất là các sản phẩm mà xuất khẩu ra ngoài...
Báo cáo mới nhất của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), đầu tư cho năng lượng sạch toàn cầu đã cán mốc kỷ lục. Theo đó, tổng đầu tư năng lượng trên toàn thế giới năm 2024 dự kiến vượt 3.000 tỷ USD lần đầu tiên, với khoảng 2.000 tỷ USD được sử dụng để phát triển các công nghệ sạch, bao gồm năng lượng tái tạo, xe điện, năng lượng hạt nhân, lưới điện, lưu trữ, nhiên liệu phát thải thấp… Còn lại, hơn 1.000 tỷ USD là đầu tư cho than, khí đốt và dầu. Đây là cơ hội lớn đối với lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu tấm pin năng lượng mặt trời của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng trong thời gian qua.